Lần đầu tiên thành lập Trung tâm nghiên cứu liên ngành về khoa học sức khỏe
(Dân trí) - Ngày 13/12, Trung tâm nghiên cứu xuất sắc (TTNCXS) về khoa học sức khoẻ gồm 5 trung tâm liên ngành về Y học hành vi; Y học thực chứng; Trí tuệ nhân tạo trong y học; Dịch vụ và Hệ thống Y tế và TTNCXS về Kinh tế và Quản lý dược được thành lập.
Sáng 13/12, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức lễ công bố thành lập Trung tâm nghiên cứu xuất sắc về khoa học sức khỏe.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, TP HCM cho biết, mô hình Trung tâm nghiên cứu xuất sắc (Centre of Excellence) là một mô hình tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ đã được nhiều nước Anh, Úc, châu Âu, Hàn Quốc, Brazil… sử dụng trong thời gian gần đây. Ngay từ năm 2005, Việt Nam đã có ý định tiếp cận mô hình này với mục tiêu triển khai trong chiến lược khoa học công nghệ 2010 – 2020.
Lần đầu tiên Trung tâm nghiên cứu liên ngành về khoa học sức khỏe được thành lập, với sự tham gia trực tiếp của các nhà khoa học quốc tế. Giám đốc 5 trung tâm này là các nhà khoa học quốc tế có học hàm giáo sư, phó giáo sư, chuyên gia đầu ngành về nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực chuyên môn, có kinh nghiệm tại quốc gia phát triển nhất về nghiên cứu như Mỹ, Anh, Canada, Singapore…
Các giám đốc trung tâm sẽ thực hiện vai trò xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển trung tâm, tư vấn xây dựng và tổ chức giảng dạy các nội dung và chương trình đào tạo nghiên cứu, điều hành hoạt động nghiên cứu, tổ chức phát triển các đề án nghiên cứu xin tài trợ trong nước và quốc tế, đồng thời thúc đẩy, mở rộng kết nối giữa Trung tâm với cộng đồng khoa học quốc tế.
Đội ngũ cán bộ của Trung tâm là các chuyên gia, chuyên viên nghiên cứu có bằng cấp tại các trường đại học hàng đầu trong và ngoài nước cùng kinh nghiệm nghiên cứu thuần thục, thực hiện triển khai các công việc theo chỉ đạo của lãnh đạo trung tâm.việc phát triển mô hình TTNCXS nhằm thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học thông qua xây dựng và quốc tế hóa các chương trình đào tạo nghiên cứu phổ cập và chuyên sâu; đồng thời kết nối các nhà khoa học.
Theo PGS Hùng, đây sẽ là những hạt nhân trong việc phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học thông qua xây dựng và quốc tế hóa các chương trình đào tạo, nghiên cứu phổ cập chuyên sâu; mở rộng kết nối giữa trung tâm với cộng đồng khoa học quốc tế. cũng như hỗ trợ chuyển giao công nghệ, phục vụ đời sống. Việc thành lập 5 TTNCXS này là tiền đề cho sự phát triển của 10-20 trung tâm tầm nhìn 2025, tạo thành hệ sinh thái nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp
PGS-TS Roger Ho, Giám đốc lâm sàng Viện nghiên cứu Công nghệ y sinh toàn cầu ĐH quốc gia Singapore kiêm Giám đốc TTNCXS về Y học hành vi (ĐH Nguyễn Tất Thành) cho biết việc tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu khoa học đang trở thành một xu thế tất yếu và ngày càng được nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu trên thế giới cũng đặc biệt quan tâm, phát triển.
Hiện mô hình TTNCXS là một cách tiếp cận trong phát triển nghiên cứu khoa học ứng dụng đã được nhiều nước phát triển ưu tiên thúc đẩy trong thời gian gần đây, mang lại nhiều cơ hội học tập, tiếp cận với các nhà khoa học trên thế giới.
Tú Anh