Giáo dục tình yêu biển đảo cho học sinh trong ngày khai giảng

(Dân trí) - Trong buổi lễ khai giảng sáng nay 5/9, ngoài phần nghi lễ truyền thống ngắn gọn, Trường Tiểu học Nguyễn Đức Thiệu (thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) đã tổ chức giới thiệu mô hình và hình ảnh biển đảo đến với các em học sinh.

Thầy Đỗ Xuân Thưởng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Đức Thiệu cho biết, đây là cách làm mới nhân dịp khai giảng năm học mới nhằm giáo dục cho các em học sinh tình yêu biển đảo, yêu quê hương, đất nước...

1-1441432310034

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Đức Thiệu trong ngày khai giảng năm học mới. (Ảnh: Công Bính)

 

Sau phần khai giảng ngắn gọn khoảng hơn 30 phút, nhà trường mời quan khách, phụ huynh và học sinh tham quan mô hình biển đảo quê hương được xây dựng trong sân trường, các hình ảnh về biển đảo được phóng to trưng bày ở trong sân trường.

2-1441432309990

Năm học 2015-2016, trường có hơn 630 em học sinh theo học. (Ảnh: Công Bính)

Thầy Đỗ Xuân Thưởng cho biết, đây là lần đầu tiên, nhà trường tổ chức giáo dục tình yêu biển đảo đến với các em học sinh trong ngày khai giảng với mục đích khơi dậy tình cảm yêu nước, yêu quê hương. Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức dạy lồng ghép chương trình biển đảo vào các môn xã hội như Lịch sử, Địa lý...

Ngoài phần giáo dục tình yêu biển đảo đến các em học sinh, sau lễ khai giảng, các em học sinh của trường còn được tổ chức các trò chơi dân gian ngay tại sân trường. Thầy Đỗ Xuân Thưởng cho biết, đây là hoạt động nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho các em trong ngày đầu khai trường.

Clip học sinh của trường tham quan mô hình biển đảo trong sân trường

 

Trao đổi với PV Dân trí, thầy giáo Huỳnh Ngọc Ánh - Trưởng Phòng Giáo dục huyện Đại Lộc cho rằng, việc trường Tiểu học Nguyễn Đức Thiệu tổ chức giáo dục biển đảo quê hương ngay trong ngày khai trường là việc làm rất tốt nhằm khích động tinh thần yêu quê hương, yêu biển đảo đến các em học sinh của trường.

“Đây là lễ khai giảng rất có ý nghĩa đối với các em. Thông qua việc giáo dục này, các em học sinh tiểu học sẽ có cơ hội tìm hiểu thêm về biển đảo và giúp các em thêm yêu quê hương, yêu đất nước”, thầy Huỳnh Ngọc Ánh phát biểu.

Clip các em học sinh được vui chơi thoải mái trong ngày khai giảng

Nhân dịp này, Trường Tiểu học Nguyễn Đức Thiệu cũng đã được UBND huyện Đại Lộc tặng giấy khen vì đã có thành tích trong phong trào giáo dục biển đảo trong năm học 2014-2015.

* Nhân dịp khai giảng năm học mới, sáng 5/9, Ủy ban ATGT tỉnh Quảng Nam phối hợp với đơn vị tài trợ tổ chức trao tặng 610 mũ bảo hiểm đạt chuẩn đến học sinh trường Tiểu học Nguyễn Hiền (phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ).

Đây là một trong những hành động mạnh mẽ hưởng ứng chương trình “Trọn nghĩa đồng bào - Ấm tình cha mẹ” của Ủy ban ATGT quốc gia nhằm nâng cao ý thức chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp điện; góp phần làm giảm hậu quả tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên trên phạm vi toàn quốc.

img-1032-1441427305698

Các em học sinh trường Tiểu học Nguyễn Hiền được trao mũ bảo hiểm trong ngày khai trường. (Ảnh: Công Bình)

Ngoài việc tặng mũ bảo hiểm, đơn vị tổ chức cũng trang bị cho các giáo viên của nhà trường những kiến thức cơ bản về việc đội mũ bảo hiểm đúng cách để thầy cô hướng dẫn cho học sinh cũng như các vấn đề liên quan đến ý thức việc chấp hành giao thông bởi đặc thù ngôi trường Nguyễn Hiền nằm gần tuyến QL1A qua địa bàn.

Đà Nẵng chú trọng giáo dục lịch sử địa phương trong năm học mới

Năm học 2015 - 2016, Đà Nẵng tiếp tục chú trọng giáo dục lịch sử địa phương; trong đó đặc biệt có nội dung về lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo, về quần đảo Hoàng Sa thuộc Đà Nẵng.

img-7518-1441434323569

Đà Nẵng tiếp tục chú trọng giáo dục lịch sử địa phương trong năm học mới. Trong ảnh: Học sinh hát múa về biển đảo quê hương trong Ngày hội Sử học Đà Nẵng 2014. (Ảnh: Khánh Hiền)

Ngày 5/9, ông Lê Trung Chinh - Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho biết Sở đã có công văn đến các trường học hướng dẫn dạy học lịch sử địa phương ở các trường THCS và THPT trong năm học 2015 - 2016.

Năm học mới 2015 -2016, ngành GD Đà Nẵng tiếp tục chỉ đạo các trường chú trọng dạy học lịch sử địa phương. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu cũng là mục tiêu chú ý rèn luyện kỹ năng và phương pháp tự học của học sinh; giúp học sinh nắm vững kiến thức qua việc hướng dẫn học sinh phân tích, giải thích các mối quan hệ, so sánh, đối chiếu rút ra bài học lịch sử. Yêu cầu các trường da dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học: dạy học tại lớp, tại thực địa, tại bảo tàng và tổ chức các hoạt động ngoại khóa chú ý tính cụ thể, hình ảnh và xúc cảm của học sinh.

img-4861-1441434631667
Ngành GD Đà Nẵng yêu cầu chú ý tính hình ảnh, trực quan sinh động và xúc cảm của học sinh trong dạy học lịch sử. (Ảnh: Khánh Hiền)

Theo sách giáo khoa lịch sử địa phương đã biên soạn và chính thức đưa vào giảng dạy trong trường học từ năm học trước, học sinh THCS và THPT ở Đà Nẵng bắt đầu học tài liệu lịch sử địa phương mới với các nội dung: Tổng quan về thành phố Đà Nẵng; Đà Nẵng trong các thế kỉ XIV-XV, XVI-XVIII, XVIII-XIX, XIX; Đà Nẵng trong cuộc vận động giải phóng dân tộc và thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp (1919-1954); Đà Nẵng trong thời kì kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), thời kì xây dựng đất nước từ sau năm 1975 và Đà Nẵng từ 1997 khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Đặc biệt trong đó, huyện đảo Hoàng Sa được đặt trong mối quan hệ với tiến trình lịch sử đất nước, từ khi là vùng lãnh thổ cực đông của Đại Việt đến triều Nguyễn (1802-1884), giai đoạn từ năm 1919 đến 1954 và từ 1954 đến nay. Ngoài các bài học chính khóa, học sinh có thể tìm hiểu các vấn đề thời sự về biển đảo quê hương trong phần đọc thêm của tài liệu dạy học lịch sử địa phương của Đà Nẵng.

Công Bính - Khánh Hiền