Thừa Thiên - Huế:

Liên kết 4 bên để chặn “vấn nạn” HS đi xe máy đến trường

(Dân trí)- Trong buổi trao đổi mới đây với PV về "vấn nạn" HS đi xe máy đến trường, Th.s Hoàng Đức Bình, PGĐ Sở GD-ĐT tỉnh TT-Huế khẳng định để đẩy lùi "vấn nạn" này, quan trọng nhất là liên kết mật thiết giữa gia đình - nhà trường - chính quyền địa phương - công an.

Xin ông cho biết tình trạng HS đi xe máy đến trường hiện tại ở Thừa Thiên - Huế:
 
Từ những năm trước 1997, khi vừa mới ban hành nghị quyết 32/CP và chỉ thị 52 của Bộ GD-ĐT thì tình trạng này có giảm đi. Tuy nhiên thời gian mấy năm trở lại đây, do đời sống nâng cao, nhiều gia đình khá giả đã mua xe máy cho con khi chưa đủ tuổi lái. Chính vì vậy là số lượng xe máy trong HS đã gia tăng đáng kể. Tuy không nở rộ như các tỉnh thành lớn khác nhưng ở Huế vẫn có nhiều HS đi xe máy đến trường.

 

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này, thưa ông?
 

Khác với khối cấp 2 là HS ở địa bàn nào thì học tại địa bàn nấy, lên cấp 3 nhiều HS phải đến trường rất xa chỗ ở cho nên nhiều nhà đã “ưu tiên” cho các em đi xe máy đến trường. Tuy nhiên theo quan sát của tôi khi đi về các huyện thì trên đường ít thấy HS đi xe máy mà ở TP Huế thì nhiều hơn. Điều này bắt nguồn từ việc quản lý không chặt của gia đình tại TP Huế hay có thể nói là buông lỏng - cho con đi xe máy mà không xem kỹ luật hay nuông chiều quá mức, mua xe máy cho con. Nhiều khi nhà trường thông báo về nhà là HS đã vi phạm đi xe máy thế rồi do thương con, phụ huynh lại lên trường xin xỏ, bênh vực cho con khiến cho con họ vẫn đi xe máy như “cơm bữa” tới trường.

 

Dù trường học đã nghiêm cấm không cho HS đi xe máy và gửi tại trường nhưng chính những bãi xe bên cạnh trường vẫn “vô tư” giữ xe. Các thầy cô không thể nào quản lý hết được việc này vì còn công tác chuyên môn: dạy học, nghiên cứu... Các HS bị vi phạm đi xe máy nhiều lần cũng không thể đuổi học em đó được vì không phải là giải pháp hay.

 

Vì vậy nếu chính quyền sở tại không “tích cực” nhắc nhở hộ gia đình là Không được giữ xe máy của HSthì "vấn nạn" này chừng nào đó vẫn kéo dài trong nhiều năm nữa. Hiện tại cũng chưa có luật nào là cấm các hộ gia đình giữ xe. Lợi dụng sơ hở này mà nhiều nhà cạnh trường vẫn thản nhiên giữ xe cho HS.

 

Một điều rất quan trọng là công an giao thông. Nếu lực lượng này nếu thấy HS hay thanh thiếu niên đi xe máy trên đường mà kiểm tra gắt gao, đối tượng nào không có bằng lái hay chưa đủ tuổi thì phải kiên quyết xử phạt, giữ xe. Hoặc phối hợp với trường và địa phương về các bãi xe cạnh trường xử phạt rốt ráo HS đi xe máy. Cứ làm tích cực nhiều lần thì các HS sẽ sợ mà ít đi xe máy dần. Chỉ có phạt và tăng cường phạt HS đi xe máy thì mới mong giảm thiểu được phần nào “vấn nạn”.


 

Liên kết 4 bên để chặn “vấn nạn” HS đi xe máy đến trường - 1

Ông Hoàng Đức Bình, PGĐ, Trưởng ban công tác an toàn giao thông của sở GD&ĐT tỉnh TT-Huế “hiến kế” là cần phối hợp giữa 4 bên: gia đình - nhà trường - chính quyền địa phương - công an để ngăn chặn tốt hơn "vấn nạn" HS đi xe máy đến trường


Tại Huế hình như vẫn còn tình trạng “buông lỏng” xử lý các HS đi xe máy đến trường?
 

So với HS phía Bắc, Nam thì HS ở Huế hiền hơn, ít lạng lách, đánh võng và gây rối trên đường khi ngồi trên xe máy hơn. Vì vậy, cảnh sát cũng phần nào “nhẹ nhàng” hơn. Nói vậy nhưng tháng nào công an giao thông cũng gửi bảng danh sách HS vi phạm đến trường và từ trường gửi lên cho chúng tôi một bảng. Những em nào bị nặng thì tùy theo mức độ xử lý nhưng đến nay công tác này vẫn chưa được làm kỹ lắm.

 

Xin ông cho biết nguyên nhân chính của “nạn” HS đi xe máy đến trường?

 
Dù có rất nhiều yếu tố tác động nhưng tôi phải nói: “gia đình là yếu tố quan trọng nhất”. Nếu nhà không cho HS xe máy hay cho mượn xe thì có “đằng trời” các em dám đi xe đến trường. Ba mẹ, anh chị trong nhà nghiêm cấm con, em của mình bắt phải đi xe đạp hay xe buýt đến trường thì dần dà em đó sẽ nghe theo. Dù sau đó có thể em đó đi nhờ xe máy với bạn, nhưng nếu gia đình vẫn nghiêm cấm thì em đó sẽ đi vào “quỹ đạo” - không tái diễn đi xe máy nữa.

 

Liên kết 4 bên để chặn “vấn nạn” HS đi xe máy đến trường - 2

Vẫn còn nhiều trường hợp HS đi xe máy tại tỉnh TT-Huế trong nhiều năm qua

Tại Sở GD-ĐT tỉnh TT-Huế đã có những giải pháp gì để đối phó và chỉ đạo các trường làm dứt điểm “vấn nạn” này?
 

Mỗi năm chúng tôi đều chỉ đạo cấm không cho HS đi xe máy tới trường và phổ biến về các trường cho HS học luật an toàn giao thông. Riêng năm nay, chúng tôi đang sắp làm nhiều hội thảo chuyên đề về an toàn giao thông. Hội thảo là cách tốt để tìm biện pháp, chia sẻ kinh nghiệm tốt từ trường này với trường kia, trường nào làm tốt khi ngăn chặn HS đi xe máy đến trường càng nhiều sẽ được xếp loại thi đua cuối năm càng tốt...

 

Vài ngày tới chúng tôi sẽ làm một văn bản gửi về các trường về việc chấp hành an toàn giao thông trong HS, trong đó nhấn mạnh lại các trường phải có biện pháp tích cực để giảm thiểu tối đa tình trạng HS đi xe máy.

 

Cũng cần nói như Trường THPT Phan Đăng Lưu có 1 câu lạc bộ về an toàn giao thông hoạt động rất hiệu quả. Các em đã chủ động tìm những bài học về giao thông, chia sẻ bằng hình ảnh, video, sau đó nhân rộng vào cộng đồng trường học cho các bạn khác. Từ đó, trường này có rất ít HS đi xe máy đến trường.

 

Chúng tôi cũng sẽ nói đến vấn đề đưa HS đi học bằng xe buýt tại các buổi gặp mặt với các trường. Như một vài trường cấp 3 điển hình là Vinh Xuân, Thuận An, sau khi có xe buýt đã giảm hẳn số tai nạn giao thông trong các HS.

 

Nhưng dù gì, chúng tôi vẫn có ý kiến là phải phối hợp đồng bộ giữa 4 bên là: gia đình - trường học - chính quyền địa phương - công an giao thông để cùng nhau giải quyết vấn nạn này. Như một công việc có nhiều người giúp sức thì sẽ tốt hơn, cho hiệu quả cao hơn.

 

Đại Dương (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm