Bỏ tính điểm trung bình môn học:
Loại bỏ "làn sóng" phân biệt môn chính, môn phụ ngay từ năm học mới
(Dân trí) - Với cách đánh giá mới của Thông tư 22, HS không nhất thiết phải đạt điểm tốt môn Toán, Ngữ văn hay tiếng Anh mới được công nhận là tốt, là giỏi. Giờ đây, các môn học có vai trò bình đẳng như nhau.
Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư số 22 với những quy định mới về việc đánh giá, xếp loại học sinh; sẽ được áp dụng vào năm học tới đây đối với học sinh lớp 6. Nhiều phụ huynh, giáo viên cho rằng, sự đổi mới này sẽ mang lại nhiều điểm tích cực.
"Con cá không còn bị đánh giá qua khả năng… leo cây"!
Nhà giáo K.H. (giáo viên trường THCS Hòa Bình, Hải Phòng) cho biết, một trong những điểm nổi bật của Thông tư 22 về đánh giá học sinh THCS và THPT chính là: bỏ cộng điểm trung bình các môn. Đây là một bước cải tiến đáng ghi nhận.
"Trước đây, để xếp loại học sinh của học sinh, chúng ta cộng trung bình các môn lại. Tuy nhiên, cách tính điểm này đã dẫn tới hiện tượng là lấy môn nọ bù vào môn kia; có môn đạt điểm rất cao, thậm chí 9-10, nhưng có thể tới nửa số môn còn lại chỉ ở mức khá. Và khi nhìn vào kết quả trung bình tất cả các môn, rất khó để phát hiện ra học sinh mạnh, yếu ở môn học nào.
Hiện tại, việc bỏ điểm trung bình cộng sẽ giúp giáo viên nhìn kỹ vào bảng điểm tất cả các môn để biết học sinh đang có năng lực nổi trội ở môn nào; từ đó gia tăng động lực, giúp các em phát huy thế mạnh của bản thân".
Cùng với sự thay đổi trên, cô giáo K.H. còn chỉ ra một điểm tích cực khác, khi quy định mới này không đề cập đến yêu cầu riêng cho các môn Toán, Văn, Anh. Cô H. phân tích, theo đánh giá học lực Giỏi trước đây, học sinh cần phải đạt trung bình các môn trên 8, trong đó có một trong 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Anh phải đạt từ 8 trở lên, không có môn nào dưới 6,5 điểm.
Tuy nhiên, theo Thông tư 22 mới ban hành, để được đánh giá kết quả học tập ở mức "tốt", học sinh phải có 6/8 môn có tính điểm phải đạt từ 8 trở lên, 2 môn còn lại từ 6,5 trở lên, trong đó không yêu cầu cụ thể môn học nào phải đạt 8 trở lên như trước.
"Như vậy, với cách đánh giá mới này, học sinh không nhất thiết phải đạt điểm tốt môn Toán, Ngữ văn hay tiếng Anh mới được công nhận là tốt, là giỏi. Giờ đây, các môn học có vai trò bình đẳng như nhau. Điều này giúp phần nào loại bỏ được "làn sóng" phân biệt môn chính, môn phụ mà vẫn tồn tại trong tiềm thức của nhiều thế hệ" - cô H. nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, phụ huynh Lê Khắc Nam (Thái Bình) cho hay, mỗi học sinh là một chủ thể với năng lực, phẩm chất khác biệt. Nếu cứ mãi dựa vào 3 môn Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ để xếp học lực các em thì chẳng khác nào việc "đánh giá con cá qua khả năng leo cây". Do đó, cách đánh giá mới có trong Thông tư 22 sẽ giúp học sinh thể hiện rõ điểm mạnh cũng như điểm yếu của mình; từ đó giúp giáo viên định hướng nghề nghiệp một cách chính xác nhất.
Sự thay đổi mang tính nhân văn
Hơn 10 năm gắn bó với nghề giáo, cô Trần Thùy Liên (Hà Nội) cho hay, khi đọc thông tư này, điều cô đánh giá cao là sự thay đổi lớn về tư duy trong việc đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh, từ "giỏi, khá, trung bình, yếu," sang "tốt, khá, đạt, chưa đạt".
Nhà giáo Thùy Liên nhìn nhận, về cơ bản, việc xếp loại hạnh kiểm học sinh theo 4 mức "tốt, khá, đạt, chưa đạt" của Thông tư 22 cũng giống với 4 mức "tốt, khá, trung bình, yếu" so với trước đây. Tuy nhiên, sự thay đổi cách gọi "hạnh kiểm yếu" thành "chưa đạt" nghe nhẹ nhàng, mang tính nhân văn hơn.
"Khi học sinh nhận về mức đánh giá "chưa đạt", các em sẽ tự nhìn nhận được những điểm cần phải cố gắng so với yêu cần cần đạt. Điều này như thể cho học sinh cơ hội được "làm lại" vậy.
Còn trước kia, ba chữ "hạnh kiểm yếu" nghe nặng nề lắm, nó giống như một sự trừng phạt, khiến các em cảm thấy tổn thương, thậm chí là mất động lực phấn đấu, gây ảnh hưởng nặng nề cho nặng nề cho chặng đường phía sau".
Quan niệm trường học là nơi giúp học sinh rèn luyện nhân cách, đạo đức và học thuật, không phải là nơi kết án; phụ huynh Trần Văn Minh (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, việc học sinh không còn bị xếp loại hạnh kiểm yếu là một bước tiến của Thông tư 22. Học sinh trung học thường có nhiều bất ổn về tâm lý và mắc lỗi, hãy tạo điều kiện cho các em được sửa chữa, hoàn thiện bản thân.
Không chỉ làm tăng giá trị nhân văn, nhà giáo Trần Thùy Liên đánh giá, những thay đổi trong thông tư mới còn góp phần làm giảm bệnh thành tích, đồng thời bồi đắp thêm động lực phấn đấu cho học sinh.
Cụ thể, theo Thông tư số 22, việc khen thưởng chỉ còn 2 danh hiệu là "học sinh xuất sắc" và "học sinh giỏi", không còn khen thưởng học sinh tiên tiến nữa. Để được khen thưởng học sinh xuất sắc, các em phải đạt kết quả rèn luyện và học tập đều phải tốt nhưng yêu cầu cao hơn một mức, đó là kết quả học tập phải có ít nhất 6 môn đạt điểm tổng kết năm từ 9,0 trở lên. Danh hiệu học sinh giỏi thì chỉ yêu cầu học sinh đạt kết quả rèn luyện và học lực tốt.
"Như vậy, học sinh giỏi, học sinh xuất sắc giờ đây sẽ có sự phân hóa rõ ràng về năng lực thực sự. Đạt được danh hiệu "học sinh xuất sắc" sẽ cần một "cuộc chiến" dài hơi, yêu cầu trí tuệ và sự nỗ lực, phấn đấu".
Theo Thông tư 22, việc khen thưởng danh hiệu "Học sinh tiên tiến" không còn tồn tại.
Cũng theo cô Liên, trước đây, trong một lớp có nhiều học sinh chưa thực sự giỏi nhưng vẫn được khen thưởng, thậm chí còn xảy ra trường hợp, nhiều em học không tốt nhưng vẫn được "động viên" với tấm giấy khen "Học sinh tiên tiến". Điều này làm "tầm thường hóa" giá trị của những tấm giấy khen. Do đó, với cách đánh giá tới đây, những tấm giấy khen "ảo" sẽ được giảm bớt.
Giáo viên, học sinh cần thay đổi để "bắt nhịp"
Tuy nhiên, bên cạnh sự đồng tình, nhất trí, thì nhiều ý kiến cho rằng Thông tư số 22 của Bộ GD-ĐT vẫn chưa hoàn toàn cải tiến.
Trao đổi với Dân Trí, phụ huynh Nguyễn Bích Ngọc (Hải Phòng) bày tỏ: "Tôi thấy những quy định mới ngặt nghèo và… khó hiểu quá. Đồng ý giáo dục là phải cải tiến, nhưng theo tôi, nên hướng tới sự gọn nhẹ nhưng hiệu quả, để bớt vất vả cho đội ngũ giáo viên và học sinh, phụ huynh".
Giống với chị Ngọc, phụ huynh Trần Thanh Thảo (Hà Nội) bày tỏ sự lo lắng về việc bỏ quy định bắt buộc với học sinh có kết quả học tập tốt phải có một trong các môn: Toán, Văn, Anh đạt từ 8,0 trở lên; liệu rằng có đồng nghĩa với việc nhiều trường học sẽ chấp nhận một số học sinh có học lực tốt nhưng điểm Toán và Văn là 2 môn có thể chỉ đạt từ 6,5.
Đứng trước sự thay đổi, nhà giáo Vũ Thu Hương (giáo viên cấp 2 tại Hà Nội) cho hay, sẽ mất một khoảng thời gian để đội ngũ giáo viên và học sinh "bắt nhịp". Tuy nhiên, nếu có được sự đồng tình, nhất trí của cả thầy và trò, quá trình thích nghi sẽ tiến triển nhanh hơn và những điều mới sẽ dần đi vào quỹ đạo ổn định.
"Theo tôi, để thực hiện tốt Thông tư 22, trong quá trình giảng dạy, đội ngũ giáo viên cần tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh mà Chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra. Khi đó, giáo viên là người dẫn dắt, định hướng để học sinh tự tìm tòi, sáng tạo và phát triển. Giáo viên có thể đánh giá học sinh thông qua các hoạt động thuyết trình, thực hành… bằng lời nhận xét, cho điểm phù hợp với từng bộ môn.
Bên cạnh giáo viên, sự nỗ lực của học sinh cũng có tầm ảnh hưởng quan trọng. Quy định mới của Bộ tạo cho các em rất nhiều cơ hội để được chứng minh năng lực của bản thân. Do đó, các em hãy học tập, trải nghiệm hết mình".