Lo thiếu nguồn tuyển vào ngành sư phạm năm 2019?
(Dân trí) - Số chỉ tiêu 46.000 cho ngành sư phạm năm nay so với nhu cầu chỉ khoảng bằng 70%. Vậy việc thiếu giáo viên sư phạm trong tương lai được giải quyết thế nào khi 2 năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm đều thấp hơn dự báo nhu cầu thực tiễn?
Phân bổ 46.000 chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm
Về vấn đề này, trao đổi với báo chí ngày 11/5, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học – Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2019, Bộ tiếp tục thực hiện chủ trương đào tạo giáo viên theo nhu cầu của các địa phương Bộ GD&ĐT đã tổng hợp nhu cầu đào tạo giáo viên do các địa phương đề nghị.
Kết quả về nhu cầu đào tạo của các địa phương năm 2019 là 63.364 chỉ tiêu (bao gồm Mầm non: 23.333 chỉ tiêu, Tiểu học: 21.220 chỉ tiêu, THCS: 14.580 chỉ tiêu, THPT: 3.553 chỉ tiêu).
Việc xác định chỉ tiêu 2019 theo nguyên tắc căn cứ vào nhu cầu của các tỉnh, các vùng miền và năng lực đào tạo của các trường để giao chỉ tiêu trong phạm vi hai căn cứ nêu trên.
Tổng chỉ tiêu năm 2019 đã xác định giao cho các cơ sở đào tạo giáo viên là 44.076/63.364 đạt 69,56% nhu cầu của các địa phương theo các ngành đào tạo.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, cho hay, đối với tuyển sinh sư phạm, năm nay, dự báo nhu cầu giáo viên của các địa phương rất cao cho nên tổng chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm tăng. Nếu năm ngoái khoảng 35.000 thì năm nay đạt khoảng 46.000, do nhu cầu địa phương tăng. Bởi vì, để xác định nhu cầu tuyển sinh sư phạm, 2 năm nay Bộ kết hợp với địa phương khảo sát nhu cầu giáo viên của từng địa phương hàng năm.
Trên cơ sở đó, Bộ phân bổ chỉ tiêu đào tạo giáo viên cho các trường sư phạm trên cơ sở năng lực của các trường cũng như vùng tuyển sinh của họ.
“Số chỉ tiêu 46.000 cho ngành sư phạm năm nay so với nhu cầu chỉ khoảng bằng 70%. Cũng có câu hỏi đặt ra rằng, như vậy việc thiếu giáo viên sư phạm trong tương lai được giải quyết thế nào khi 2 năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm đều thấp hơn dự báo nhu cầu thực tiễn?”, bà Phụng nêu vấn đề.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học – Bộ GD&ĐT khẳng định, Bộ quán triệt tinh thần, không nên vì số lượng mà hạ thấp chất lượng với tuyển sinh sư phạm: “Như chúng ta đã biết, năm vừa rồi điểm tuyển sinh ngành sư phạm khá cao. Không phải thí sinh không có nguyện vọng mà do những nguyện vọng không đủ sàn bị loại. Năm nay, quan điểm của chúng tôi vẫn như vậy”.
Số thiếu hụt sẽ được giải quyết theo cách nào?
Theo bà Phụng, Bộ có 2 phương án: Thứ nhất, nếu như nhu cầu tuyển giáo viên có nguy cơ khan hiếm thì sự thu hút học sinh vào ngành sư phạm sẽ tốt hơn và như vậy, sẽ thu hút được sinh viên giỏi vào ngành sư phạm, từ đó chất lượng giáo viên sẽ nâng cao.
Thứ hai, hiện vẫn còn một bộ phận sinh viên sư phạm tốt nghiệp ở các năm trước chưa có việc làm hoặc làm không đúng nghề. Các trường, các Sở thiếu giáo viên không chỉ lấy từ những cử nhân sư phạm vừa được đào tạo ra mà còn phải nỗ lực thu hút những sinh viên đã tốt nghiệp sư phạm từ các năm trước.
Ngày 11/5, Bộ GD&ĐT tổ chức gặp gỡ, cung cấp thông tin cho các phóng viên báo chí
“Trong 2 năm gần đây, Bộ quan tâm đẩy mạnh đào tạo văn bằng 2 riêng cho khối sư phạm, nhằm đảm bảo rằng những người đã học sư phạm rồi, nếu thừa thiếu giáo viên cục bộ giữa các cấp học, môn học có thể đào tạo bằng văn bằng 2 với thời gian nhanh hơn để có thể thay đổi môn/ cấp giảng dạy của mình và có thể đứng trong đội ngũ giáo viên.
Đó là những bài toán giải quyết việc nếu thiếu giáo viên khi sàn sư phạm thì cao, chỉ tiêu thấp thì thấp hơn nhu cầu…”, bà Vũ Thị Kim Phụng nhấn mạnh.
Đối với các ngành đào tạo phục vụ chương trình phổ thông mới gồm các ngành Sư phạm Lịch sử, Địa lý; Sư phạm Khoa học tự nhiên.
Năm 2019, các trường đào tạo sư phạm ở các trình độ đại học, cao đẳng đã đăng ký mở ngành, đăng ký chỉ tiêu để tổ chức đào tạo các ngành học trên cơ sở các trường đã đào tạo các ngành học đơn như Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Địa lý, Sư phạm vật lý, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Hoá học; song song tổ chức đào tạo văn bằng 2 đối với các sinh viên đã học một trong các ngành học trên giải quyết bài toán giáo viên chưa có việc làm.
Lệ Thu