Loại bỏ vấn nạn bạo lực học đường: Bắt đầu từ giáo dục nhà trường

(Dân trí) - Để khắc phục, đi đến chấm dứt vấn nạn bạo lực học đường hiện nay thì giải pháp quan trọng hàng đầu liên quan đến vai trò và trách nhiệm của nhà trường.

GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý-Giáo dục Việt Nam cho biết, trong các vụ bạo lực học đường hiện nay, con người không còn nhân tính. Nhiều vụ xảy ra rất thương tâm, đau lòng. Rõ ràng nhận thấy rằng bạo lực học đường là các hành vi phi đạo đức giữa người với người, trái với các chuẩn mực đạo đức xã hội cần phải được lên án và có biện pháp ngăn chặn, chấm dứt nó.

Loại bỏ vấn nạn bạo lực học đường: Bắt đầu từ giáo dục nhà trường - 1

Gần đây, có nhiều vụ rất “kinh khủng” diễn ra trong cả giới nữ, vốn được mệnh danh là phái “liễu yếu đào tơ” nhưng các hành vi kiểu côn đồ diễn ra đã làm nhiều người sửng sốt, lo ngại.

Điển hình như tại Thanh Hóa, xuất hiện Clip hai nữ sinh đánh một bạn nữ đến ngất xỉu lan truyền trên mạng xã hội face book được xác định là học sinh của Trường THPT Cẩm Thủy 3 (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa)… khiến ai nhìn cũng xót xa, đau lòng.

Còn tại Quảng trị hai nữ sinh được xác định là đang học lớp 9 tại huyện Hải Lăng đã có những cử chỉ khá thô bạo là đấm, đá liên tục vào nữ sinh khác, giật tóc bạn kéo lê trên nền bê tông khiến cộng đồng bức xúc.

Tại Tiền Giang, cộng đồng mạng choáng váng với clip nam sinh đánh bạn bằng búa gây xôn xao dư luận. Tại Huế, 2 nữ sinh lao vào đánh tới tấp bạn ở giữa đường khiến nhiều người rung mình.

Nguyên nhân của hành vi bạo lực

Nguyên nhân của các hành vi bạo lực này gì? Phân tích các vụ bạo lực học đường xảy ra trong những năm qua GS Phú cho rằng, trước hết, nguyên nhân xảy ra các hành vi bạo lực phải khẳng định là do từ chính các học sinh - chủ thể của các hành vi bạo lực đã chưa được giáo dục đầy đủ, kém phát triển về phẩm chất đạo đức, nhân cách. Trong những tình huống nảy sinh, những học sinh này đã không đủ sức phân biệt được điều hay, lẽ phải và đó là nguyên cớ dẫn đến những hành vi lệch lạc.

Nguyên nhân từ phía gia đình các em học sinh này với nhiều lý do khác nhau. Gia đình đã thiếu quan tâm đến con cái, thả lỏng, buông trôi việc giáo dục đạo đức con cái mình, phó mặc cho nhà trường.

Cũng có gia đình, khi biết con mắc các khuyết điểm về đạo đức, nhân cách đã chỉ biết xử phạt mà không biết chỉ bảo một cách tâm tình để con nhận ra điều hay, lẽ phải và tự sửa. Có gia đình, bố mẹ lục đục, cãi cọ nhau, anh chị em mâu thuẫn đánh chửi nhau, con cái vì thế ít nhiều đã bị ảnh hưởng, mang cái không khí “bạo lực” của chính gia đình mình vào lớp học.

Nguyên nhân từ tập thể lớp học, nhà trường đã chưa đủ sức trở thành tấm gương, nguồn sức mạnh giáo dục răn đe con trẻ. Tập thể lớp học không mạnh, chưa đủ sức định hướng các giá trị đạo đức tốt đẹp cho các em. Bầu không khí tâm lý lớp học thiếu lành mạnh. Cái sai không được phân tích phê phán. Những điều tốt đẹp không được biểu dương.

Các vụ việc xảy ra lại bị xử lý thiếu khách quan, công bằng. Liên quan đến điều này phải kể đến đội ngũ thày, cô giáo đã thiếu minh bạch, công tâm, đôi lúc chưa thực sự gương mẫu trước các em. Trong giáo dục chưa coi trọng tình người, còn nể nang, trù úm học sinh có những biểu hiện đạo đức yếu kém.

Hành vi bạo lực của một số em nào đó có chịu tác động xúi bẩy của một số người hoặc nhóm bạn xấu trong lớp mà nhà trường, thầy cô giáo chưa biết cách ngăn chặn kịp thời.

Một nguyên nhân nữa phải kể đến là tác động của văn hóa đạo đức thiếu lành mạnh từ các Game bạo lực đang lan tràn hiện nay đã là một trong những nguyên nhân gợi ý các em có những hành vi thiếu chuẩn mực.

Về phía xã hội, GS Phú cho rằng, phải nhìn nhận thẳng thắn là trong nhiều năm qua, chúng ta đã buông lỏng giáo dục đạo đức cho người dân nói chung, cho con trẻ nói riêng. Phim ảnh bạo lực được trình, chiếu tràn lan. Đồ chơi bạo lực được bầy bán công khai ở nhiều nơi. Kỷ cương xã hội thì lỏng lẻo, cái tốt không được ủng hộ khuyếch trương kịp thời. Nhiều người sống chân chính thì bị thua thiệt, bị hãm hại. Mặt đạo đức sai trái đã tiêm nhiễm vào đứa trẻ, vô tình khuyến khích các hành vi bạo lực của chúng.

Các em đã bị khủng hoảng về tinh thần

Từ những sự việc xảy ra, theo GS Phú, đa số các em chủ động gây bạo lực đã bị khủng hoảng về tinh thần, tâm lý ngay trong chính gia đình của mình mà nguyên nhân là từ những bế tắc trong các vụ việc xảy ra trong gia đình, nhưng chính các gia đình đã không giải quyết nổi. Bố mẹ và các thành viên trong gia đình đã không định hướng được cho các em các hành vi đạo đức đúng mực cần có.

Các em đã mang theo các bức xúc này vào trong trường, trong lớp của mình và đã dẫn đến các vi phạm. Một điều nữa, cũng chính các em này đã bị khủng hoảng về tinh thần, tâm lý ngay trong chính nhà trường, trong lớp học mà mình đang học.

Các em đã bị mất niềm tin về đạo đức con người. Mất niềm tin về sự công bằng, bình đẳng đạo lý ngay trong trường, trong lớp.

Các em tự cho mình đã có những hành xử đúng nhưng các thày, cô, các bạn đã không công bằng, đã cho rằng mình đã bị xử ép, bị trù dập, bởi thế mình phải biết tự bảo vệ mình, dồn “cơn tức giận” vừa xảy ra vào đối tượng đã có “vướng mắc” với mình để thỏa cơn tức giận.


Nữ sinh bị bạn dùng chân đá vào mặt

Nữ sinh bị bạn dùng chân đá vào mặt

Liên quan đến vai trò và trách nhiệm của nhà trường

Giải pháp nào có thể khắc phục, đi đến chấm dứt được vấn nạn bạo lực học đường hiện nay? GS Phú đề xuất, giải pháp quan trọng hàng đầu liên quan đến vai trò và trách nhiệm của nhà trường.

Nhà trường phải tăng cường chăm lo giáo dục đạo đức cho các em thông qua các nội dung học tập và sinh hoạt hàng ngày, hướng suy nghĩ và hành động của các em vào các hành vi mẫu mực lành mạnh, tốt đẹp, có đạo đức, có văn hóa.

Thầy, cô và nhà trường phải biết lồng vào các nội dung học tập ngay trên lớp một cách tự nhiên nhằm trang bị cho các em những hành vi đạo đức cần có, giúp các em có các kỹ năng kiểm soát hành vi, đặc biệt là kỹ năng kiểm soát giận dữ (nếu có) và giải quyết xung đột nếu gặp phải.

Nhà trường phải dạy các em sống có kỷ luật, biết kịp thời lên án mạnh mẽ các hành vi vô kỷ luật, phi đạo đức cả bằng lời nói và hành động cụ thể chứ không phải chỉ biết đứng ngoài chứng kiến các hành vi vô đạo đức tự do diễn ra mà mình thì vô can, đứng ngoài cuộc.

GS Phú cho rằng, nhà trường cần tạo điều kiện tốt nhất cho tổ tư vấn tâm lý học đường phát huy hiệu quả hoạt động của tổ này trong việc định hướng, khuyến khích, khen thưởng các hành vi đạo đức mẫu mực.

Giáo viên chủ nhiệm lớp cần đặc biệt nắm chắc tâm tư nguyện vọng của học sinh, những mâu thuẫn nảy sinh trong quan hệ nội bộ học sinh và chủ động lường trước các phương án khác nhau giải quyết các mâu thuẫn này.

Nhà trường phải kịp thời và có biện pháp xử phạt nghiêm với tội học sinh đánh nhau, bất kể ở đâu, không chỉ bó hẹp các vụ việc diễn ra trong khuôn viên trường. Nhà trường phải có đủ chế tài kỷ luật nghiêm để răn đe, giáo dục học sinh và làm gương cho những học sinh khác.

Bố mẹ cần phải trở thành bạn của con

Nguyên nhân từ phía gia đình các em học sinh đánh nhau này với nhiều lý do khác nhau. Gia đình đã thiếu quan tâm đến con cái, thả lỏng, buông trôi việc giáo dục đạo đức con cái mình, phó mặc cho nhà trường. Cũng có gia đình, khi biết con mắc các khuyết điểm về đạo đức, nhân cách đã chỉ biết xử phạt mà không biết chỉ bảo một cách tâm tình để con nhận ra điều hay, lẽ phải và tự sửa. Có gia đình, bố mẹ lục đục, cãi cọ nhau, anh chị em mâu thuẫn đánh chửi nhau, con cái vì thế ít nhiều đã bị ảnh hưởng, mang cái không khí “bạo lực” của chính gia đình mình vào lớp học.

GS Phú cho rằng, gia đình, đặc biệt là các bậc bố, mẹ phải đặc biệt quan tâm đến giáo dục con trẻ. Bố mẹ phải hiểu con, hiểu được bạn bè của con, nói chuyện được với con.

Theo GS Phú, bố mẹ phải làm sao trở thành bạn của con để con thoải mái bộc bạch các tâm tư nguyện vọng của mình, qua đó bố mẹ tìm cách lựa lời đưa đến cho con các suy nghĩ và hành động đúng.

Về mặt tâm lý học, một khi bố (hoặc mẹ) không nói chuyện được với con cái mình, thì cũng đồng nghĩa với sự thất bại của giáo dục gia đình với con trẻ.

Cần xây dựng tốt và tổ chức hoạt động có hiệu quả cơ chế phối hợp giáo dục giữa Nhà trường - Gia đình - Xã hội. Những người tham gia trong guồng quay này phải thực sự là những người có tâm huyết, đầy trách nhiệm trong việc giáo dục trẻ.

Có thể thành lập Ban duy trì nếp sống đạo đức văn minh

GS Phú cho rằng, bạo lực học đường là một vấn nạn. Nhà trường chúng ta có trong tay cả một tổ chức gồm đội ngũ các thày, cô có trách nhiệm, đầy quyền uy và năng lực, chẳng nhẽ lại không đủ sức ngăn cản, loại bỏ hiện tượng phi đạo đức này?

Câu hỏi trên sẽ có lời giải nếu từng trường, tùy theo hoàn cảnh, điều kiện riêng của mình biết suy nghĩ, sáng tạo ra các hình thức hoạt động phong phú nhằm kiểm soát được hiện tượng này và đi đến chấm dứt nó.

Chẳng hạn, có thể thành lập Ban duy trì nếp sống đạo đức văn minh trong trường do một thầy hiệu phó làm trưởng ban, dưới có các đội, tổ…Có thể chọn một số thành viên tích cực, có đạo đức làm nòng cốt.

Cũng có thể chọn làm thành viên một vài em vốn trước đây ngổ ngáo, hay đầu têu các vụ đánh nhau trong trường, nay đã có tiến bộ, tham gia Ban này để giữ gìn trật tự chung.

Kinh nghiệm giáo dục của Antôn Xêminôvich Macarencô (1888-1939), được trình bày trong tác phẩm nổi tiếng của ông mang tên Bài ca sư phạm chắc chắn sẽ giúp chúng ta sáng tạo ra nhiều giải pháp hữu ích khác.

Nhật Hồng ghi