DNews

Đại biểu Quốc hội: "Lạm thu riết mà chưa thấy hiệu trưởng nào bị cách chức"

Huyên Nguyễn Nguyễn Vy Huy Hậu

(Dân trí) - Tình trạng lạm thu ngày càng trở nên tinh vi hơn. Số tiền lạm thu năm sau cao hơn năm trước cho thấy xử phạt chưa đủ sự răn đe. Hầu hết vẫn dừng ở nhắc nhở, phê bình và trả tiền là... xong chuyện.

Đại biểu Quốc hội: "Lạm thu riết mà chưa thấy hiệu trưởng nào bị cách chức"

Lạm thu ngày càng tinh vi, năm sau thu cao hơn năm trước  

Lạm thu đầu năm học - câu chuyện đến hẹn lại lên trong ngành giáo dục. Dù năm nào, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh tuyệt đối không để xảy ra lạm thu, nhưng trên bảo... dưới không nghe.

Gần đây nhất, vụ việc lớp Một 2, Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TPHCM) để xảy ra tình trạng thu chi sai quy định khi khoản quỹ phụ huynh tới hơn 310 triệu đồng, trung bình 10 triệu đồng/học sinh gây bức xúc dư luận.

Còn nhớ, năm học trước, cũng tại TPHCM, bảng dự tính thu chi hỗ trợ hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 9/12 và lớp 9/10, Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) là hơn 270 triệu đồng và 165 triệu đồng. Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 1/3, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận 7) xây dựng kế hoạch chi tới 130 triệu đồng.

Bắt đầu năm học mới 2023-2024 được khoảng một tháng, hàng loạt trường học ở khắp các tỉnh thành đã bị nêu tên vì để xảy ra tình trạng lạm thu. Đáng nói, số tiền ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước dù Bộ GD&ĐT đã "bày binh bố trận" với đủ mọi loại quy định, hướng dẫn, văn bản nhắc nhở.

Là người công tác trong ngành giáo dục lâu năm, thầy giáo Nguyễn Văn Lực - giáo viên Trường THCS Trịnh Phong (Khánh Hòa) - nhận định vấn đề lạm thu đã gây bức xúc không nhỏ trong phụ huynh.

"Nhiều trường lạm dụng hai từ "tự nguyện", "núp bóng" hội phụ huynh để thu các khoản không đúng quy định. Việc này xảy ra liên tục, hết năm này đến năm khác khiến phụ huynh bức xúc, xã hội mất niềm tin", ông Lực nói.

Từ đó, thầy giáo đề xuất bỏ thành lập quỹ hội phụ huynh, Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ quan tâm kết nối nhà trường, hỗ trợ nhà trường giáo dục học sinh.

Đại biểu Quốc hội: Lạm thu riết mà chưa thấy hiệu trưởng nào bị cách chức - 1
Xảy ra lạm thu, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm cao nhất. Nếu việc thu chi không rõ ràng, công khai minh bạch, hiệu trưởng bị xử lý nghiêm minh mới chấm dứt được nạn lạm thu.
Ông Nguyễn Văn Lực Giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, tỉnh Khánh Hòa

Ông cũng thẳng thắn chỉ ra rằng hình thức lạm thu ngày càng tinh vi, một số trường làm hồ sơ để đối phó với đoàn kiểm tra, còn thực tế làm khác, nặng về hoa hồng, liên kết với Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu.

"Khi bị kiểm tra, lãnh đạo nhà trường, giáo viên sẽ "đẩy" trách nhiệm về Ban đại diện cha mẹ học sinh", ông Lực nêu.

Không phải cứ trả tiền là "phủi" hết trách nhiệm

Dẫu lạm thu ngày càng tăng về mức độ, song, mỗi khi phụ huynh phản ứng, truyền thông đưa tin thì hình thức xử lý vẫn là mô-túyp cũ của vài chục năm qua: Trường tự báo cáo, giải trình, dừng thu chi, trả lại tiền cho phụ huynh, nhắc nhở, phê bình quán triệt….

Hình thức này được xã hội đánh giá là tiếp tục đi vào lối mòn, chưa thể hiện đúng tinh thần quyết tâm của ngành giáo dục: "Tuyệt đối không để xảy ra lạm thu".

Ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng Nhân dân TPHCM - nhấn mạnh để xảy ra lạm thu, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục rất lớn.

"Hiệu trưởng phải chấp hành đúng Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT và Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, Nghị quyết 04/2023/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân TPHCM cũng như các văn bản của sở GD&ĐT về thu chi đầu năm", ông Bình nói.

Đại biểu Quốc hội: Lạm thu riết mà chưa thấy hiệu trưởng nào bị cách chức - 2

Đến hẹn lại thu, năm nào phụ huynh cũng phải đóng góp các khoản mang tên điều hòa, máy chiếu, sửa bàn ghế, rèm cửa... (Ảnh: PHCC).

Theo ông Cao Thanh Bình, thời gian qua ngành GD&ĐT TPHCM đã tăng cường các văn bản hướng dẫn và kiểm tra giám sát tình hình thu chi. So với các năm trước, năm nay đã có tiến bộ hơn.

Song, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội thông tin vẫn còn một vài trường làm sai quy định. Sở GD&ĐT đang rà soát tất cả các trường trên toàn địa bàn thành phố để có thể chấn chỉnh lại.

Ở góc nhìn tổng thể, ông Phạm Văn Hòa - Đại biểu Quốc hội khóa XV (đoàn Đồng Tháp) - bày tỏ bức xúc khi câu chuyện lạm thu đã trở thành vấn đề muôn thuở, chưa có hồi kết vào mỗi đầu năm học.

Ông cho hay, cứ vào tháng 9 hằng năm, phụ huynh khắp nơi lại bất bình khi cô giáo chủ nhiệm, hiệu trưởng gợi ý đủ chiêu trò, đủ cách thức để thu thêm phí dịch vụ.

Vị Đại biểu Quốc hội gọi lạm thu là một vấn nạn. Ông miêu tả trường nông thôn thu kiểu nông thôn, trường đô thị thu kiểu thành thị, trường chuyên, lớp chọn hay lớp bình thường cũng đều có cách thu tương ứng.

Đại biểu Quốc hội: Lạm thu riết mà chưa thấy hiệu trưởng nào bị cách chức - 3
Tại sao lại để xảy ra như thế, trách nhiệm lớn lao thuộc về Bộ GD&ĐT. Câu chuyện này đã diễn ra triền miên nhiều năm, từ đời Bộ trưởng này sang Bộ trưởng khác vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt mà ngày càng nghiêm trọng. Ngành giáo dục dù có quan tâm nhưng chưa quyết liệt, thậm chí chưa có xử lý nghiêm khắc... nên mới có tình trạng tái diễn.
Ông Phạm Văn Hòa Đại biểu Quốc hội khóa XV

Ông Phạm Văn Hòa trăn trở khi tình trạng giáo dục ngày càng có biểu hiện biến tướng.

"Có cảm giác như học vấn hiện nay là kinh tế thị trường, là dịch vụ? Nghề giáo vốn được xem là nghề cao quý nhất nhưng lại vướng phải tiền nong, lạm thu triền miên vậy thì liệu còn xứng đáng?", ông đặt vấn đề

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa chỉ ra nguyên nhân việc lạm thu luôn tái diễn do quá trình xử lý sai phạm không mạnh mẽ, chỉ nhắc nhở, khiến "nhờn luật". 

"Lạm thu riết mà tôi chưa thấy hiệu trưởng nào bị cách chức. Liệu rằng các cấp quản lý có đang làm ngơ về vấn đề này?", ông Hòa nói.

Luật sư Trương Văn Tuấn - Đoàn Luật sư TPHCM - nhấn mạnh cần "mạnh tay" hơn trong xử lý vi phạm của người đứng đầu nếu để xảy ra lạm thu.

Bộ GD&ĐT đã có quy định liên quan về những khoản nhà trường được thu, đồng thời tại mỗi địa phương cũng ban hành kế hoạch riêng. Do đó, trách nhiệm chính trong việc để xảy ra tình trạng lạm thu sẽ thuộc về nhà trường.

Theo luật sư Tuấn, mặc dù quy định xử lý đã có (có thể xử phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự) nhưng hầu như chưa được áp dụng. Đa số hiệu trưởng chỉ bị phê bình, nhắc nhở, yêu cầu trả lại tiền khi để xảy ra lạm thu là xong.

Đại biểu Quốc hội: Lạm thu riết mà chưa thấy hiệu trưởng nào bị cách chức - 4
Đại biểu Quốc hội: Lạm thu riết mà chưa thấy hiệu trưởng nào bị cách chức - 5
Đại biểu Quốc hội: Lạm thu riết mà chưa thấy hiệu trưởng nào bị cách chức - 6

Phụ huynh lớp Một 2, Trường Tiểu học Hồng Hà (TPHCM) tới họp và nhận lại tiền chi sai quy định vào tối ngày 28/9 (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Để tránh tình trạng lạm thu tiếp tục tiếp diễn, luật sư Tuấn đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cần tăng mức xử phạt để đủ sức răn đe. Đồng thời, cần xem xét đến trách nhiệm của cơ quan quản lý là các phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT, UBND các địa phương...

Song song đó, ngành giáo dục cần xây dựng kênh phản hồi công khai để nếu xảy ra tình trạng lạm thu ở trường nào, cấp nào, phụ huynh, giáo viên có thể phản ánh trực tiếp kèm theo bằng chứng.

Đồng thời, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các khoản được thu, không được thu với từng cấp học để phụ huynh nắm rõ.