Lớp học tình thương của các cựu giáo chức

Sáu năm qua, cứ đến hè về, những cựu giáo chức ở phường Phước Hòa (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) lại mở ra những lớp học tình thương, vận động những học sinh nghèo trên địa bàn phường đến học miễn phí.

Từ đây, nhiều em học sinh gia đình hoàn cảnh khó khăn đã có điều kiện để học hành, chắp cánh cho ước mơ bay vào đời…
 
Một giờ học của lớp học tình thương do các cựu giáo chức mở ra
Một giờ học của lớp học tình thương do các cựu giáo chức mở ra.

Tự nguyện và miễn phí

Lớp học tình thương khởi xuất từ ý tưởng của bà giáo Lê Thị Thanh Nga - hiện đang là Chủ tịch Hội Cựu giáo chức phường Phước Hòa.

“Nơi tôi sống có nhiều học sinh gia cảnh rất khó khăn, không có điều kiện học hè. Hơn nữa, nhiều em trong thời gian hè thường tụ tập bạn bè lêu lổng, dẫn đến nhiều tệ nạn. Từ đó, tôi có ý tưởng vận động mở những lớp học này” - bà nói.

Nghĩ là làm, bà liên lạc với Đoàn phường Phước Hòa, rủ thêm nhiều người bạn cũng là cựu giáo chức; rồi vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tài trợ kinh phí mua sách vở phát thưởng cho các em.

Cô đến từng trường xin danh sách những em học sinh nghèo... Đến hè năm học 2009- 2010, tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (khối phố 2, Phước Hòa), lớp học tình thương được mở với 9 cựu giáo chức tham gia giảng dạy, và 80 học sinh theo học.

Năm thứ hai, Hội Cựu giáo chức cùng Đoàn phường vận động thêm sinh viên đang theo học các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Tam Kỳ tham gia, từ đó hè năm học 2010 - 2011, có 12 người giảng dạy, với 120 học sinh theo học.

Cứ tăng dần qua các năm, đến năm nay, lớp học đã có 12 giáo viên đứng lớp và 140 học sinh theo học. Các lớp học phân bổ đều từ lớp 2 đến lớp 9, với các môn học Tiếng Việt và Toán tiểu học; Toán, Tiếng Anh, Hóa, Văn THCS.

Theo bà giáo Lê Thị Thanh Nga, mục đích của lớp học là củng cố, bổ sung kiến thức cho học sinh trong dịp hè, đồng thời, qua việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, như giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao, sẽ giúp các em có những trải nghiệm thực tế, rèn luyện kĩ năng mềm phục vụ cuộc sống thường nhật.

“Tất cả giáo viên đều tham gia với tinh thần tự nguyện và học sinh đều được học miễn phí” - bà Nga nói.

Một mô hình hay

Sáng 8/6, lớp học tình thương tổ chức buổi khai giảng lần thứ 6. Danh sách học sinh theo học đã chốt, nhưng sáng hôm đó, nhiều phụ huynh vẫn dẫn con tới để xin cho con mình theo học.

Bà Lê Thị Ngọc (45 tuổi, khối phố 6, Phước Hòa) bộc bạch: “Tôi có đứa con trai học lớp 2, những ngày hè này tôi muốn con mình theo học để nó có không gian sinh hoạt, học tập, không đàn đúm với bạn bè. Tôi rất mong có thêm nhiều lớp học như thế này nữa”.

Bố của em Bùi Thị Thanh Trúc (hiện đang học lớp 7) bị ung thư vừa mất, mẹ bán cháo đậu đỏ, nuôi bốn đứa con, trong đó có một đứa tật nguyền.

Em nói: “Từ khi lớp học khai giảng năm đầu tiên, em đã theo học. Ngoài việc dạy em, các thầy cô còn kết nối các mạnh thường quân, giúp cho mẹ em có thêm nguồn trang trải cuộc sống. Em rất biết ơn”.

Còn hoàn cảnh em Huỳnh Văn Vương (học lớp 2) rất bi đát. Trong một lần đánh cá, ba mẹ em bị chết đuối, để lại ba đứa con phải nương nhờ ông nội.

“Em rất vui vì các thầy cô ở đây như cha mẹ, em được khuyên bảo để có thêm nghị lực sống” - Vương nói.

Theo ông Lê Bá Lộc, Chủ tịch Hội Khuyến học phường Phước Hòa, lớp học tình thương không chú trọng quá nhiều đến thành tích học tập, mặc dù, vẫn có chấm điểm thi, tới cuối khóa, vẫn cho học sinh thi để tổng kết điểm, phát quà cho những em nào đạt điểm cao.

Ở đây chú trọng đến việc bồi dưỡng những kĩ năng mềm cho các em, giúp các em vận dụng những kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống.

Ví như, qua việc giao lưu văn nghệ với các nhà thơ, nhà văn được mời, các em có được những trải nghiệm để yêu thích bộ môn Văn hơn.

Qua việc giao lưu thể dục thể thao, giúp các em có thêm có những kĩ năng để ứng biến với những biến cố xảy ra trong cuộc sống.

Lớp học tình thương còn giúp cho các bạn trẻ đang là sinh viên, đoàn viên tham gia giảng dạy có được những trải nghiệm ý nghĩa; và giúp cho các cựu giáo viên như “tìm lại chính mình” sau nhiều năm nghỉ hưu.

Bạn Trần Thị Kim Trâm, sinh viên Cao Đẳng Kinh tế - Kế hoạch Quảng Nam, đã tham gia lớp học được 2 năm. Nhà bạn cách trường 8 cây số. Mỗi ngày, bạn vẫn đều đặn tới lớp học để giảng dạy.

Trâm cho biết: “Mình rất xúc động khi biết được những em học sinh theo học ở đây đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Gắn bó với các em, mình có thêm những trải nghiệm ý nghĩa, và nghị lực của các em còn tiếp thêm động lực sống cho mình”.

Còn bà giáo Phạm Ngọc Thúy, giảng dạy môn Văn, bộc bạch: “Mình nghỉ hưu đã 6 năm. Sáu năm rồi mình mới cầm lại viên phấn.

Dạy ở đây, mình tìm lại được cảm giác của nghề, và thấy rằng, dù đã nghỉ hưu, nhưng nghề giáo chẳng xa rời mình tí nào”.

Theo bà giáo Lê Thị Thanh Nga, nhiều giáo viên giảng dạy ở đây là chiến sĩ thi đua, nên lớp học rất đảm bảo chất lượng.

Qua việc giảng dạy, cựu giáo chức cũng tiếp cận thêm cách giảng dạy mới, trau dồi kiến thức, và thỏa mãn được niềm đam mê với nghề dù đã nghỉ hưu.

“Những năm sắp tới, lớp học vẫn được tổ chức đều đặn. Để lớp học thành công hơn nữa, rất mong các nhà hảo tâm, mạnh thường quân ủng hộ bút vở cho các em. Mỗi cuốn vở, mỗi cây bút dù là món quà đơn sơ, nhưng là nguồn động lực để các em vượt qua khó khăn để trưởng thành” - bà nói.
 
Theo Thành Dũng
Giáo dục & Thời đại