Lạm thu đầu năm: Lỗi do phụ huynh không phản đối, răm rắp giơ tay đồng ý?
(Dân trí) - Bức xúc về lạm thu, lo lắng vì chuyện tiền bạc đóng học cho con, nhưng không mấy phụ huynh dám lên tiếng phản đối bởi không dám... "đánh cược" con cái.
Sợ con bị "đì"
Đó là tâm lý chung của hầu hết phụ huynh khi không dám lên tiếng về các khoản lạm thu của nhà trường. Dù không có bằng chứng chứng minh, phụ huynh vẫn râm ran chuyện học sinh có bị thầy cô giáo phân biệt đối xử hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào thái độ của cha mẹ.
Gần đây nhất, ông H. - phụ huynh Trường THPT Lạc Long Quân (Hà Nội) sau khi viết tin nhắn trong nhóm riêng trao đổi của cha mẹ học sinh lớp về các khoản thu đầu năm đã ngay lập tức nhận giấy mời họp vì bị cho là "làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường".
Sau đó, con ông H. bị yêu cầu nghỉ học từ hôm qua (4/10) do bố không lên làm việc theo yêu cầu của nhà trường.
Hay như một phụ huynh của lớp Một 2, Trường Tiểu học Hồng Hà (Bình Thạnh, TPHCM) - "điểm nóng" thu chi đầu năm học này - chia sẻ sau khi vị này lên tiếng phản đối thu chi bất hợp lý khoản quỹ phụ huynh 310 triệu đồng ngay lập tức nhận lại công kích từ những phụ huynh khác.
"Họ đặt điều đủ thứ chuyện cho tôi, gây áp lực bởi tôi không đồng ý với những người còn lại", người này chia sẻ.
Lật lại câu chuyện năm ngoái, buổi họp phụ huynh lớp 3/10, Trường Tiểu học An Hội (Gò Vấp, TPHCM) gây xôn xao dư luận khi thành viên ban cha mẹ học sinh chất vấn những người không đóng quỹ và cho rằng "khó khăn thì đừng theo lớp này".
Cụ thể, nội dung đoạn clip cho thấy, đại diện ban cha mẹ học sinh của lớp chủ động đề xuất tặng nhà trường số tiền hơn 10 triệu đồng cùng một máy lọc nước, sau đó yêu cầu các phụ huynh trong lớp cùng đóng góp.
Khi có người phản đối, vị này mời phụ huynh được cho là khó khăn nhất lớp đứng dậy, yêu cầu nói tên của mình, tên con và nhắc lại rằng "phụ huynh khó khăn thì đừng theo lớp này", gợi ý nên cho con chuyển sang lớp khác.
Chỉ một số câu chuyện thôi, đã thấy rằng, phụ huynh hoàn toàn có cơ sở khi không dám lên tiếng bởi họ sợ.
Trong môi trường giáo dục đang có hội chứng sợ đến từ nhiều phía.
Phụ huynh sợ thầy cô giáo "đì" con mình. Giáo viên chủ nhiệm sợ bị hiệu trưởng "trù" nếu không hoàn thành chỉ tiêu vận động xã hội hóa. Hiệu trưởng sợ áp lực thành tích, khen thưởng, sợ chỉ tiêu, mối quan hệ mua sắm do cấp trên giới thiệu xuống, hoặc bởi những từ "phần trăm", "hoa hồng"…
Sự im lặng, sự đồng ý miễn cưỡng, sự tự nguyện trên tinh thần bắt buộc của nhiều phụ huynh là "tấm bình phong" chắc chắn để nhiều trường học thoải mái đưa ra các mức thu dưới danh nghĩa hội phụ huynh.
Khi báo chí phản ánh vấn đề thu quỹ phụ huynh trái quy định tại Trường Tiểu học Hồng Hà đã xuất hiện ngay "bằng chứng" là bức ảnh phụ huynh lớp đồng lòng giơ tay biểu quyết.
"Khi được nói giơ tay biểu quyết, ai dám không giơ? Lớp tôi có 32 người thì chỉ duy nhất 1 phụ huynh nói rằng họ không đồng ý", phụ huynh lớp Một 2, Trường Tiểu học Hồng Hà chia sẻ.
Phụ huynh cần đồng lòng thể hiện tiếng nói, quan điểm
PGS.TS Trần Thành Nam - chuyên gia tâm lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - nhận định có hiện tượng các bố mẹ dù không đồng tình với những khoản thu nhưng không lên tiếng.
Ông cho rằng điều này xuất phát từ một quy luật của truyền thông là thiểu số im lặng. Mặc dù, họ biết có sự bất hợp lý, nhưng chưa kịp lên tiếng đã nghe thấy số đông ủng hộ ý tưởng trái với suy nghĩ của mình.
Do đó, họ tự động im lặng vì không muốn bị cô lập. Họ không muốn bị cho ra khỏi nhóm, bị "dán nhãn" như một phần tử phá rối, không đồng thuận.
Lý do khác quan trọng hơn là phụ huynh lo lắng những hậu quả, hệ quả đến cho con của mình.
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng đấy cũng là lý do rất nhiều người có tiền chọn cho con học trường tư để đóng một cục thay vì chịu những bức xúc này.
Để giải quyết vấn đề này, ông Nam cho rằng cơ quan chức năng, truyền thông cần giải thích cho bố mẹ hiểu và cổ vũ họ phải dũng cảm, sẵn sàng lên tiếng. Nếu ngại nói, cách khác là phụ huynh có thể viết ra ý kiến.
Ngoài ra, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan giám sát. Để xảy ra lạm thu, ngoài trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường còn cần xem tới trách nhiệm của cơ quan quản lý là các phòng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), sở GD&ĐT.
Những đơn vị này phải chịu trách nhiệm liên đới bởi quyền và trách nhiệm của họ là quản lý, giám sát nhưng lâu nay không tự phát hiện mà chỉ khi truyền thông, phụ huynh phản ánh mới vào cuộc xử lý.
"Cấp trên quản lý phải có trách nhiệm liên đới thì họ mới giám sát thực hiện cho đúng", PGS.TS Trần Thành Nam phân tích.
Góp ý về công tác quản lý, PGS Trần Thành Nam cũng cảnh báo lạm thu ngày càng biến tướng, năm sau tinh vi hơn năm trước do đó cơ quan quản lý phải có sự nghiên cứu và đưa ra văn bản quy định hợp lý để giải quyết vấn đề lạm thu.
PGS.TS Nam nói rằng cần tránh những phiền phức, hình thức, áp đặt tiêu chí đánh giá thi đua cho nhà trường. Hiện nay, một số nơi đánh giá hiệu trưởng bằng cách vận động nguồn lực hỗ trợ, xây dựng công trình mới, cải tạo lớp học...
Điều này dẫn đến không vận động được ngoại lực, lãnh đạo trường buộc phân chỉ tiêu cho giáo viên chủ nhiệm, phải huy động nội lực từ phụ huynh các lớp.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục cần có văn bản hướng dẫn xây dựng và phát triển nguồn lực quyên tặng, xã hội hóa một cách thiết thực hơn.
"Chúng ta không chỉ có văn bản cấm hay hướng dẫn một cách máy móc mà không có gợi ý phát triển việc xây dựng nguồn lực phù hợp. Có nhiều cách để phát triển nguồn lực như từ các nhà hảo tâm, từ cựu sinh viên hay phụ huynh có tấm lòng đóng góp, bán đấu giá sản phẩm sáng tạo của học sinh để tạo nguồn lực...", PGS.TS Trần Thanh Nam nói.
Song song đó, chuyên gia này cho rằng cần tăng tính xử phạt nghiêm minh, không phải làm sai trả lại là xong.
"Nói một cách nghiêm trọng về bản chất, lạm thu cũng không khác gì tham nhũng khi tiếp nhận, sử dụng một khoản tiền sai mục đích. Khi vi phạm dừng chi, trả tiền ngay là hành động xoa dịu dư luận, "né tội". Cần có chế tài để các trường nghiêm túc tiếp thu và không tái phạm như xử phạt nghiêm khắc, cắt giảm đầu tư...", PGS.TS Trần Thành Nam đề xuất.
Từ đó, PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh xây dựng văn hóa quyên tặng cho giáo dục, cho thế hệ tương lai của đất nước.
"Người Việt Nam chúng ta rất giàu lòng hảo tâm, khi có sự cố thiên tai, hỏa hoạn đã huy động được rất nhiều nguồn lực. Tuy nhiên, chúng ta chưa tạo dựng được văn hóa quyên tặng thường xuyên cho giáo dục để đào tạo, chăm lo cho con em mình", ông Nam nhận định.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, văn hóa quyên tặng nên được xây dựng thành sự chủ động, thường xuyên, lâu bền chứ không chỉ khi có sự cố.
Tuy nhiên, cách thức triển khai phải đảm bảo sự công bằng trong nhà trường. Không phải bố mẹ quyên tặng nhiều là con được đối xử đặc quyền, đặc lợi, được ưu tiên, còn không quyên tặng lại bị ghẻ lạnh.
Bên cạnh đó, tiêu chí bầu vào hội phụ huynh cần rõ ràng, minh bạch để chọn đúng người thể hiện ý chí của cha mẹ học sinh. Thực tế, nhiều ban đại diện phụ huynh được chỉ định sẵn từ trước, là những người có điều kiện kinh tế và sẵn sàng chi tiền đóng góp nên họ nghĩ ai cũng đủ điều kiện như mình.
PGS.TS Trần Thành Nam chỉ ra thực trạng không ít người trong ban đại diện cha mẹ học sinh nhưng không đọc và thực hiện quy định tại Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT. Họ sẵn sàng trở thành "cánh tay nối dài" để lạm thu.
Ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng Nhân dân TPHCM - khẳng định để xảy ra lạm thu, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục rất lớn.
Ngoài ra, ông Bình nhấn mạnh, cần có sự mạnh mẽ lên tiếng của phụ huynh học sinh, không nên để "ngọn lửa" lạm thu âm ỉ cháy mãi.
"Phụ huynh cần thể hiện rõ quan điểm, chính kiến của mình về các khoản thu chi đầu năm, góp ý thẳng thắn với ban đại diện cha mẹ học sinh, giáo viên chủ nhiệm, nhà trường để giải quyết những bức xúc này", Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng Nhân dân TPHCM Cao Thanh Bình cho hay.