Lớp học kích não biến con thành thiên tài: Sẽ gây hậu quả đáng tiếc nếu can thiệp

(Dân trí) - “Hiện tại, theo tôi được biết các nghiên cứu não bộ vẫn chưa thể giải mã 100% cấu trúc cũng như hoạt động của nó. Vì thế, tôi cho rằng chưa có đủ căn cứ khoa học để khẳng định việc kích não trở thành thần đồng là hợp khoa học” - TS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng bộ môn Phương pháp dạy Toán, Khoa Toán- Tin, Trường ĐHSP Hà Nội đã nhận định như vậy về lớp học phương pháp kích não đang rầm rộ trên mạng.

Chưa đủ căn cứ khoa học

Ngay sau khi phương pháp kích não được đưa ra bàn luận trên các phương tiện thông tin đại chúng, một số chuyên gia lên tiếng cảnh báo, việc tùy tiện can thiệp vào tư duy của trẻ em như phương pháp này, sẽ để lại hậu quả khôn lường.

Trao đổi với PV Dân trí, TS Thơ cho biết, bà luôn ủng hộ việc giáo dục trẻ trên cơ sở tôn trọng sự phát triển tự nhiên. Việc can thiệp thô bạo vào cấu trúc sinh học (não bộ) hoặc ép trẻ theo các mô hình nào đó để cải thiện tư duy của trẻ đều để lại nhưng hậu quả đáng tiếc. Những hậu quả này có thể thấy ngay nhưng cũng có thể về lâu dài mới thấy.

“Hiện tại, theo tôi được biết các nghiên cứu não bộ vẫn chưa thể giải mã 100% cấu trúc cũng như hoạt động của nó. Vì thế, tôi cho rằng chưa có đủ căn cứ khoa học để khẳng định việc kích não trở thành thần đồng là hợp khoa học”, TS Thơ khẳng định.


Trẻ tham gia một lớp học kích não

Trẻ tham gia một lớp học kích não

Chia sẻ với chúng tôi, TS Trần Thành Nam, Giảng viên trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), chuyên nghành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, cho biết: “Phương pháp kích hoạt não giữa chưa từng được các nước có nền khoa học phát triển như Anh, Mỹ, Pháp, Singapore thẩm định về chuyên môn. Ngoài ra, ông cũng chưa tìm được tài liệu nghiên cứu nào khẳng định tác động của nó đến năng lực vượt trội của trẻ”.

Theo TS Nam, việc kích não sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường như: Khiến trẻ hoặc ảo tưởng về năng lực của mình, hoặc bị áp lực về năng lực đó. Chưa kể, trẻ có thể sử dụng năng lực đó vào những mục đích cá nhân không chính đáng.

Mỗi trẻ em cần có cách giáo dục riêng

Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về việc, để một đứa trẻ thông minh, thay vì can thiệp vào cấu trúc sinh học như kích não một cách mù quáng, gia đình cần cần có liệu trình sao trong việc dạy dỗ con cho hợp lý?

TS Thơ cho hay: “Đến nay, với tất cả hiểu biết của tôi về Thần kinh học, Tâm lí học và Giáo dục học, tôi cho rằng mỗi đứa trẻ cần có một cách giáo dục riêng phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí và văn hóa nơi đứa trẻ sịnh ra và phát triển. Đặc biệt mỗi giai đoạn, đứa trẻ lại cần có cách tác động khác nhau”.

Theo phân tích của TS Thơ, căn cứ vào các kết quả khoa học mới nhất, có nhiều dạng trí thông minh khác nhau. Và để phát triển từng dạng trí thông minh đó, cũng cần tuân thủ theo những lộ trình khác nhau.


Tuy nhiên, với trẻ em, cần thiết phải tập trung phát triển thể chất và các hiểu biết, phát triển kĩ năng sống cần thiết để các em khỏe mạnh, tự lập, có khả năng làm chủ hành vi của mình phù hợp với cuộc sống xung quanh. Sau đó, tùy vào tiềm năng và nhu cầu, các em cần được giúp đỡ để phát triển tốt nhất trí tuệ của mình.

Lớp học kích não biến con thành thiên tài: Sẽ gây hậu quả đáng tiếc nếu can thiệp - 2

“Chẳng hạn, tôi nghiên cứu chuyên sâu việc phát triển tư duy thông qua môn Toán. Với các trẻ em, tôi khuyến nghị cho trẻ tiếp xúc và học thông qua trải nghiệm để giúp trẻ phát triển hài hòa trí tuệ cảm xúc, các hoạt động trí tuệ quan trọng như óc tưởng tượng, suy luận, phân tích, ...và làm trẻ yêu thích, thấy được ý nghĩa của việc học, từ đó có khả năng tự học. Nếu từ nhỏ trẻ đc học đúng cách thì lớn lên trẻ mới tự mình thích nghi với cuộc sống và phát triển.

Còn theo TS Nam, mỗi đứa trẻ có một nền tảng khác nhau, lại có một quy trình phát triển khác nhau. Bố mẹ nên dựa vào năng lực và thiên hướng của trẻ để tạo điều kiện cho con được tiếp cận với các hoạt động trải nghiệm và các môn học khác nhau.

Về vấn đề hoạt động của các Trung tâm mở lớp học Kích hoạt não, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GD mầm non (Bộ GD&ĐT) khẳng định, Bộ GD&ĐT hoàn toàn không cấp phép cho các trung tâm này.

Hình thức của các lớp kích hoạt não bộ, siêu giác quan bản chất thật là hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vì vậy Bộ GD&ĐT không công nhận đây là một hình thức đào tạo hợp pháp.

Ông Minh cho biết thêm, với một phương pháp chưa được thẩm định, trên thế giới vẫn chưa có những kết quả nghiên cứu cụ thể, đặc biệt Bộ GD&ĐT vẫn chưa công nhận mà đã đi vào hoạt động như vây là hết sức nguy hiểm, tiềm tàng những tác động khôn lường về sau.

Mỹ Hà