1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Loạt trường đại học đưa pickleball vào giảng dạy, có phù hợp?

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Từ năm học này, một số trường đại học sẽ đưa môn thể thao pickleball vào giảng dạy cho sinh viên. Đây là môn thể thao "siêu hot" được nhắc đến trong thời gian qua.

Bắt nhanh xu hướng

Pickleball là bộ môn thể thao có sự kết hợp giữa quần vợt, cầu lông và bóng bàn, đang gây sốt trong cộng đồng trẻ, thu hút đông đảo sự quan tâm của sinh viên.

PGS.TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM (HUB) - cho biết trong năm học này, pickleball sẽ là môn thể thao được đưa vào nhiều hoạt động của giảng viên, sinh viên và chính thức giảng dạy từ năm học 2025-2026.

Việc này xuất phát từ khảo sát, nghiên cứu của Khoa Thể chất và Quốc phòng về giáo dục thể chất cho sinh viên trường. Pickleball giúp người chơi linh hoạt trong phản xạ và nhanh nhạy vì liên tục di chuyển trên sân. Chính vì vậy, tập luyện pickeball giúp sinh viên tăng cường thể lực, đồng thời giảm stress và nâng cao tinh thần trong quá trình học tập.

Với đặc điểm sinh viên nữ chiếm 70% tổng số sinh viên, ông Nguyễn Đức Trung cho biết, pickeball là một trong những lựa chọn phù hợp, vừa sức dành cho sinh viên.

Về tiến trình giảng dạy, PGS.TS Nguyễn Đức Trung chia sẻ môn thể thao này sẽ chính thức đưa vào giảng dạy đại trà cho sinh viên từ năm học 2025-2026 do phải hoàn thành quá trình phê duyệt môn học, chuẩn bị kỹ càng hơn về cơ sở vật chất, giảng viên, chương trình đào tạo.

Song, ngay từ năm học này, nhà trường đã đưa môn thể thao này vào thi đấu ở đại hội thể thao của trường, các giải đấu của Đoàn thanh niên và các giải phong trào.

Loạt trường đại học đưa pickleball vào giảng dạy, có phù hợp? - 1

Sinh viên háo hức với môn thể thao mới (Ảnh: HSU).

Là trường đại học đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam có chương trình đào đạo cử nhân ngành kinh tế thể thao, vì thế, Trường Đại học Hoa Sen (HSU) cũng nhanh chóng đưa môn thể thao mới này vào học phần giáo dục thể chất.

TS Nguyễn Thị Hiền Thanh - Giám đốc Trung tâm Thể thao Hoa Sen, Trường Đại học Hoa Sen - cho biết việc đưa pickleball vào giảng dạy rất cần thiết.

Ngoài rèn luyện thể chất nâng cao sức khỏe, việc này còn giúp cho sinh viên tiếp cận với môn thể thao hiện đại cực "hot" và các môn thể thao giải trí quốc tế.

HSU đã đưa môn học pickleball vào giảng dạy bắt đầu học kỳ hè năm học 2024-2025 cho sinh viên.

"Khi mở lớp cho sinh viên đăng ký là "full topping" (đăng ký hết số lượng). Điều này đã cho thấy sức hút cực "hot" của môn thể thao này", TS Nguyễn Thị Hiền Thanh chia sẻ.

Bà Thanh nhận định, môn thể thao này đặc biệt phù hợp và thu hút cho giới nữ bởi tính chất môn thể thao tập luyện không quá khó về kỹ thuật và quan trọng là chơi trong nhà, trang phục thể thao đẹp,…

Trường Đại học Thủy Lợi cũng đưa môn học này vào trong chương trình học tự chọn của sinh viên. TS Vũ Văn Trung - Trưởng bộ môn Giáo dục thể chất - chia sẻ các thầy cô, ban lãnh đạo của trường luôn muốn mang đến những bộ môn thể thao mới dành cho sinh viên.

Đặc biệt, pickleball là môn thể thao có sức hấp dẫn, xu hướng phát triển mạnh nhất trong thời điểm hiện nay. Bên cạnh đó, đây còn là một trong những môn thể thao phù hợp cho tất cả mọi người đều có thể vào sân chơi được.

Chuẩn bị về giảng viên, cơ sở vật chất

Bắt kịp nhanh với xu hướng cũng đặt ra những bài toán về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy và chương trình đào tạo.

Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM Nguyễn Đức Trung tiết lộ nhà trường đã có kế hoạch phát triển môn thể thao này từ 2023 chứ không phải đợi "hot" trong thời gian gần đây. Chính vì thế, đến nay, nhà trường đã có 5 sân pickleball.

HUB hiện có 6 giảng viên được đào tạo chuyên nghiệp về pickleball. Đây là những người được đào tạo bài bản tại các trường thể thao về các môn bóng bàn, cầu lông, tennis. Đồng thời, được cho tập huấn môn này từ năm 2022. Một số giảng viên đã tham gia các giải pickleball và đạt thành tích tốt. Nhà trường cũng thành lập các câu lạc bộ liên quan đến môn học.

Loạt trường đại học đưa pickleball vào giảng dạy, có phù hợp? - 2

Một tiết học pickleball của Trường Đại học Hoa Sen (Ảnh: HSU).

Được biết, hiện nay, sinh viên HUB khi học giáo dục thể chất được chọn một trong các môn thể thao như: Điền kinh, bơi lội, cầu lông, tennis, karate, bóng bàn, bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền... Cùng với đó, HUB đang xây dựng quy trình để bổ sung môn thể thao e-sport vào giảng dạy.

Về phía Trường Đại học Hoa Sen, để chuẩn bị đón đầu xu thế của các môn thể thao mới "du nhập" vào Việt Nam, Trung tâm Thể thao Hoa Sen và các đơn vị liên quan đều vào cuộc khi chủ trương mở môn mới được Ban giám hiệu phê duyệt.

Trung tâm Thể thao phối hợp với Phòng Đào tạo đại học, Phòng Kiểm định - Đảm bảo chất lượng lập phiếu khảo sát nhu cầu của sinh viên, giảng viên và các huấn luyện viên thông qua bảng hỏi.

Sau kết quả khảo sát, giảng viên biên soạn đề cương môn học. Song song đó, trung tâm cử các giảng viên giáo dục thể chất tham gia các khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn do Sở Văn hóa, Thể thao TPHCM phối hợp với Liên Quần vợt - Pickleball tổ chức tập huấn.

TS Nguyễn Hiền Thanh cho biết đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vục công tác giảng dạy môn học này không lớn. Trường Đại học Hoa Sen đã đầu tư ngay trong vòng "3 nốt nhạc", nâng cấp sân cầu lông thành 4 sân trong nhà thi đấu, trụ lưới, bóng.

Trước đó, nhà trường cũng đưa 21 môn thể thao được thi đấu ở Seagames và Olympic vào trong chương trình giáo dục thể chất cho sinh viên lựa chọn.

Ngoài pickleball, một số trường đại học mạnh dạn bổ sung các môn thể thao "hot" khác vào giảng dạy như: Golf, bóng chày, bơi lội, bắn cung, bắn súng thể thao...

Điều này được nhiều sinh viên yêu thích và không còn cảm thấy giáo dục thể chất là môn học cực hình.

Loạt trường đại học đưa pickleball vào giảng dạy, có phù hợp? - 3

Nhiều ngưởi trẻ ở TPHCM hứng thú với môn thể thao pickleball (Ảnh: Hải Long).

Là người gắn bó hơn 35 năm với công tác giảng dạy giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên, TS Nguyễn Thị Hiền Thanh đánh giá đây là bước tiến quan trọng trong công tác giáo dục người học.

"Hiện nay, đại đa số học sinh, sinh viên chỉ xem giáo dục thể chất là môn "phụ", học cho qua môn, học lấy chứng chỉ vì bị bắt buộc. Nhiều bậc phụ huynh có thể đầu tư cho con học rất nhiều chứng chỉ, bằng cấp, nhưng chưa quan tâm đầu tư nâng cao sức khỏe, cải thiện thể chất và thể trạng của con. Đó là những điều sai lầm", bà Thanh nhấn mạnh.

Chính từ suy nghĩ môn phụ khiến giáo dục thể chất trở thành môn học "cho có", nhàm chán, bó hẹp ở một số môn thể thao truyền thống, làm giảm sự thu hút, đam mê của các em.

Với xu hướng phát triển hiện đại, Giám đốc Trung tâm Thể thao Hoa Sen bày tỏ các trường cần mạnh dạn đổi mới, đưa nhiều môn thể dục thể thao cho học sinh, sinh viên lựa chọn, tạo hứng thú cho giới trẻ rèn luyện sức khỏe, phát triển toàn diện.