"Lỡ" tuyển sinh cả trăm học sinh không phép, trường cấp 3 ở Hà Nội nói gì?

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Hiệu trưởng trường THPT Tô Hiến Thành, thừa nhận việc tuyển sinh không phép và cho biết đang nỗ lực tìm cách để học sinh có chỗ học hợp pháp.

Theo phản ánh của phụ huynh học sinh, 174 học sinh khối 10 của Trường THPT Tô Hiến Thành năm học 2024-2025 không có tên trên hệ thống của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội dù năm học đã bắt đầu được 3 tháng. 

Lý do là nhà trường không được Sở cấp chỉ tiêu tuyển sinh năm nay.

Sự việc này đã được phụ huynh biết đến từ cuối tháng 9, thông qua báo chí và văn bản của Sở GD&ĐT Hà Nội. 

Chị Nguyễn Thị Thu Hằng - phụ huynh học sinh trường THPT Tô Hiến Thành - cho biết, giáo viên chủ nhiệm thuyết phục phụ huynh chờ đợi nhà trường xin cấp chỉ tiêu vào đợt bổ sung.

"Nhưng chờ hơn một tháng qua, nhà trường vẫn chưa có câu trả lời. Các con vẫn phải học chui", chị Hằng lo lắng.

Con chị Hằng trúng tuyển vào trường theo phương thức xét tuyển học bạ từ cuối tháng 4. Trước khi nộp hồ sơ cho con vào trường, chị Hằng đã tìm hiểu trường qua nhiều kênh thông tin. 

"Trường thành lập từ năm 1997, có tên trong danh sách của Sở GD&ĐT. Các năm trước trường vẫn tuyển sinh bình thường. Vì thế, tôi thực sự sốc khi biết con nhập học 2 tháng rồi mới biết nhà trường không được cấp chỉ tiêu", chị Hằng bức xúc.

Lỡ tuyển sinh cả trăm học sinh không phép, trường cấp 3 ở Hà Nội nói gì? - 1

Học sinh Trường THPT Tô Hiến Thành trong một hoạt động ngoại khóa (Ảnh: Fanpage nhà trường).

Chị Hằng cho rằng, lẽ ra các cơ quan quản lý giáo dục phải thông báo điều này sớm hơn chứ không phải đến cuối tháng 9 - thời điểm công tác tuyển sinh của các trường đã đóng lại và toàn bộ học sinh đã ổn định chỗ học.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiến Thành, thừa nhận nhà trường đã tuyển sinh khi chưa có phép.

Thông thường, các trường tư thục đăng thông tin tuyển sinh đầu cấp từ tháng 2-3. Trong khi đó, phải đến giữa tháng 4, Sở GD&ĐT mới cấp chỉ tiêu đợt 1 cho các trường. 

Các đợt cấp chỉ tiêu lần 2-3 có thể kéo dài đến sau kỳ thi lớp 10 công lập.

Năm 2024, Sở GD&ĐT Hà Nội cấp bổ sung hơn 1.000 chỉ tiêu cho các trường tư thục vào khoảng giữa tháng 7. 

Đây là lý do mà nhiều trường tư tuyển sinh khi chưa chắc chắn về chỉ tiêu được giao.

Bà Tuyết cho biết: "Nhà trường cố gắng bổ sung hồ sơ để được chấp nhận nhưng cuối cùng vẫn không được".

Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiến Thành đã báo cáo và đề xuất với Sở GD&ĐT Hà Nội cho phép chuyển 174 học sinh lớp 10 về trường THPT Văn Lang ở quận Đống Đa. 

Theo bà Tuyết, trường Văn Lang còn dư hơn 200 chỉ tiêu, lại nằm ở nội thành, thuận tiện cho học sinh.

"Chúng tôi đang nỗ lực làm việc với cơ quan quản lý và sẵn sàng làm mọi cách có thể để học sinh có chỗ học hợp pháp", bà Tuyết nói.

Trường THPT Tô Hiến Thành hiện có hơn 400 học sinh. Địa điểm tổ chức hoạt động giáo dục của trường nằm tại phường Văn Quán, quận Hà Đông.

Theo Thông báo số 3205 ngày 19/9 của Sở GD&ĐT Hà Nội, Trường THPT Tô Hiến Thành không được cấp chỉ tiêu "do chưa đủ điều kiện cơ sở pháp lý địa điểm hoạt động".

Cũng trong Thông báo này, Sở GD&ĐT Hà Nội bác bỏ đề xuất bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh với 3 trường tư khác gồm: Tiểu học, THCS và THPT Ngôi Sao Hà Nội - Hoàng Mai, THPT Bắc Đuống, Tiểu học, THCS và THPT Everest.

Lý do được đưa ra là hồ sơ của các đơn vị này chưa đủ điều kiện cơ sở pháp lý về chủ sở hữu, cơ sở vật chất, địa điểm hoạt động.

Đáng chú ý, Sở ra thông báo vào thời điểm năm học mới đã bắt đầu được 2 tuần và trường đã hoàn tất việc tuyển sinh.

Chỉ có 2 trường THPT tuyển vượt chỉ tiêu lớp 10 được chấp nhận cho bổ sung sau khi xử phạt hành chính là THPT là Mạc Đĩnh Chi (vượt 32 chỉ tiêu) và THPT Lạc Long Quân (vượt 38 chỉ tiêu).

Năm học 2024-2025, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 được Hà Nội giao cho các trường THPT công lập, công lập tự chủ, tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên vào khoảng trên 120.000.

Cụ thể, 127 trường công lập và công lập tự chủ được giao 77.250 chỉ tiêu trong đợt đầu tiên.

Có 99 trường tư thục được giao khoảng 35.000 chỉ tiêu.

Danh sách trường có vốn đầu tư nước ngoài có 3 trường với 308 chỉ tiêu.

Danh sách trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có 29 trung tâm với khoảng 12.000 chỉ tiêu.

(*) Tên phụ huynh đã được thay đổi.