Lên “net” giảng dạy môn Văn
Thay vì đọc, chép như thường lệ, thầy Hoàng Ðức Huy ở Trung tâm Giáo dục Thường xuyên quận 4, TPHCM cho học sinh viết blog, soạn giáo án điện tử. Toàn bộ giáo án giảng dạy được thầy Hoàng Ðức Huy đưa lên mạng Internet.
Mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin để giảng dạy môn Văn cho học sinh, thầy giáo Hoàng Ðức Huy đã đã nhận được giải thưởng Ngọn nến sáng tạo cho chương trình giảng dạy môn Văn trên mạng Internet.
Lên "net" bình văn
Thầy Huy từng là Hiệu trưởng trong 10 năm liền của hai trường tiểu học Lý Nhơn và Ðặng Trần Côn (quận 4, TPHCM). Việc thầy xin về Trung tâm Giáo dục Thường xuyên quận 4 để được đứng lớp làm giáo viên dạy Văn cấp THCS quả là một chuyện khá "bất thường".
Nhưng, như lời thầy tâm sự, đó là "để thỏa mãn niềm đam mê viết sách". Và điều ấy đã phục vụ rất nhiều cho công tác biên soạn với hàng chục đầu sách hướng dẫn phương pháp làm văn từ cấp TH đến cấp THCS và làm các bài tập trắc nghiệm tiếng Anh cấp THPT. Năm 2003, thầy tiếp tục "trình làng" quyển sách: Giáo án điện tử dành cho các môn ngữ văn và khoa học xã hội, với những hướng dẫn cụ thể và dễ hiểu.
Cách đây khoảng ba năm, kết quả một cuộc điều tra trong lớp, làm thầy Huy rất trăn trở. Hầu hết học sinh khi được hỏi "các em biết học Văn có tác dụng gì không?" và câu trả lời thường là "không biết học Văn để làm gì, chẳng thấy ích lợi gì từ môn Văn". Không những thế, nhiều em tỏ ra sợ hãi khi nghe đến văn học. Thầy Huy bắt đầu nghiên cứu, học hỏi các phương pháp mới từ nước ngoài, đồng thời kết hợp với kinh nghiệm dạy Văn gần 20 năm của mình để cho ra đời phương pháp học văn mới, với tên gọi là "Môn văn lên mạng".
Ðã ở tuổi hơn 50, lại là một giáo viên chuyên văn, nhưng khả năng về vi tính, Anh văn của thầy rất tốt. Thông qua nghiên cứu sách vở, thầy tự thiết kế trang thông tin điện tử, phục vụ việc giảng dạy. Thầy xây dựng các trang với địa chỉ truy cập (www.hoangduchuy.com; hdhuy.bravehost.com; hoangduchuy.topcities.com; tamsuthaytro.bravehost.com), trang đầu do thầy tự bỏ tiền túi duy trì tên miền, trang này gồm toàn bộ giáo trình giảng dạy được thầy biên soạn kỹ lưỡng để các em có thể lên đọc bài, tìm tài liệu. Các trang còn lại, thầy dùng để giới thiệu về trường, đồng thời là nơi để các em học sinh tham gia sáng tác như: làm thơ, viết blog.
Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên quận 4 Ðinh Kim Hoàng cho biết: "Ở đây chúng tôi luôn khuyến khích giáo viên xây dựng giáo án điện tử, và thầy Huy là người đi tiên phong trong việc đổi mới. Mặc dù trung tâm còn thiếu thốn, nhưng thầy vẫn tìm ra những biện pháp thích hợp, phát triển hình thức giảng dạy mới, hiệu quả. Hầu hết các học sinh của thầy đều vượt qua các kỳ thi Văn".
Phương pháp dạy học khá đặc biệt của thầy Hoàng Ðức Huy, không chỉ tạo sự hứng thú học tập cho học sinh ở Trung tâm Giáo dục Thường xuyên quận 4 và Trường THPT Nguyễn Khuyến, mà ngay cả một số giáo viên ở các trường lân cận cũng đến tận nơi để học hỏi kinh nghiệm.
Có người đến xin giáo trình điện tử, cũng có người nghiên cứu phương pháp dạy học. Thầy Huy đều hướng dẫn tận tình và nhanh chóng chép hết tài liệu mà mình biên soạn không một chút ngần ngại. Thầy nói "mấy anh chị giáo viên rất thích bộ giáo trình điện tử, và phương pháp dạy Văn tôi mới áp dụng. Nếu được phổ biến thì càng hay".
Với Internet, mỗi học sinh là "một nhà văn"
Phương pháp đưa môn Văn lên mạng, người giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, tổ chức hoạt động cho học sinh. Học sinh được tổ chức thành những nhóm nhỏ hoạt động một cách độc lập. Những buổi học đầu tiên là tạo hộp thư điện tử, lên Google tìm kiếm thông tin. Khi học sinh nhuần nhuyễn chương trình, các em tiếp tục học nâng cao lên như làm thơ văn, viết nhật ký và soạn giáo án điện tử.
Ðã hai năm qua, trung tâm không có phòng máy, nhưng thầy vẫn khắc phục bằng cách cho học trò mình ra địa điểm truy cập Internet trong những giờ thực hành. Hoàn cảnh của các em đa số rất khó khăn nên việc thực hành trên máy cũng rất hạn chế. Mặc dù vậy, tính trung bình một em chỉ mất khoảng 14.000 đồng/năm, 40 phút tạo hộp thư, viết thơ ngắn, 360 phút viết một trang nhật ký, tìm tài liệu trên mạng, biên soạn power point và làm webblog.
Thầy Huy cho biết, đối với phần lý thuyết thì tôi đúc kết các ý chính cho các em, sau đó cho các em lên mạng hoặc mua sách đọc bài và phải làm bài tập. Các em tự phân tích, bình luận phát huy khả năng sáng tạo tùy ý, sau đó tôi góp ý cho từng em.
Tuy nhiên, việc để học sinh lên Internet là tuân thủ theo đúng quy trình của bộ về số tiết lẫn chương trình học, các em sáng tác thơ, viết nhật ký cũng theo chủ đề chung.
Em Ngọc Như, học sinh lớp 9N kể lại "Em mới được học những tiết Văn kỳ lạ do thầy Huy dạy. Không cần ghi chép nhiều, tụi em học rất vui, các bạn tiếp thu bài rất nhanh. Bạn em, lúc trước chỉ biết chat, chơi game, nhưng bây giờ ai cũng biết làm thơ, làm văn chẳng kém gì... thi sĩ".
Còn em Hồng Ân, học sinh lớp 8N nói: "Thầy hướng dẫn tụi em tận tình lắm, học môn của thầy em rất thích. Các bạn em, ai cũng cố gắng học Văn trên Internet vì nếu học giỏi, ngoài được khen, thầy còn bỏ tiền túi mua tập thưởng cho tụi em nữa".
Theo thầy Huy, thực hiện phương pháp này rất mất công, khó khăn gấp bội so với phương pháp đọc, chép. Phải in các văn bản học, các phần mà các em viết để cho cha mẹ các em xem kết quả. Rồi sửa từng câu, chữ cho các em, vì khi mới viết, hầu như em nào cũng viết sai chính tả, không biết diễn đạt, nhưng qua nhiều lần chỉnh sửa, dần các em quen với cách viết. Môn Văn khác với các môn tự nhiên, để viết được hay, cần năng khiếu cảm thụ, nhưng để diễn đạt thì chỉ cần khiến các em hứng thú và viết nhiều.
Thầy Huy tâm sự "Các em ở đây phần đông gia đình còn nghèo, môn Văn lên mạng với tiêu chí dễ hiểu, ít tốn kém, chắc chắn sẽ giúp các em tiến bộ nhanh. Tôi cảm thấy rất vui khi có một số em, sau khi học môn Văn tôi dạy, đã tìm được việc làm, các em gửi thư cảm ơn tôi. Tôi chỉ tiếc là điều kiện chúng tôi thiếu thốn, nhưng cũng tiếc hơn là ở một số nơi có điều kiện tốt nhưng chưa phát huy thế mạnh tin học".
Mới đây, không chỉ cho mấy em học sinh kiểm tra email, viết blog và tìm kiếm thông tin trên Google, từ các ứng dụng đó, thay vì trả bài, làm bài tập, thầy Huy còn cho học trò soạn giáo án điện tử giảng dạy, sau đó trình bày giáo án của mình. Cụ thể là thầy ra các chủ đề để cho học sinh soạn theo đúng tiêu chí, trên cơ sở thông tin và làm đẹp giáo án trình bày. Việc soạn giáo án nói trên, nhiều giáo viên bình thường còn gặp khó, thế mà các học trò của thầy Huy soạn khá "chuyên nghiệp".
Nhờ phương pháp mới của thầy Huy, học sinh rất phấn khởi học tập, trong đó có cả một số cá biệt ở các trường khác chuyển đến. Không ít em trở thành học sinh giỏi Văn, thậm chí có nhiều em biết sáng tác thơ rất hay và có thể phân tích ngay các bài văn ngay trong tiết học mà thầy đang giảng. Mới đây thầy được trao giải thưởng Ngọn nến sáng tạo bởi phương pháp dạy văn hay và hiệu quả.
Theo Nhân Dân