Thanh Hóa:
Mắc bệnh hiểm nghèo, cô giáo vẫn đạt giải GV Giỏi quốc gia
(Dân trí) -Hơn 20 năm gắn bó với nghiệp “trồng người”, cô Nguyễn Thị Tuyết Hạnh (giáo viên Trường tiểu học Điện Biên I, TP Thanh Hóa) luôn là GV dạy giỏi cấp huyện, tỉnh. Ngay cả khi mang trong mình căn bệnh ung thư hiểm nghèo, cô vẫn thi và đạt giải GV giỏi cấp quốc gia.
Nói về cô Tuyết Hạnh, các giáo viên (GV) trong trường đều dành cho cô sự khâm phục sâu sắc về nghị lực sống và vượt lên số phận.
Hơn 20 năm đều là GV dạy giỏi
Không chọn theo nghề đường sắt mà cả gia đình đi theo, cô Tuyết Hạnh chọn cho mình một lối đi khác đó là nghề “gõ đầu trẻ”. Năm 1991, cô tốt nghiệp trường ĐH Sư phạm I rồi được phân công trở về huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa) giảng dạy.
Sau 3 năm giảng dạy ở mảnh đất núi rừng, trường lớp chỉ là những nhà tranh, nứa, cô được điều về Trường tiểu học Đông Sơn. Đến năm 1998, cô được chuyển sang Trường tiểu học Đông Hải. Trải qua bao nhiêu gian nan thử thách, cho đến năm 2001 cô về trường tiểu học Điện Biên I. Cho đến bây giờ cũng đã hơn 20 năm cô gắn bó cuộc đời mình với sự nghiệp “trồng người” và cũng hơn 20 năm ấy, cô đều đứng trong đội tuyển GV giỏi cấp huyện, tỉnh cùng nhiều thành tích khác.
Ngay từ những năm đầu đứng trên bục giảng của huyện miền núi Như Xuân, cô Hạnh đã là GV dạy giỏi cấp huyện. Năm 1993-1994: 2 lần đạt GV dạy giỏi cấp huyện Đông Sơn, từ năm 1998 đên 2004: GV dạy giỏi cấp thành phố, 2005-2006: GV giỏi cấp tỉnh, từ năm 2009 đến năm 2013: GV dạy giỏi cấp tỉnh và năm 2012-2013: GV giỏi cấp quốc gia.
Không những thế, cô Hạnh còn đạt nhiều thành tích khác như: 2008-2009: cô được Bộ GD-ĐT tặng huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục”, từ năm 2009 đến năm 2013 cô liên tục đạt chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, bằng khen của công đoàn giáo dục thành phố, Liên đoàn lao động thành phố... Hơn 10 năm qua, năm nào cô Hạnh cũng có học sinh đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh.
Vượt lên số phận
Đã gần 6 năm trôi qua, cô Nguyễn Thị Tuyết Hạnh mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo quái ác: ung thư hạch. Thế nhưng điều mà ai cũng vô cùng khâm phục ở cô đó là nghị lực vượt lên số phận, vượt lên bệnh tật để tiếp tục sống và cống hiến hết mình cho sự nghiệp.
Năm 2007-2008, cô phải tạm nghỉ dạy để đi điều trị. Nhưng sau những đợt chạy hóa chất và điều trị bằng phác đồ ở Bệnh viện K (Hà Nội), cô lại trở về và tiếp tục công việc của mình, đứng lớp, dạy đội tuyển, tham gia những kỳ thi giáo viên giỏi và lần nào cũng đạt giải cao. Điều đáng khâm phục là năm học 2012-2013, dù vẫn sống chung với bệnh, với thuốc nhưng cô đã là một trong 5 GV của Trường tiểu học Điện Biên I đạt giải GV dạy giỏi cấp quốc gia.
“Sau những đợt truyền hóa chất khiến đầu rụng hết tóc, cơ thể gầy yếu, mệt mỏi nhưng chỉ cần được lên lớp, được tiếp tục với công việc là mọi nỗi đau đớn bệnh tật lại như quên hết. Chưa bao giờ mình nghĩ rằng mình có thể bỏ công việc giảng dạy. Chân còn đi được, mắt còn thấy, tay còn có thể cầm bút để viết thì khi ấy còn muốn được đứng trên bục giảng” - cô Hạnh trải lòng.
Không chỉ là tấm gương trong sự nghiệp giảng dạy, cô Tuyết Hạnh còn là người vợ, người mẹ hiền đảm đang. Sau giờ lên lớp, cô trở về chăm sóc gia đình. Chồng của cô Hạnh là bác sĩ, thường xuyên vắng nhà, một mình cô đảm đương các việc trong nhà.
Hai con trai của cô đều chăm ngoan và học giỏi. Em Mỵ Duy Hoàng Long, con trai cả của cô Hạnh, học trò trường Chuyên Lam Sơn đã từng giành Huy chương Đồng môn thi Vật Lý châu Á - Thái Bình Dương, Huy chương Bạc kỳ thi Olympic Vật Lý quốc tế.
Chia sẻ về cô Tuyết Hạnh, cô giáo Nguyễn Thị Liên - Hiệu phó Trường tiểu học Điện Biên I cho biết: “Dù mắc bệnh hiểm nghèo nhưng năm nào cô Hạnh cũng đều là GV dạy giỏi. Mỗi khi dự giờ tiết cô Hạnh dạy, tất cả các đồng nghiệp đều như “nín thở” để nghe. Cô Hạnh đạt được những thành tích mà chính những GV có sức khỏe bình thường cũng không làm được. Và dù bệnh tật nhưng chưa bao giờ cô làm ảnh hưởng đến công việc, lúc nào cũng tham gia đầy đủ các tiết dạy trên lớp cũng như dạy đội tuyển. Không những thế, những hoạt động ngoại khóa của nhà trường, cô Tuyết Hạnh đều tích cực tham gia. Thật sự tôi và những đồng nghiệp vô cùng trân trọng và khâm phục”.
Nguyễn Thùy