Đắk Lắk:
Lắp camera, lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin về bạo lực học đường
(Dân trí) - Nhằm chấn chỉnh tình trạng bạo lực học đường gia tăng trên địa bàn, Sở GD&ĐT Đắk Lắk đã chỉ đạo các trường học, lắp thêm camera, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin kịp thời ngăn chặn.
Chiều 15/3, trao đổi với PV Dân trí ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, cho biết, đơn vị yêu cầu các trường học phải thiết lập đường dây nóng (số điện thoại của Bí thư đoàn trường, phó Hiệu trưởng phụ trách nề nếp…) hoặc hòm thư tại trường để nhận các thông tin liên quan bạo lực học đường.
"Bất cứ em nào phát hiện có nhóm hay cá nhân học sinh nào có sự mâu thuẫn dẫn tới khả năng gây gổ, đánh nhau thì kịp thời báo ngay để nhà trường có sự can thiệp kịp thời", ông Khoa cho hay.
Theo ông Khoa, các nhà trường học cần lắp đặt thêm camera cả những khu vực khuất tại trường để theo dõi học sinh vi phạm (hút thuốc, đánh nhau…).
Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk thừa nhận, tình trạng bạo lực học đường thời gian qua trên địa bàn đã gây nên sự lo lắng đối với phụ huynh, xã hội về công tác quản lý, giáo dục học sinh. Do đó, Sở ban hành công văn 298 triển khai các biện pháp ngăn chặn tình trạng này.
Cụ thể, nhà trường phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; giáo dục đạo đức lối sống, tổ chức các hoạt động trải nghiệm; đẩy mạnh triển khai tham vấn, tư vấn tâm lý học đường, kỹ năng ứng xử, giải quyết mâu thuẫn cho học sinh; tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, giải trí lành mạnh cho học sinh.
Cần phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các tổ chức, hội - đoàn thể, Công an, chính quyền địa phương trong công tác quản lý, giám sát và giáo dục học sinh.
Các trường tổ chức ký kết Quy chế phối hợp giữa nhà trường với Công an địa phương, phối hợp quản lý, giáo dục và có sự răn đe khi cần thiết; có biện pháp theo dõi, kiểm tra, ngăn chặn các vụ việc học sinh tổ chức gây gổ, đánh nhau.
"Học sinh đánh nhau trong hay ngoài nhà trường thì trách nhiệm thuộc về người đứng đầu là Hiệu trưởng. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm của các lớp có trách nhiệm phải nắm những học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, học sinh cá biệt… để có sự quan tâm sâu sắc với những em này. Trường nào để xảy ra tình trạng bạo lực học đường sẽ có đánh giá thi đua của trường, Hiệu trưởng và cả giáo viên chủ nhiệm", ông Khoa nhấn mạnh.
Đồng thời, Sở GD&ĐT Đắk Lắk nêu rõ quan điểm sẽ xử lý nghiêm khắc theo quy định của Bộ GD&ĐT đối với những trường hợp bạo lực học đường và sẽ phối hợp với cơ quan công an để có hình thức xử lý phù hợp.