Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa lên tiếng về việc tranh cãi tuyển giáo viên tại trường chuyên Lam Sơn
(Dân trí) - Liên quan đến việc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa chưa đồng ý phê duyệt phương án tuyển dụng giáo viên tại trường chuyên Lam Sơn do tranh cãi vị trí chủ tịch hội đồng khiến tình trạng tuyển dụng tại trường này “dậm chân tại chỗ”. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa khẳng định việc để cho Hiệu trưởng trường chuyên Lam Sơn làm chủ tịch hội đồng tuyển dụng là hoàn toàn hợp lý.
Sáng ngày 11/10, tại cuộc họp báo thường kỳ quý III của UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Trước đó, từ năm 2008- 2015, 8 năm liền Trường chuyên Lam Sơn không có học sinh đạt giải Quốc tế, khiến lãnh đạo tỉnh rất trăn trở. Trong những năm gần đây, chất lượng được nâng cao rõ rệt, đã có nhiều học sinh đạt giải Quốc gia, Quốc tế. Có được thành tích như vậy là nhờ chính sách chung cùng với đó là việc bố trí sắp xếp cán bộ, vai trò của đội ngũ nhà trường, đặc biệt vai trò của hiệu trưởng là quan trọng”.
Liên quan đến vấn đề tranh cãi vị trí chủ tịch hội đồng tuyển dụng, ông Quyền khẳng định: “Riêng Trường chuyên Lam Sơn thì UBND tỉnh đã ký văn bản giao cho hiệu trưởng trường này tuyển chọn giáo viên từ năm 2014, sau đó các năm tiếp theo vẫn giao cho trường Lam Sơn. Trong quá trình tuyển dụng, chúng tôi cũng chưa có nghe điều tiếng gì, phản ánh gì. Ngay cả năm học 2017-2018, tỉnh giao cho trường tuyển dụng 12 chỉ tiêu nhưng nhà trường cũng chỉ tuyển được 6 người và vẫn thiếu 6 người”.
“Năm nay Sở GD&ĐT đề nghị không giao cho Trường chuyên Lam Sơn mà giao cho Sở GD&ĐT làm chủ tịch hội đồng cái này có căn cứ. Tuy nhiên, UBND tỉnh giao cho Sở GD&ĐT đánh giá xem các quy trình tuyển chọn có vấn đề gì không, có tiêu cực không thì sở đánh giá không có vấn đề gì cả mà chỉ có đề xuất là phải căn cứ vào Quyết định 1942 tức là Chủ tịch hội đồng tuyển dụng phải là giám đốc Sở GD&ĐT” – ông Quyền nói.
Cũng theo ông Quyền thì Quyết định 1942 là văn bản quy định pháp luật còn Quyết định 2977 là văn bản cá biệt, UBND tỉnh chỉ đạo việc cụ thể.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền cũng giải thích: “Nếu Quyết định 2977 trái với Quyết định 1942 theo nguyên tắc pháp luật là không đúng nhưng một văn bản, một chủ trương không thể điều chỉnh bằng một văn bản pháp luật mà phải điều chỉnh bằng nhiều văn bản pháp luật.
Ở đây, Quyết định 2977 căn cứ Nghị định 29 năm 2012, mà tại khoản 2, điều 5 Nghị định 29 nêu rõ cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp công lập hưởng toàn bộ ngân sách Nhà nước thì việc tuyển dụng công chức là do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp đó. Bởi thế, nếu thực hiện theo Quyết định 1942 thì trái với Nghị định 29. Sắp tới UBND tỉnh sẽ chỉ đạo giao Sở Tư pháp và Sở Nội vụ phải sửa Quyết định 1942 cho phù hợp với Nghị định 29, UBND tỉnh sai là phải sửa”.
Ông Quyền cũng nêu quan điểm: “Đúng ra khi văn bản phải là giao chủ tịch hội đồng tuyển viên chức cho các đơn vị thuộc, trực thuộc trừ trường hợp được Chủ tịch UBND tỉnh nhận định phù hợp với Nghị định 29”.
“Hướng chỉ đạo năm học 2018-2019, UBND tỉnh tiếp tục giao cho hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lam Sơn làm chủ tịch hội đồng tuyển dụng, giao giám đốc Sở GD&ĐT tiếp tục giám sát việc tuyển dụng, nếu cần thiết UBND tỉnh sẽ trực tiếp chỉ đạo..” – ông Quyền khẳng định.
Trước đó, như Dân trí đã thông tin, dù có Công văn của UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Nội vụ chỉ đạo thực hiện việc tuyển dụng giáo viên Trường THPT chuyên Lam Sơn trong đó hiệu trưởng là chủ tịch hội đồng xét tuyển, thế nhưng Sở GD&ĐT vẫn không chấp nhận ra quyết định phê duyệt. Lý do là Sở GD&ĐT đề nghị chủ tịch hội đồng phải là người đứng đầu Sở.
Đáng nói, dù việc xét tuyển giáo viên tại Trường THPT chuyên Lam Sơn năm học 2017-2018 được chính Giám đốc Sở GD&ĐT phê duyệt phương án, thành phần hội đồng trong đó chủ tịch là hiệu trưởng nhà trường đúng theo Quyết định 2977 của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Việc chưa có quyết định phê duyệt phương án của giám đốc Sở GD&ĐT khiến mọi quy trình tuyển dụng giáo viên tại Trường THPT chuyên Lam Sơn vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Bình Minh