“Loạn” các khoản thu đầu năm học

(Dân trí) - Mới bước vào năm học mới, nhưng bình quân mỗi học sinh phải đóng từ 15 - 18 khoản thu đầu năm học và có không ít khoản thu rất vô lý. Nhiều phụ huynh phải chạy đôn, chạy đáo để lo tiền đóng các khoản thu cho con theo học tại các trường học.

Tiền thuê mang nước lên tận lớp!

Theo phản ánh của nhiều bậc phụ huynh tại một số trường học trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa), một số trường học đã đặt ra nhiều khoản thu vô lý đầu năm học mới, nhưng vì không muốn con mình bị “ảnh hưởng” nên các phụ huynh cũng đành “nhắm mắt” đóng cho “xong chuyện”.

“Loạn” các khoản thu đầu năm học    - 1
Thông báo về các khoản thu của trường Tiểu học Ngọc Trạo, Bỉm Sơn, Thanh Hóa.

Trong thông báo các khoản thu của năm học 2011 - 2012 của Trường tiểu học phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn, chỉ đếm “sơ sơ” cũng khoảng 18 khoản thu. Có những khoản thu mà nhìn vào, các bậc phụ huynh cũng “bó tay” không hiểu như tiền Xã hội hóa giáo dục. Ngoài ra còn các khoản thu khác như: Quỹ hoạt động hội, thuê nhân công quét dọn vệ sinh, tiền điện sáng, tiền nước máy, tiền học tăng buổi, tiền thuê mang nước lên tận lớp, mua ca cốc...

Danh sách các khoản thu được nhà trường “niêm yết” trong một bảng thông báo cụ thể, chi tiết đến từng khoản một. Trong đó có nhiều khoản thu như: Tiền Xã hội hóa giáo dục; quỹ nhân đạo, báo đội mua tăm tre; thuê nhân công quét dọn sân trường, cắt cỏ, mua dụng cụ vệ sinh lớp học; thuê nhân công dọn 2 khu vệ sinh, giấy vệ sinh, tẩy rửa; tiền điện sáng, quạt mát; nước máy; tiền trả nợ công trình vệ sinh, tu sửa 5 phòng học cấp 4; tiền thuê mang nước lên tận lớp, mua ca cốc; làm thẻ học sinh phục vụ cho việc khám chữa bệnh BHYT.

Chị N.T.L, phụ huynh một học sinh, bức xúc: “Đầu năm học, tôi lo chạy xô đi họp phụ huynh nên được đứa này mất đứa khác, mà trước lúc họp thấy cháu mang một tờ thông báo các khoản thu, cũng thấy vô lý nhưng không ai thắc mắc cả vì cũng sợ con mình còn học bị trù úm. Vợ chồng làm công ăn lương, mỗi tháng được mấy đồng không đủ đóng góp cho các con. Nhiều phụ huynh cũng chẳng hiểu nổi các khoản thu như thế nào nữa, chỉ biết cứ thế mà nộp thôi”.

Trong danh sách của nhà trường có đến 18 khoản thu, nhưng theo bà Võ Đào Hoa, hiệu trưởng Trường tiểu học phường Ngọc Trạo giải thích: “Nhà trường chỉ thu đúng một khoản là tiền học tăng buổi theo nhu cầu, còn các khoản là thu hộ, hay Hội Cha mẹ học sinh thống nhất thu. Chúng tôi đã lấy ý kiến của cha mẹ học sinh trước các cuộc họp phụ huynh. Nhà cấp 4 xuống cấp và công trình vệ sinh cần xây dựng nên chúng tôi đã bàn bạc và xây nhà vệ sinh hết 223 triệu đồng. Do xã hội hóa theo chủ trương của phường và thị còn thiếu nên chúng tôi đặt ra chủ trương xã hội hóa trong trường tiếp. Thu năm nay không đủ thì sang năm thu. Việc không làm văn bản thỏa thuận tới từng cha mẹ học sinh là thiếu sót của chúng tôi”.

“Loạn” các khoản thu đầu năm học    - 2
Trường Tiểu học Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Trong thông báo các khoản thu của năm học 2011 - 2012 của trường này, chỉ đếm “sơ sơ” cũng khoảng 18 khoản thu.

Trao đổi với Dân trí, ông Hà Xuân Đức, Chủ tịch UBND phường Ngọc Trạo, cho biết: “Việc khoản thu Xã hội hóa giáo dục là chủ trương của phường nhưng giao cho hội cha mẹ học sinh đứng ra vận động thu để phường tu sửa cho nhà trường những phòng học xuống cấp. Còn các khoản thu của nhà trường đều phải báo cáo với phường. Các khoản như tăm trẻ, quỹ đội, báo hội… năm nào cũng như thế cả. Qua theo dõi thì các khoản thu vẫn như năm trước, năm nay phường không có chủ trương tăng”.

Nhà trường thu hộ?

Không chỉ Trường tiểu học Ngọc Trạo mà ngay tại Trường THPT Bỉm Sơn cũng có nhiều khoản thu rất khó hiểu, khiến không ít phụ huynh bức xúc. Danh sách những khoản thu hơn hai trang giấy được nhà trường liệt kê cụ thể với mức thu chi tiết.

Ngoài các khoản bắt buộc như học phí, phụ huynh phải “móc hầu bao” đóng các khoản mà theo nhà trường giải thích là những khoản thu hộ như: Bảo hiểm y tế (bắt buộc); bảo hiểm thân thể; các khoản dịch vụ như: tiền xe 76.000đ; nước uống 47.500đ; học thêm 9.000đ/buổi; quỹ hội chữ thập đỏ 12.000đ; học bạ khối 10 5.000đ; giấy vào lớp 10; bì đựng hồ sơ tốt nghiệp; tiền mua vở theo mẫu thống nhất (chỉ tiêu đặt ra là mỗi học sinh khối 10 là 27 cuốn, khối 11, 12 mua theo nhu cầu); tiền mua máy chiếu đa năng 300.000 cho khối 10, 200.000đ cho khối 11 và 100.000 cho khối 12; tiền mua áo đồng phục đông, hè; mua ghế chào cờ, thẻ học sinh 25.000đ.

Bên cạnh đó, quỹ hội cha mẹ học sinh 120.000đ, quỹ Xã hội hóa giáo dục 300.000 khối 10/gia đình, khối 11 250.000đ/gia đình, khối 12 200.000đ/gia đình….

Trong khi cuộc họp giữa nhà trường với hội cha mẹ học sinh chưa diễn ra, nhưng ngay từ đầu năm học, nhà trường đã có thông báo danh sách các khoản thu gửi về tận tay từng phụ huynh một như “chiếu chỉ” phải nộp. Theo phản ánh của học sinh và phụ huynh thì nhiều gia đình đã đóng các khoản theo danh sách nhà trường gửi về và việc này cũng được Ban giám hiệu nhà trường khẳng định.

Để đảm bảo các khoản thu đầu năm học được công khai và đúng luật, đầu năm học, Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã có thông báo về các khoản thu trong năm học mới 2011 - 2012 và nghiêm cấm khoản thu tiền xây dựng trường. Nhưng để “lách luật” không vi phạm vào Chỉ thị 24 của Chính phủ về giảm sức đóng góp của nhân dân, hiện nay các trường không thu tiền xây dựng nhưng lại sinh ra khoản thu gọi là “Xã hội hóa giáo dục” rồi “đẩy” sang hội cha mẹ học sinh để hợp thức hóa.

Giải thích với PV Dân trí, ông Nguyễn Quang Hải, hiệu trưởng Trường THPT Bỉm Sơn, cho biết: “Chúng tôi thực hiện rất chặt chẽ, tất cả đều có sự bàn bạc với phụ huynh và ban đại diện hội cha mẹ học sinh. Nhiều khoản thu nhà trường chỉ thu hộ cho các đơn vị theo thỏa thuận. Còn khoản bì đựng hồ sơ tốt nghiệp khoản này lặt vặt tính gì?”.

“Loạn” các khoản thu đầu năm học    - 3
Ông Nguyễn Quang Hải, hiệu trưởng Trường THPT Bỉm Sơn, cho biết nhiều khoản thu nhà trường chỉ thu hộ cho các đơn vị theo thỏa thuận.

Đoàn thanh tra Sở GD-ĐT Thanh Hóa cũng đã về làm việc tại Trường THPT Bỉm Sơn. Nhưng trên thực tế tại trường này vẫn tồn tại một số khoản thu mà đoàn thanh tra chưa đưa vào danh sách thanh tra. 

Việc huy động sự đóng góp của nhân dân và học sinh nhằm mục đích phục vụ giáo dục là một việc làm tốt. Tuy nhiên, hiện nay cách làm của nhiều trường gây không ít bức xúc đối với phụ huynh học sinh. Đặc biệt là học sinh ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng dân tộc khó khăn.

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm