Trà Vinh:
Lão nông 2 lần hiến đất xây trường
(Dân trí) - Ông Thạch Ua, SN 1955 (ngụ ấp 4, Phong Phú, Cầu Kè, Trà Vinh) đã 2 lần hiến đất để xây trường học tiểu học và mẫu giáo ở địa phương. Nghĩa cử cao đẹp của ông giúp hàng trăm cháu học sinh là con em đồng bào dân tộc Khmer có điều kiện tới trường.
Xóm nơi gia đình ông Thạch Ua sinh sống có đến 90% là đồng bào dân tộc Khmer với nghề chính là làm ruộng, chăn nuôi. Trước đây, các cháu học sinh phải bơi xuồng hoặc lội bộ trên đường đất sình lầy gần 4km mới tới con đường chính rồi từ đó đi bộ đến trường. Thấy con gái mình và nhiều con em trong xóm phải vất vả đến trường nên ông Ua bàn với chính quyền địa phương cho mượn tạm khoảng đất trống phía trước nhà để làm trường tiểu học tạm.
Ông Ua kể lại: “Trước đây tôi tham gia bộ đội ở chiến trường Campuchia, sau khi xuất ngũ về lại quê nhà làm ruộng như bao nông dân khác. Trong xóm không có trường, học sinh đi học xa vất vả nên tôi mới tính tới chuyện cho mượn đất để cất phòng học tạm cho mấy cháu. Khi đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản là muốn có trường gần nhà để cho con mình rồi mấy đứa cháu ở hàng xóm khỏi phải lội sình hay bơi xuống vất vả để tới lớp”. Theo ông Ua, năm 1990 gia đình chỉ cho mượn đất để cất một phòng bằng tre, lá cho các cháu trong xóm học tiểu học. Một thời gian sau thấy phòng xuống cấp nên năm 1995 nên ông mới bàn với chính quyền địa phương hiến luôn 1.000 m2 đất để xây 2 phòng học kiên cố với tường, mái tol để lập Trường Tiểu học Phong Phú B (điểm Thơm Rơm).
Việc làm của ông Ua được gia đình và bà con chòm xóm rất ủng hộ vì giúp các cháu học sinh đỡ vất vả. Bà Thạch Thị Ngone, vợ ông Ua cho biết: “Khi đó ổng về bàn bạc là tôi đồng ý ngay vì con đường từ xóm này đến trường rất xa lại lầy lội. Gia đình tôi cũng làm ruộng, mảnh đất hiến xây trường có giá đến mấy trăm triệu đồng nhưng tôi cũng chẳng tính toán gì mà chỉ mong cho con cháu có cái chữ, đừng bỏ học giữa chừng”.
Có được trường tiểu học nhưng vẫn chưa có trường mẫu giáo nên gia đình ông Ua cho mượn căn nhà của mình để làm điểm giữ trẻ. Năm 2012, ông lại hiến tiếp 500 m2 đất để xây trường mẫu giáo cho các cháu nhỏ ở địa phương. Nhờ ông Ua mà hiện diểm vùng sâu này có 2 phòng học tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 và 1 phòng làm diểm giữ trẻ cho các con em học sinh là con em của đồng bào dân tộc Khmer.
Bà Huỳnh Thị Định, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Phú cho biết: “Ông Ua có tấm làng rất tốt khi 2 lần hiến đất xây trường cho các học sinh trong ấp. Mới đây khi con đường giao thông nông thôn đi ngang nhà ông cũng hiến đất để làm đường. Đến nay ông được tặng rất nhiều giấy khen, bằng khen người tốt việc tốt, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… Ông là người có uy tín ở địa phương nên mỗi khi giải quyết hòa giải, vận động thì chính quyền địa phương đều nhờ đến vì ông nói một tiếng là đồng bào dân tộc Khmer ở đây đều nghe theo”.
Buổi trưa hè, tiếng học sinh vui đùa vẫn rộn rã phía trước sân nhà ông Thạch Ua. Hỏi ra mới biết, nghỉ hè nhưng những em học sinh đồng bào dân tộc Khmer ở đây được các thầy dạy tiếng Khmer để bảo tồn chữ viết, văn hóa của dân tộc mình. Ông Ua vừa bước ra sân, tụi nhỏ đã chạy đến đứa nắm tay, đứa đùa giỡn. Ông Ua nói như lý giải chuyện hiến đất xây trường của mình: “Thấy tụi nhỏ có nơi vui chơi, được học con chữ là tôi vui rồi chứ có tính toán gì dù mảnh đất này có giá mấy trăm triệu đồng và tôi cũng là nông dân làm ruộng chẳng giàu hơn ai!”.
Minh Giang