“Lưu học sinh nghỉ học giữa chừng phải bồi hoàn kinh phí”

Bàn về việc <a href="http://www12.dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2007/1/162742.vip">18 lưu học sinh Đề án 322 phải về nước</a> do học kém, ông Trương Duy Phúc, Trưởng Ban điều hành Đề án 322 (Bộ GD-ĐT), cho biết những lưu học sinh phải về nước do học lực yếu sẽ phải bồi hoàn kinh phí đào tạo cho Nhà nước.

Theo ông Phúc, 18 lưu học sinh (LHS) phải về nước trong số gần 3.000 LHS được cử đi học nước ngoài trong 6 năm (từ 2000 - 2006) phần lớn đều thuộc Đề án 322. Chỉ có 2 người thuộc Đề án xử lý nợ với Liên bang Nga.

 

Học ở nước ngoài yêu cầu cao hơn học trong nước. Các trường ĐH nước ngoài sàng lọc rất mạnh. Nhưng, số lượng LHS Việt Nam bị thôi học trong thời gian 6 năm qua chỉ chiếm khoảng 0,6% số LHS đã đi học. Trung bình mỗi năm có 3 LHS bị về nước. Điều đó không chỉ thể hiện khâu tuyển chọn chặt chẽ mà còn là quyết tâm học tập của LHS thuộc Đề án 322.

 

Việc được tuyển chọn đi học, song lại về nước vì lý do học kém đã dẫn đến những lo lắng về khâu tuyển chọn đầu vào “có vấn đề”?

 

Việc tuyển chọn SV và cán bộ nhà nước đi học nước ngoài tuân thủ theo một quy trình rất chặt chẽ. Các thí sinh đi học Sau ĐH phải dự thi tuyển 3 môn, trong đó có môn ngoại ngữ. Các Hội đồng tuyển sinh tổ chức thi và đánh giá thí sinh. Bộ GD-ĐT thẩm tra lại kết quả thi và hồ sơ của thí sinh để quyết định trúng tuyển. Sau đó, nếu được các trường ĐH xem xét đồng ý nhận đào tạo, Bộ GD-ĐT mới ra quyết định cử đi học nước ngoài.

 

Những thí sinh đi học ĐH được tuyển chọn trong số SV thi lần đầu trúng tuyển vào các trường ĐH Việt Nam với kết quả cao. Các trường ĐH căn cứ vào tiêu chuẩn do Bộ GD-ĐT thông báo, sơ tuyển SV, Bộ GD-ĐT thẩm định kết quả trúng tuyển và quyết định cử đi học theo các ngành nghề cần đào tạo.

 

Do việc tuyển chọn chặt chẽ và nghiêm túc nên đại đa số LHS có kết quản học tập giỏi và xuất sắc. Một số LHS có công trình nghiên cứu khoa học được đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín. Nhiều LHS được các trường ĐH nước ngoài khen thưởng và ca ngợi.

 

Một trong 3 môn thi bắt buộc đối LHS là môn ngoại ngữ. Thế nhưng, trong số 18 LHS về nước vẫn có những người bị “đứt gánh giữa đường” do không đủ năng lực ngoại ngữ?

 

Theo tổng kết của ban điều hành đề án, trong số 18 người,  có 13 người lưu học ở LB Nga bị buộc thôi học vì học lực kém, 3 người ở Pháp không đủ trình độ ngoại ngữ, 1 người đi học tiến sĩ tại Australia nhưng chỉ lấy được bằng thạc sĩ, 1 người ở Thái Lan không đủ điều kiện học xong chương trình. Ngoài ra còn có 1 người ở Australia đã tự ý bỏ về nước...

Tuy tuyển chọn có chặt chẽ, song trong quá trình học tập, một số LHS vẫn không thể vượt qua thách thức của việc học tập ở nước ngoài, nhất là thử thách về ngoại ngữ. Có 3 LHS đi học tiến sĩ tại Pháp về các ngành khoa học Luật và Triết học. Mặc dù đã có bồi dưỡng ngoại ngữ trước khi đi học nhưng sau 2 năm học vẫn không tiến bộ về tiếng Pháp nên phải về nước.

 

Việc cho hoãn học giữa chừng như vậy có hợp lý. Họ có phải bồi hoàn kinh phí đào tạo?

 

Những LHS phải về nước được xem xét thận trọng trước khi quyết định hình thức xử lý. Việc hoãn học, trước hết Bộ GD-ĐT căn cứ vào nhận xét của Đại sứ quán Việt Nam tại các nước liên quan, ý kiến của trường ĐH hoặc cơ quan trong nước đã cử LHS đi học và xem xét hoàn cảnh cụ thể của LHS.

 

Những LHS bị về nước do học lực, kể cả ngoại ngữ yếu và ý thức kỷ luật kém, theo Quy chế quản lý công dân Việt Nam đang được đào tạo tại nước ngoài và dựa trên bản cam kết của LHS trước khi đi học thì sẽ phải bồi hoàn kinh phí cho Nhà nước. Đối với LHS phải về nước chữa bệnh, được hoãn thời gian học, sau khi khỏi bệnh được trở lại nước ngoài học tập.

 

Các LHS bị về nước muốn được tiếp tục học tại các trường ĐH trong nước, nơi LHS đã được cử đi, nếu được các trường ĐH xem xét khả năng học tập và đồng ý tiếp nhận sẽ được Bộ GD-ĐT cho phép sau khi hoàn thành nghĩa vụ bồi hoàn kinh phí.

 

Có ý kiến cho rằng, rất khó thu hồi kinh phí của những LHS trở về nước giữa chừng?

 

Tất cả những LHS về nước giữa chừng nếu muốn học tiếp chương trình trong nước đều phải bồi hoàn kinh phí đào tạo. Căn cứ vào đơn của LHS chúng tôi sẽ báo chính quyền địa phương hoặc báo với cơ quan, nới LHS công tác để khấu trừ vào lương...

 

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Kiều Oanh

VietNamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm