Luyện thi ĐH: Lò “đỉnh cao” chất lượng thấp!

Khác trước, hầu hết học sinh luyện thi ĐH năm nay chỉ tìm học tại những lò “chất lượng cao” với những giáo viên “đỉnh”. Tuy nhiên chất lượng của những lò luyện thi “chất lượng cao” này lại rất đáng phải bàn.

Chen chúc trong lò “đỉnh cao”

 

Trái ngược với những lò luyện thi tư nhân nhỏ lẻ, một số trung tâm luyện thi được giới học sinh truyền tai nhau là "chất lượng lắm", "thầy khoanh vùng trọng tâm thi trúng tủ lắm" thì luôn đông nghẹt. Hầu hết các trung tâm này đều thuê giảng đường trong các trường ĐH, một phần để có thể chứa được một lượng lớn học sinh, mặt khác phần nào làm cho học sinh yên tâm khi đăng ký học tại đây.

 

Đ.T.P - học sinh lớp 12 Trường THPT Thăng Long (HN) cho biết, tại lò nơi em đang luyện thi nằm gần Viện ĐH Mở Hà Nội rất đông, trung bình mỗi buổi học có khoảng 200 - 300 học sinh. Em đến học tại đây cũng chỉ vì có lời giới thiệu của bạn cùng lớp là có thầy Cẩn dạy lý, thầy Độ dạy hoá, thầy Nguyên dạy toán... Tương tự như vậy, lớp học văn của thầy Hưởng (ĐHQG) hay lớp tiếng Anh của thầy Hải Jim (ĐHQG) nằm trong Trường ĐH Dược HN và ĐH Bách khoa buổi nào cũng đông nghẹt học sinh, thậm chí những em đến muộn phải ngồi ghế nhựa ở lối đi giữa các dãy bàn.

 

Tại các lò này, giá tiền trung bình một buổi học là 7.000đồng (nếu mua vé tháng) và 9.000đồng nếu học theo buổi, riêng lớp toán của thầy Nguyên, do có "thương hiệu" nên mức giá là 10.000đồng/buổi.

 

Bên cạnh những lò luyện thi này, một số thầy còn tổ chức lớp riêng tại nhà (như thầy Hưởng, thầy Hải Jim...), sĩ số chỉ giới hạn khoảng 20 em, với mức học phí gấp khoảng 5 - 10 lần so với các lớp tại lò, từ 1,5 triệu - 2 triệu/khoá học khoảng 9 tháng, mỗi tuần học một buổi. Tất nhiên, với mức học phí như vậy, các thầy đều có một giáo trình riêng, đầy đặn và chi tiết hơn so với giáo trình dạy tại lò.

 

Đặc biệt, tại các lớp nhỏ này, các em được "khoanh vùng" trọng tâm ôn thi và thầy nào cũng đảm bảo: Chắc chắn sẽ trúng tủ. Hầu hết các lớp này được bắt đầu từ hè năm ngoái, các thầy cũng chỉ lựa chọn dạy những học sinh thuộc các trường THPT "có tiếng" như Việt Đức, Thăng Long, Kim Liên... và đến sau Tết Nguyên đán không nhận học sinh mới. Thông qua một số em đang học lớp riêng của thầy Hưởng, tôi ngỏ ý muốn đi học, các em đều lắc đầu: "Thầy không nhận học sinh nữa đâu, thầy bảo nếu muốn học thì đến lò "đại trà".

 

Tuy vậy, qua tìm hiểu, chúng tôi thấy chất lượng của các lò "chất lượng cao" vẫn rất có vấn đề.

 

Bóp nghẹt tính sáng tạo

 

Tại những lớp học luyện thi "chất lượng cao" như của thầy Nguyên, thầy Cẩn (HN), trung bình mỗi buổi có khoảng 200 - 300 em học sinh. Các chủ lò luyện thi khẳng định, đây là các thầy nổi tiếng về dạy giỏi và biết trước đề thi ĐH (?), nên chắc chắn luyện tại đây sẽ đỗ.

 

Với một số lượng lớn học sinh như vậy, thầy giáo sẽ không thể kiểm tra bài làm của từng em; bởi vậy, hình thức phổ biến ở những lớp luyện thi các môn tự nhiên này là: Thầy giao bài, sau đó sửa và trình bày bài giảng trên bảng, học sinh chỉ còn việc chép lại, tự so sánh với bài làm của mình xem đúng hay sai. Nhiều em, do nền kiến thức chưa vững nên rất vất vả mà vẫn không theo kịp, về nhà phải thuê gia sư học thêm.

 

Khi hỏi Hưng - một học sinh vừa học lớp luyện thi, vừa học gia sư ở nhà, vì sao không chỉ tập trung ôn ở nhà với gia sư - tôi nhận được câu trả lời: "Em phải theo lò chứ, vì thế nào đến sát ngày thi thầy cũng "khoanh vùng" trọng tâm. Mấy năm trước, thấy các anh chị lớn bảo thầy cho ôn trúng "tủ" lắm".

 

Lớp toán, lý, hoá đã vậy, ở lớp văn, tình trạng đọc - chép còn kinh khủng hơn nhiều. Trong vai một học sinh lớp 13 đi ôn luyện thi lại, tôi dự vài buổi dạy văn của lớp thầy Hưởng (ĐHQG) giảng về hình tượng cây xà nu trong tác phẩm "Rừng xà nu" của nhà văn Nguyễn Trung Thành. Thầy giảng rất hay, câu văn rất có hình ảnh, súc tích. Và tất nhiên, thầy đọc cho học trò chép hoàn toàn những câu văn đó từ phần mở bài, thân bài đến kết luận.

 

Sau buổi học, tôi có mượn vở bài tập được thầy giao về nhà làm từ buổi trước của mấy em, viết cảm nhận về hình ảnh cây xà nu, thì thật đáng buồn, bài làm nào cũng giống hệt nhau, từ kết cấu đến từng câu chữ. Mặc dù thầy luôn nói rằng cần phải có tính sáng tạo trong cách thể hiện nhưng thử hỏi, với cách đọc - chép như vậy, liệu các em có còn "đất" nào để sáng tạo?

 

Lớp thầy Hưởng cũng là một trong những lớp luôn chật kín học sinh, bởi như thầy tự quảng cáo: Mặc dù thầy không phải là người trực tiếp ra đề thi, nhưng thầy chơi thân với những người ra đề, bởi thế cứ yên tâm, thầy "khoanh vùng" là trúng (!).

 

Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ mùa thi ĐH năm ngoái, dư luận đã xôn xao rất nhiều về việc một lò luyện thi của ĐH Sư phạm cho học sinh ôn trọng tâm và có đến 6/8 bài ôn trùng với đề thi chính thức. Trên một diễn đàn của học sinh, bạn celine_boy1080 đã bức xúc viết: "Lò tổ chức ôn luyện thi cấp tốc trong vòng 20 ca trước kỳ thi đợt 2 dành cho khối C và D. Trong dàn ý chi tiết mà lò luyện thi cho các thí sinh ghi: Tất cả những gạch đầu dòng đều trùng với đáp án của bộ! Được biết thêm, thầy giáo dạy chính của lò luyện thi này lại là một trong những người tham gia ra đề thi. Điều này đã làm cho nhiều bạn thí sinh thật sự bị sốc và cảm thấy uất ức".

 

Theo Lê Nguyễn

Lao Động