Làng chài Cửa Vạn có cô giáo... Tây

(Dân trí) - Mẹ người Việt, bố người Trung, mang quốc tịch Pháp và có cái tên rất Việt Nam. Nguyễn Thị Thuỳ Linh năm nay vừa tròn 26 tuổi, là cô giáo ở làng chài Cửa Vạn, Hạ Long (Quảng Ninh).

Thuỳ Linh là sinh viên Trường Ngôn ngữ địa phương Pháp. Để quá trình thực tập môn học được tốt và phong phú hơn, lần này Linh chọn quê hương Việt Nam là nơi trau dồi kiến thức cho công việc của mình.

 

Tháng 6 năm 2006, Linh được văn phòng UNESCO tại Việt Nam nhận làm cán bộ trợ lý chương trình Văn hoá. Đến Việt Nam, “lãnh đạo” đưa ra hai phương án để Linh lựa chọn. Làm thông dịch viên ở văn phòng hoặc là vừa làm thông dịch vừa đi tìm hiểu văn hoá ở một số nơi của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

 

Trước gợi ý đó, Thuỳ Linh đã chọn Trung tâm văn hoá nổi Cửa Vạn, Hạ Long. Linh có mặt ở trung tâm văn hoá nổi Cửa Vạn sau một tháng trung tâm đưa vào hoạt động.

 

Nhiều đời nay, làng chài Cửa Vạn mù chữ. Mấy năm lại đây mới có lớp học. Những ngày đầu đến làng chài Cửa Vạn, Linh không bị lạc lõng, bất đồng ngôn ngữ mà trái lại Linh cho biết rất vui, được thực hành tiếng Việt thường xuyên bằng cách dạy học cho các em nhỏ ở đây.

 

Da đen như người châu Phi, các em ở đây “ngại” Linh. Linh chủ động làm quen rồi rủ các học sinh Nam, Thu, Nhị... bơi thuyền đi nhặt rác. Thời gian quen dần, thấy các em làm hướng dẫn viên du lịch tại Nhà văn hóa nổi Cửa Vạn không biết tiếng Anh là một bất lợi. Các em cũng chỉ được học từ lớp 1 đến 5, em nào muốn học lên thì phải vào bờ. Bố mẹ là thuyền chài nên không có điều kiện. Học tiếng Việt đã khó, học tiếng Anh có mà là giấc mơ...

 

Thuỳ Linh trở thành cô giáo tình nguyện vui vẻ và đầy hào hứng dạy tiếng Anh cho các em.

 

Hàng ngày, với mức đóng góp 7.000đ/ ngày, cô giáo Linh cùng ăn, cùng ở, cùng học và cùng làm với các học trò của mình. Hai bộ bàn ghế kê ở gian ngoài trung tâm làm chỗ nghỉ ngơi tạm thời cho du khách khi tới tham quan cũng là nơi mà cô trò ở trung tâm dùng làm lớp học.

 

Trừ những lúc có khách tới tham quan,  kể cả buổi tối Linh đều tranh thủ dạy các em theo phương pháp đơn giản nhất tiếp thu tiếng Anh. Linh áp dụng trực tiếp cách dạy gắn với công việc hướng dẫn viên của các nên kết quả thật khả quan. Từ chỗ chưa biết cách phát âm, chưa biết viết nhưng dưới sự hướng dẫn tận tình, qua 3 tháng học, các em đã biết viết, nghe và trả lời du khách nước ngoài đến tham quan trung tâm văn hoá nổi Cửa Vạn một cách trôi chảy.

 

Linh kể rằng đã từng đi làm tình nguyện ở nhiều nơi như Nam Mỹ, Ailen, các nước Á, Phi... nhưng ở Việt Nam và nhất là với làng chài Cửa Vạn này, em thấy thích. “Thiên nhiên trong lành, con người thật giản dị, chất phác và cởi mở. Đặc biệt là các em Nhị, Nam, Thu... (tên của các em hướng dẫn viên ở trung tâm) rất nhiệt tình. Mặc dù mới học qua tiểu học, thậm chí có em chưa học đến lớp 5, nhưng học tiếng Anh các em rất chăm” - Linh nói. 

 

“Em ước mình có nhiều thời gian hơn nữa để được làm thật nhiều việc giúp đỡ mọi người. Bởi vì dù đến với Việt Nam đã được sáu tháng nhưng tính ra thời gian em ở trung tâm chỉ được có ba tháng, ba tháng còn lại em về Hà Nội làm thông dịch viên” - Linh bùi ngùi tâm sự.

 

Chiều cuối năm nắng nhạt dần, mặt trời khuất sau dãy núi. Biển đen thẫm. Chia tay Nguyễn Thị Thuỳ Linh, chúng tôi không khỏi xúc động với những gì Thuỳ Linh đã làm. Công việc tưởng như đơn giản ấy nhưng đã góp phần bồi đắp thêm kiến thức cho những em hướng dẫn viên lành chài Cửa Vạn. Thuỳ Linh đã làm cầu nối du khách quốc tế với người làng dân làng chài Cửa Vạn, Hạ Long.

 

Ng. Ninh - Hồng Quỳ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm