Khánh Hòa:

Lớp học hải đảo với 3 học sinh trên Vịnh Nha Trang

(Dân trí) - Trường Tiểu học Vĩnh Nguyên 3 (phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang) với 4 điểm trường hải đảo, được xem là trường có nhiều điểm trường hải đảo nhất tỉnh Khánh Hòa.

 

Học sinh trường Tiểu học Vĩnh Nguyên 3 đóng tại đảo Trí Nguyên
Học sinh trường Tiểu học Vĩnh Nguyên 3 đóng tại đảo Trí Nguyên

 

Trường Tiểu học Vĩnh Nguyên 3 đóng tại đảo Trí Nguyên, cách bến tàu du lịch Cầu Đá ở phía Nam TP Nha Trang khoảng nửa hải lý. Để đến trường dạy học, không có cách nào khác, các giáo viên phải đi đò. Tại đây hiện có 350 học sinh tiểu học là con em của ngư dân trên đảo.

Ngoài ra, Trường Tiểu học Vĩnh Nguyên 3 còn có 3 điểm trường hải đảo khác cách đất liền 6 đến 8 hải lý, gồm: điểm trường đảo Bích Đầm, điểm trưởng đảo Vũng Ngán và điểm trường đảo Đầm Báy. Trong đó, điểm trường đảo Bích Đầm có 5 lớp với 70 học sinh; điểm trưởng đảo Vũng Ngán có 4 lớp nhưng 5 trình độ (lớp 4 và lớp 5 ghép chung) với 42 học sinh và điểm trường đảo Đầm Báy có 1 lớp với 3 học sinh (gồm 2 học sinh lớp 1 và 1 học sinh lớp 2).

Trao đổi với PV Dân trí, thầy Phan Gia Phái - hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Nguyên 3, cho biết, học sinh đảo Trí Nguyên nói chung và các điểm đảo khác nói riêng đa phần là hiền lành, chăm ngoan. Tuy nhiên, do đặc thù sinh sống ở trên đảo nên các em ít tiếp cận với cái mới, kỹ năng giao tiếp không bằng học sinh đất liền.

“Để khắc phục tình trạng này, đầu tuần chúng tôi dùng máy chiếu để chiếu phim tư liệu, khoa học cho các em xem. Chúng tôi cũng đưa nhiều sách, truyện, báo, tạp chí… ra cho các em đọc”, thầy Phái cho biết.

Do đặc thù giữa các điểm trường hải đảo cách nhau, đường thủy là cách đi lại duy nhất, lại thường rất khó khăn, tốn kém… khiến công tác quản lý dạy học ở các điểm đảo khá khó khăn.

Do đó, để công tác quản lý dạy học ở các điểm đảo trên Vịnh Nha Trang đảm bảo, từ nhiều năm qua, ban giám hiệu Trường Tiểu học Vĩnh Nguyên 3 đã áp dụng phương pháp quản lý thông tin hai chiều.

Do đặc thù sinh sống ở trên đảo nên các em học sinh đảo Trí Nguyên và các đảo khác ít tiếp cận với cái mới
Do đặc thù sinh sống ở trên đảo nên các em học sinh đảo Trí Nguyên và các đảo khác ít tiếp cận với cái mới

 

“Phương pháp này làm cho giáo viên nhận thức rằng khi không có cán bộ quản lý thì giáo viên vẫn dạy tốt. Ngoài ra, chúng tôi còn dựa vào thông tin của người dân trên đảo, các giáo viên bộ môn dạy luân chuyển giữa các điểm đảo trong tuần kết hợp nắm tình hình báo cáo cho nhà trường, rồi điện thoại cũng góp phần rất lớn trong việc quản lý các điểm đảo…”, thầy Phái cho biết.

Viết Hảo