Lớp 12 học online dài, trường đại học có "chê" học bạ khi tuyển sinh?
(Dân trí) - Do dịch Covid-19, học sinh lớp 12 năm nay học online khá dài thậm chí việc kiểm tra cũng trực tuyến. Hình thức xét tuyển ĐH bằng điểm học tập THPT (xét học bạ) năm tới sẽ ra sao để đảm bảo công bằng.
Đặt niềm tin vào các trường THPT
Dù có không ít ý kiến băn khoăn chất lượng đào tạo trong việc học trực tuyến kéo dài ở bậc học phổ thông nhưng nhiều trường đại học vẫn sử dụng kết quả học bạ để xét tuyển. Nhiều trường dành nhiều chỉ tiêu để xét tuyển bằng phương thức xét kết quả học tập THPT.
Mới đây, trường ĐH Công nghệ TPHCM công bố năm 2022 dành 20% tổng chỉ tiêu để tuyển bằng phương thức xét học bạ, trong đó gồm theo tổng điểm trung bình 3 môn năm lớp 12 và tổng điểm trung bình 3 học kỳ (lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12).
Lí giải cho việc vẫn ưu tiên sử dụng kết quả học tập THPT để tuyển với nhiều chỉ tiêu, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ TPHCM cho rằng do năm nay tình hình dịch bệnh rất đặc thù nên việc học trực tuyến là tình thế bắt buộc, vì vậy chưa thể đánh giá được chất lượng của hình thức này so với việc học trực tiếp.
"Đây là một giai đoạn đặc thù, các trường THPT phải kiểm tra trực tuyến thì cũng phải tin tưởng vào các trường trong việc đào tạo, thi cử và kết quả đánh giá hoàn toàn có thể tham chiếu để xem xét sử dụng xét tuyển", ông Quốc Anh nói.
Mặc dù vẫn sử dụng điểm học bạ để xét tuyển trong năm 2022 nhưng một số trường đại học sẽ có những điều chỉnh về tỷ lệ, cách thức phù hợp hơn. Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM dành khoảng 40% tổng chỉ tiêu (khoảng 1.300 thí sinh) xét tuyển bằng điểm học bạ để xét tuyển nhưng trong đó chỉ dành 20% trong số 1.300 thí sinh xét dựa vào kết quả học kỳ 1 năm lớp 12 (khoảng 260 thí sinh). Còn số chỉ tiêu còn lại của phương thức học bạ xét sẽ tuyển dựa vào điểm trung bình học bạ 3 năm lớp 10, 11 và 12.
Ông Thái Doãn Thanh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM lí giải rằng hiện nay việc học trực tuyến kéo dài nên kết quả đánh giá cũng có ít nhiều ảnh hưởng và phổ điểm có thể bị đẩy lên. Do vậy, trong 2 cách thức xét điểm học bạ, trường chỉ dành 7% tổng chỉ tiêu để xét điểm một học kỳ và điểm chuẩn chắc chắn phải được xây dựng cao hơn so với cách xét dựa trên điểm 3 năm học THPT.
Ông Thanh đánh giá rằng không chỉ học trực tuyến mà ngay cách học trực tiếp, các trường THPT cũng rất quan tâm đến điểm học bạ của học sinh nên mặt bằng phổ điểm học bạ khác nhiều so với trước đây.
"Có học sinh học bạ điểm giỏi nhưng khi vào học đại học đã không thể hiện đúng năng lực so với điểm số đó. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài và việc học tập diễn ra như hiện nay thì việc sử dụng học bạ vẫn là một trong số nhiều phương thức tuyển sinh của nhiều trường đại học", ông Thanh cho biết.
Một số trường không tuyển sinh học bạ
Tuy nhiên cũng có không ít trường đại học "nói không" với hình thức xét tuyển học bạ với nhiều lý do. Trong năm 2022, trường ĐH Nha Trang dự kiến dành phần nhiều chỉ tiêu xét tuyển điểm kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM và điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Bên cạnh đó, trường dành đến 40% tổng chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm xét tốt nghiệp (tổng điểm 4 môn thi để xét tốt nghiệp THPT kết hợp điểm trung bình lớp 12) và tiếp tục không tuyển sinh bằng học bạ như mọi năm.
TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Nha Trang chia sẻ rằng "Điều kiện học trực tuyến có những hạn chế so với hình thức học trực tiếp nên việc đánh giá trực tuyến có thể cũng có những sai số nhất định. Dù rằng, ngay cả kết quả học bạ khi học trực tiếp trước đó cũng đã có những vấn đề khiến xã hội băn khoăn"
Chính vì điều đó, thay vì xét điểm học bạ trường đại học này sử dụng tiêu chí khác là điểm xét tốt nghiệp THPT. "Điểm xét tốt nghiệp đánh giá toàn diện hơn năng lực của học sinh dựa trên kết quả của các môn trong kỳ thi tốt nghiệp và điểm trung bình năm học lớp 12", ông Phương nói.
Năm 2022, trường ĐH Ngân hàng TPHCM dự kiến vẫn giữ ổn định các phương thức tuyển sinh đã sử dụng trong năm trước đó, trong đó chủ yếu tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT và không sử dụng điểm học bạ để xét tuyển vào hệ đại trà.
Ths Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh và quản trị thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cũng cho biết trường chỉ sử dụng phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng của trường gồm điểm học bạ kết hợp các tiêu chí khác (học sinh giỏi trường chuyên, chứng chỉ quốc tế…) đối với chương trình chất lượng cao và song bằng quốc tế.
Cũng theo ông Vũ, năm tới trường chưa tính tới việc xét tuyển hoàn toàn dựa vào điểm học bạ hoặc sử dụng kết quả học tập THPT như phương thức chủ yếu. "Quan điểm của trường là khi chưa có một kỳ thi phục vụ tuyển sinh thay thế, trường vẫn tin tưởng sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện được tổ chức chung đề và đồng thời trên cả nước, phần nào cũng khách quan trong đánh giá năng lực học sinh" - ông Vũ cho biết thêm.