Lớp học đặc biệt ở thung lũng Mường Lống

Nguyễn Duy

(Dân trí) - Vào mỗi buổi tối, mọi người lại í ới gọi nhau đi học. Đây là lớp học đặc biệt của những người làm bố, làm mẹ ở bản Mường Lống, xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An).

Lớp học cho người lớn tuổi

Học sinh của lớp học là những bậc phụ huynh, cũng có thể là ông bà, đến học con chữ. Thầy giáo đứng lớp là những cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh của Đồn biên phòng Tri Lễ, Bộ đội Biên phòng Nghệ An.

Lớp học đặc biệt ở thung lũng Mường Lống - 1

Một góc bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Ảnh: Đ.T).

Các chiến sĩ biên phòng không quản khó khăn, vất vả về điều kiện sinh hoạt, ăn ở, đi lại, bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán... ngày đêm nỗ lực để duy trì lớp học.

Mới đầu đông, nhưng thời tiết ở các bản Mông, xã Tri Lễ sương dày đặc, se lạnh. Qua hơn 2 giờ đồng hồ vượt quãng đường núi dốc, chúng tôi mới thấu hiểu được những cố gắng của bà con và thầy giáo mang quân hàm xanh nơi đây.

Lớp học đặc biệt ở thung lũng Mường Lống - 2

Thầy giáo mang quân hàm xanh giảng dạy lớp học đặc biệt ở Mường Lống (Ảnh: Đ.T).

Thiếu tá Hồ Đình Trường, cán bộ Đồn biên phòng Tri Lễ làm tổ trưởng ở trạm Biên phòng Mường Lống, cho biết, lớp học có khoảng 50 học viên, đa số là người lớn tuổi, đến lớp với tâm lý e ngại, tự ti…

 "Thời gian đầu mới vào lớp, các học viên rất e ngại và thẹn thùng vì cho rằng mình đã nhiều tuổi, là trụ cột gia đình không cần phải đi học nữa… Nhưng được chúng tôi động viên, phân tích tác hại của việc không biết chữ, nên đại đa số các học viên đều chịu khó học và hơn cả là không mặc cảm, tự ti nữa", Thiếu tá Hồ Đình Trường chia sẻ.

Lớp học đặc biệt ở thung lũng Mường Lống - 3

Thượng úy Xồng Bá Rống (Ảnh: Việt Bá).

Cũng theo Thiếu tá Hồ Đình Trường, các học viên ở lớp học đặc biệt này đều đã lớn tuổi, nên khi cầm bút viết chữ rất cứng tay.

"Qua một thời gian, đến nay các học viên cơ bản biết viết, biết đọc. Có một số học viên đã đọc thông, viết thạo được nhiều chữ. Ban đầu nhiều học viên e ngại, song đến nay có nhiều học viên mới xin được vào lớp để học chữ", Thiếu tá Hồ Đình Trường chia sẻ thêm.

Lớp học đặc biệt ở thung lũng Mường Lống - 4

Học viên chăm chú nghe thầy giáo mang quân hàm xanh giảng bài (Ảnh: N.P).

Hàng ngày, cùng với nhiệm vụ tuần tra biên giới, các chiến sĩ biên phòng Tri Lễ còn đến nhà dân, lên tận nương rẫy để trò chuyện và tuyên truyền về tầm quan trọng của việc học chữ.

Cùng với dạy học xóa mù, lớp học còn kết hợp tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ăn ở hợp vệ sinh, bài trừ các hủ tục lạc hậu.

Thượng úy Xồng Bá Rống - nhân viên vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Tri Lễ cho biết, qua khảo sát trên địa bàn bản Mường Lống, xã Tri Lễ, tỷ lệ người mù chữ rất cao, trong đó nhiều nhất là chị em phụ nữ.

"Mường Lống là một bản khó khăn của xã Tri Lễ, chưa có điện lưới, nhiều chị em mù chữ. Chỉ hơn 2 tháng, anh em chúng tôi đã truyền đạt được khá nhiều kiến thức cho học viên. Đến nay, đa số đã biết đọc, biết viết, biết sử dụng điện thoại thông minh, biết cộng, trừ, nhân, chia, biết viết tên mình", Thượng úy Xồng Bá Rống nói.

Biết đọc, biết viết chữ, chị em thấy vui hơn, nhiều chị còn rủ cả chồng, bố mẹ chồng, người thân trong gia đình cùng tham gia lớp học. Vì thế, lớp học ngày càng đông hơn, đến nay đã có 50 người đăng ký đi học. Ban ngày, bà con đi làm trên nương rẫy, nhưng cứ đến 19h hằng ngày, học viên có mặt tại lớp.

"Bây giờ đã biết viết tên mình rồi"

Thời tiết se lạnh đầu đông nơi bản Mường Lống, mỗi tối, lớp học đặc biệt lại đồng thanh vang lên giọng đọc còn chưa sõi tiếng phổ thông của các chị, các mẹ,...

Lớp học đặc biệt ở thung lũng Mường Lống - 5

Chị Thò Y Dâu, bản Mường Lống, xã Tri Lễ, Quế Phong nay đã biết đọc, biết viết tên mình (Ảnh: N.P).

Học sinh Xồng Y Đà, bản Mường Lống nói: "Ngày xưa không được đi học, không biết viết, biết đọc, từ khi có chủ trương của Đảng, Nhà nước mở lớp học xóa mù chữ, có các thầy dạy cho chúng tôi, đến nay đã biết đọc, biết viết, biết tính toán. Cảm ơn Đảng, Nhà nước và các thầy là cán bộ Đồn Biên phòng Tri Lễ".

Bà Và Thị Pó (52 tuổi, trú bản Mường Lống) cũng như nhiều chị em khác trong bản, khi biết chủ trương mở lớp xóa mù chữ ngay tại bản đã hăng hái đăng ký tham gia.

Lớp học đặc biệt ở thung lũng Mường Lống - 6

Những bàn tay chai sần nắn nót viết từng con chữ (Ảnh: Việt Bá).

"Ngày xưa thì khác, chứ nay mà không biết cái chữ thì thiệt thòi lắm. Không biết cái chữ, con số thì ngay cả liên lạc với người thân bằng điện thoại cũng không biết dùng. Khi biết có lớp dạy chữ, chị em trong bản chúng tôi đăng ký học ngay, đặc biệt, lớp được mở ngay tại bản cũng thuận lợi cho chị em tham gia học tập", bà Pó cho biết.

Đến nay, sau gần 3 tháng đến lớp, các học viên đã có thể nghe, nói, đọc, viết và làm một số phép tính cộng trừ đơn giản. Những bàn tay thô sần lâu nay vốn chỉ quen cầm cuốc, cầm dao phát nương rẫy, giờ họ đã biết cầm bút, tự viết được tên mình...

Chị Thò Y Dâu, bản Mường Lống chia sẻ: "Hồi nhỏ bố mẹ cho đi học nhưng không chịu, giờ nghĩ lại mới thấy thiệt thòi quá. Rất may, từ khi có lớp học của các chú bộ đội, giờ đây tôi đã biết đọc, biết viết, cảm ơn Đảng, Nhà nước''.

Thượng tá Hồ Thanh Quang, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tri Lễ cho biết: "Để không ảnh hưởng nhiều đến lao động sản xuất và sinh hoạt của bà con, lớp học được tổ chức vào các buổi tối từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần. Kết thúc khóa học, chúng tôi sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả và cấp chứng chỉ cho học viên".

Còn với các chiến sĩ Đồn Biên phòng Tri Lễ, không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ Quốc, còn mang con chữ đến với bà con bản làng vùng cao; giúp đồng bào người Mông ở đây thay đổi cách nghĩ, cách làm, tăng gia sản xuất.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng đóng góp của những người lính ở biên cương đã góp phần làm ấm thêm tình quân dân nơi vùng cao biên giới.

Lớp học đặc biệt ở thung lũng Mường Lống - 7

Phụ nữ người Mông ở bản Mường Lống thường lấy chồng sớm và ở nhà chăm sóc con cái và gia đình, ít được học hành (Ảnh: Việt Bá).

Lớp học đặc biệt ở thung lũng Mường Lống - 8

Những "học sinh" đặc biệt nơi bản Mường Lống chụp hình lưu niệm với các chiến sĩ Biên phòng (Ảnh: N.P).

Bản Mường Lống cách trung tâm xã Tri Lễ khoảng 30km; bản có 135 hộ dân với 800 nhân khẩu, 100% là đồng bào Mông, trong đó có 99 hộ nghèo (chiếm 73,3%).

Để đến được bản, chỉ có con đường đất độc đạo, đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Đời sống người dân ở bản Mường Lống còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại nhiều tập quán lạc hậu...

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm