Lớp học đặc biệt bên sông Hương
(Dân trí) - Trường Trung học văn hoá nghệ thuật Thừa Thiên - Huế có một lớp học chỉ có 6 sinh viên, nhưng đều là những sinh viên khiếm thị. Họ đang theo học lớp âm nhạc với các chuyên ngành đàn tranh, đàn bầu, đàn nguyệt, đàn nhị.
Với niềm đam mê mãnh liệt, cùng với năng khiếu có sẵn, mùa tuyển sinh 2006-2007, 12 học sinh khiếm thị của Trung tâm hướng nghiệp và dạy nghề cho trẻ em khuyết tật (Hội người mù Thừa Thiên - Huế) đã nộp đơn thi vào trường Trung học văn hoá nghệ thuật của tỉnh. Thật bất ngờ, tất các cả em đều đạt kết quả tốt và được nhận vào học lớp âm nhạc của trường.
Lớp học được tổ chức tại chỗ, những giáo viên của trường phải đến Trung tâm để trực tiếp lên lớp cho các em. Những ngày đầu, cả giáo viên và học sinh đều không biết nên bắt đầu từ đâu. Nhưng rồi cũng bớt đi sự bỡ ngỡ, các em đã bắt đầu làm quen với cây đàn qua bài giảng của giáo viên.
Em Nguyễn Thị Ái Trâm, sinh viên chuyên ngành đàn tranh tâm sự: “Em vốn đã biết đánh đàn tranh từ nhỏ, nên bắt nhịp với lớp rất nhanh”. Vậy nhưng, cũng có em vì sức khoẻ không cho phép hoặc có cơ hội khác nên đã nghỉ học giữa chừng.
Trong 12 sinh viên đầu tiên, có Nguyễn Văn Duy cũng phải nghỉ giữa chừng để theo học ngành Luật, Đại học Khoa học Huế. Đến nay, sau một năm học tập, lớp chỉ còn 6 em học ở bốn chuyên ngành đàn bầu, tranh, nguyệt, nhị. Cả 6 em đều đang học rất tốt. Cô giáo Quỳnh Nga nhận xét: “Các em chẳng thua kém gì những sinh viên khác ở trường chúng tôi”.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng các em đến với âm nhạc bằng sự đam mê và ước mơ sẽ lấy nó làm nghiệp nuôi sống bản thân. Tuy vậy, để đến được ngày đó, những người phụ trách ở Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề cho trẻ em khuyết tật còn không ít trăn trở.
Ông Phan Văn Tam, Trưởng phòng giáo vụ, tâm sự: “Cái lo lớn nhất của chúng tôi bây giờ đó là nguồn kinh phí cho việc học của các em. Vì lớp học tại chỗ, ngoài các khoản đóng góp chung ở trường thì chúng tôi còn phải trả tiền đứng lớp cho các giáo viên”.
Được biết, để đào tạo cho 6 em trong cả khoá học cần một khoản lên tới hơn 63 triệu đồng (chưa kể tiền ăn mặc, mua sắm trang thiết bị), mà nguồn kinh phí của Hội thì rất hạn hẹp.
Viết Lam