Bạn đọc viết:

Làm thế nào để hạn chế học sinh vi phạm luật Giao thông?

(Dân trí) - Có thể khẳng định rằng tất cả học sinh phổ thông hiện nay đều biết khi đi học bằng xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm hoặc đi học bằng xe máy phân khối lớn không có giấy phép lái xe… là vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT) và cũng biết khi vi phạm như thế có thể bị nhà trường xếp loại yếu về hạnh kiểm.

Dù biết thế, nhưng vẫn còn có một bộ phận học sinh chấp hành không nghiêm các quy định của pháp luật về ATGT; thế nên mới đây Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành quy định xử lý kỷ luật học sinh vi phạm về ATGT.

Thật ra từ năm 2011 Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 58/2011/TTBGDĐT ngày 12/12/2011, Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông, theo đó hạnh kiểm của học sinh được xếp loại tốt khi: “Thực hiện nghiêm túc nội quy nhà trường; chấp hành tốt luật pháp, quy định về trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông…” và khi vi phạm về ATG thì: “Hạnh kiểm xếp loại yếu”.

Để hạn chế được vi phạm về ATGT của học sinh, theo tôi hiệu trưởng nhà trường là người có trách nhiệm lớn nhất song song với trách nhiệm từ phía gia đình của các em. Hiện nay thực trạng ở các trường phổ thông cho thấy:

Có hiệu trưởng cho rằng việc kiểm tra, xử phạt học sinh vi phạm về ATGT là trách nhiệm của cảnh sát giao thông (CSGT), nhà trường chỉ có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục cho học sinh ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT và chỉ xử lý kỷ luật học sinh khi có chứng cứ pháp lý, đó là quyết định xử phạt của CSGT được thông báo đến trường. Thế nên học sinh đi học bằng xe máy phân khối lớn không có giấy phép lái xe hoặc không đội mũ bảo hiểm chỉ bị CSGT xử phạt khi lưu thông trên đường và một khi đã vào trường thì coi như an toàn vì không có ai kiểm tra; nếu hiệu trưởng trường học nào đó chỉ đạo tổ chức kiểm tra nghiêm ngặt thì học sinh sẽ gửi xe bên ngoài trường; mặc khác nhà trường chỉ kiểm tra học sinh về ATGT khi có chỉ đạo của cấp trên ở các đợt cao điểm.

Việc tuyên truyền, giáo dục về ATGT cho học sinh, hiệu trưởng giao trách nhiệm cho tổ chức Đoàn thực hiện; nếu có học sinh vi phạm về ATGT, hiệu trưởng giao trách nhiệm cho giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở, viết kiểm điểm, trừ điểm hạnh vi đạo đức và mời phụ huynh học sinh đến trường để trao đổi, cam kết giáo dục con.

Có hiệu trưởng tình cảm, nể nang khi xử lý kỷ luật học sinh vi phạm về ATGT có thể cho qua hoặc xử lý với hình thức nhẹ nhàng so với lỗi vi phạm đối với những học sinh thuộc đối tượng quen biết hoặc được gửi gắm.

Trong trường học lại có giáo viên không gương mẫu chấp hành pháp luật về ATGT, có người bị CSGT xử phạt về lỗi vi phạm ATGT nhưng thông thường ít khi bị xử phạt.

Mặc khác, có nơi CSGT thương học trò nên ít lập biên bản vi phạm, ít thông báo tình hình học sinh vi phạm về ATGT cho các cơ sở trường học biết để kịp thời xử lý kỷ luật.

Từ thực trạng trên, cho nên trong các cơ sở trường học hiện nay còn một bộ phận không nhỏ học sinh chấp hành không nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự ATGT, dẫn đến có nơi học sinh phải nghỉ học một thời gian vì thương tích nghiêm trọng, cũng có học sinh tử vong do vi phạm về ATGT.

Vì vậy, để hạn chế học sinh vi phạm về ATGT, tôi cho rằng:

- Sở GD&ĐT trong cả nước cần ban hành quy định xử lý kỷ luật học sinh vi phạm về ATGT như Sở GD&ĐT Hà Nội để các trường học có thêm cơ sở pháp lý và đồng bộ trong việc xử lý hành vi vi phạm về ATGT của học sinh.

- Sở GD&ĐT không công nhận danh hiệu thi đua tập thể và cá nhân hiệu trưởng các cơ sở trường học trong năm học có nhiều học sinh vi phạm ATGT nghiệm trọng.

- Nhà trường cần quán triệt quy định về xử lý kỷ luật của ngành GD&ĐT cho tất cả cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh; giáo dục và xử lý nghiêm những học sinh vi phạm về ATGT bởi đã có thêm văn bản pháp lý để thực hiện; không xét danh hiệu thi đua trong năm học đối với giáo viên bị CSGT lập biên bản xử phạt về ATGT.

- CSGT ở địa phương cần thường xuyên thông báo tình hình học sinh vi phạm về ATGT đến cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở trường học.

Nếu như mỗi cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan Nhà nước, thầy cô giáo trong các trường học mà bản thân và con em đều chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATGT; tất cả phụ huynh học sinh đều đồng thuận khi được nhà trường quán triệt quy định về xử lý kỷ luật học sinh vi phạm về ATGT của ngành GD&ĐT; nhà trường có kế hoạch tuyền truyền giáo dục, tổ chức kiểm tra thường xuyên và xử lý kỷ luật học sinh vi phạm về ATGT được công tâm và đúng với quy định; nhà trường có quy chế phối hợp với ngành công an trong việc tuyên truyền pháp luật và kiểm tra vi phạm về ATGT của học sinh, tôi tin rằng hành vi vi phạm pháp luật về ATGT của học sinh nhất định sẽ được hạn chế, góp phần cùng với xã hội kéo giảm được tai nạn giao thông.

Trần Vũ

(Tây Ninh)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm