Đình chỉ học với học sinh tái phạm luật giao thông: Phụ huynh lo ngại
(Dân trí) - Quy định tạm đình chỉ học tập 1 tuần nếu học sinh nhiều lần tái phạm luật an toàn giao thông do Sở GD&ĐT Hà Nội vừa ban hành khiến nhiều bậc phụ huynh tranh cãi.
Bắt lao động công ích là đủ?
Theo quy định của Sở GD&ĐT, đối với HS-SV, vi phạm luật an toàn giao thông lần 1: Hạ một bậc hạnh kiểm trong tháng mắc lỗi, phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết.
Đã biết lỗi nhưng vẫn vi phạm lần 2 sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm của học kì, trả về gia đình 3 ngày để tự kiểm điểm; thông báo tới địa phương cư trú.
Nếu đã được giáo dục vẫn tái phạm nhiều lần, học sinh sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buổi thôi học 1 tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe.
Quy định trên đã đưa đến nhiều luồng ý kiến tranh cãi khác nhau. Một số phụ huynh cho rằng, lứa tuổi học sinh còn nhỏ (nhất là tiểu học), cần có biện pháp giáo dục, răn đe. Nếu phạt quá nặng hoặc quá nghiêm khắc, sẽ khiến các em xấu hổ, mặc cảm với bè bạn.
Chị Lê Hạnh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, việc chấp hành hay không là do ở ý thức. Đội mũ bảo hiểm để bảo vệ mình. Càng ép buộc, nhiều người càng có khuynh hướng làm ngược lại.
Độc giả Hoàng Việt, một phụ huynh đang có con theo học tại Hà Nội phân tích, quy định buộc thôi học một tuần khiến tôi thấy lo ngại bởi không biết như thế các con có theo kịp các bạn không?
“Các con ở nhà liệu có thuộc luật không, hay với tinh thần của học sinh bây giờ, cứ hễ được nghỉ học là thích? Rồi các con lại lao vào chơi bời lêu lổng và dễ sinh chuyện”, anh Việt chia sẻ.
Một phụ huynh cũng tỏ ra thắc mắc lo lắng, một quyết định tích cực nhưng mình nghĩ cách thực hiện đang khá nóng vội, áp đặt và thiên về thành tích. Hiện chúng ta đang mở cuộc vận động khuyến khích học sinh đi học. Tôi sợ quy định này sẽ khiến các em nản hơn.
Theo tôi, chỉ nên phạt các con lao động công ích tại trường. Hoặc với học sinh vi phạm, cảnh sát giao thông tịch thu phương tiện, báo với nhà trường. Nhà trường sẽ mời cha mẹ học sinh đến phạt tiền và cam kết để lấy lại phương tiện là các con đã đủ sợ.
Bạn đọc Nguyễn Anh Đức cho rằng, vi phạm luật giao thông thì luật giao thông điều chỉnh, căn cứ vào đâu để nhà trường đình chỉ học tập. Tôi nghĩ nên bắt các em lao động công ích là đủ.
Không giáo dục, hỏng cả thế hệ
Đấy là ý kiến chia sẻ của một độc giả tại TP Hồ Chí Minh. “Tôi tán thành quy định này. Tôi ở TP Hồ Chí Minh, mỗi lúc tan trường thấy học sinh chở 3 không đội mũ bảo hiểm nhiều lắm. Các em sợ hư tóc, sợ là người nghiêm túc, thích thể hiện mình và coi thường pháp luật. Nếu không giáo dục trong trường thì hỏng cả một thế hệ”, độc giả này cho biết.
Bạn đọc Thiên An (TP Huế) cũng nhận xét, học sinh bây giờ mà không quy định gắt gao thì còn lâu mới chấp hành. Mỗi lúc tan trường, hàng trăm em đều đầu trần, lao xe máy, xe điện vun vút trên đường. Không những thế, các em còn kẹp 3, kẹp 4 mà ớn.
“Tôi hoan nghênh chủ trương này và ủng hộ phong trào thi đua an toàn giao thông của Sở GD&ĐT Hà Nội. Cũng giống quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, chúng ta thấy trước đây cứ đọc mãi trên phương tiện thông tin đại chúng nhưng kết quả không cao. Từ khi các cơ quan, ban ngành để cam kết trong đơn vị mình đều thi đua không hút thuốc lá, tôi thấy có kết quả hẳn.
Với tình trạng học sinh vi phạm luật an toàn giao thông cũng vậy, nếu nhà trường và ngành giáo dục không phối hợp từ chính đơn vị mình, sẽ khó giáo dục”, chị Thiên An nói.
Cùng chia sẻ về quy định này, một phụ huynh cho rằng, đối với học sinh tiểu học, các cháu không đủ khả năng nhận thức sự nghiêm trọng của vấn đề cũng như không tự làm chủ được việc tuân thủ luật giao thông, cái đó là do người lớn, sao có thể áp dụng hình phạt với các cháu? Điều này sẽ khiến các cháu xấu hổ với bạn bè, mặc cảm...
Ở đây, tôi nghĩ phạt là đúng nhưng nên phối hợp với gia đình giáo dục răn đe con em thì hợp lý hơn. Hoặc cũng có thể phạt bố mẹ các cháu, đồng thời khuyên răn nhắn nhủ các cháu về tầm quan trọng của an toàn giao thông, khi các cháu chứng kiến bố mẹ bị phạt sẽ hình thành dần ý thức phải tuân thủ luật giao thông.
M. Hà