Làm sao để bớt học vẹt và tăng tính sáng tạo?

Chịu nhiều áp lực thi cử và căn bệnh thành tích, nền giáo dục phổ thông của ta đang mang nặng phong cách dạy và học vẹt, học mà không hiểu, thiếu tính sáng tạo…

Học để thi. Dạy để thi đua có thành tích tốt nhất. Việc giảng dạy hiện nay ở các trường phổ thông chủ yếu là truyền thụ các kiến thức, luyện các kỹ năng làm bài kiểm tra và bài thi. Các thầy cô ít để ý đến việc thông qua dạy kiến thức để dạy học sinh cách suy luận khoa học; rèn luyện tư duy độc lập, sáng tạo cho học sinh; ít khuyến khích các tìm tòi, khám phá; ít dạy cho HS cách suy nghĩ, cách giải quyết các vấn đề một cách thông minh, độc lập và sáng tạo.

 

Tất nhiên, đã học là phải thi, nhưng cách thi của ta hiện nay còn nhiều lạc hậu nên mới dẫn đến chuyện dạy và học mang tính đối phó. Bên cạnh vấn đề thi cử thì nội dung chương trình, sau nhiều lần cải tiến, xem ra vẫn quá nặng nề, ôm đồm tạo khó khăn cho việc dạy và học một cách khoa học. Vậy chúng ta phải thay đổi theo hướng nào?

 

1. Cần phải tinh giản mạnh mẽ chương trình học ở bậc phổ thông. Nên quan niệm sách giáo khoa chỉ là một tài liệu hỗ trợ cho giáo viên; cần để cho giáo viên có khoảng không gian sáng tạo trong nghề nghiệp. Do đó cần có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau; nhờ thế giáo viên mới có điều kiện tham khảo, so sánh, chọn lọc để từ đó thiết lập nên bài giảng của riêng mình.

 

Sự thống nhất là do việc xây dựng chương trình một cách chặt chẽ rồi công bố rộng rãi cho mọi người biết để thực hiện và quan trọng nhất là cơ quan quản lý giáo dục có được công cụ kiểm tra, đánh giá chuẩn xác phù hợp với chương trình đã công bố.

 

2. Cần cải tiến mạnh mẽ phương thức kiểm tra và thi cử. Tích cực chuẩn bị dùng trắc nghiệm khách quan một cách phổ biến, thay đổi nội dung các câu hỏi. Trong các kỳ thi hiện nay thường xuyên dùng lại các câu hỏi mẫu, năm nào cũng ra như vậy tạo tư tưởng học tủ cho HS.

 

Việc HS học tủ là kết quả của việc nhiều giáo viên áp dụng phương thức truy bài quá gay gắt. Muốn thay đổi phương thức dạy và học theo hướng tích cực thì trước tiên và nhất thiết phải thay đổi nội dung và phương thức kiểm tra và thi cử theo hướng tích cực, vì thi thay đổi sẽ kéo theo việc dạy và học thay đổi theo. Chúng ta chỉ mải kêu gọi phải thay đổi phương pháp giảng dạy trong khi vẫn duy trì nội dung và cách thi cử lạc hậu.

 

3. Cần thay đổi cách đánh giá hoạt động dạy học của giáo viên. Hiện nay chúng ta dựa quá nhiều vào kết quả điểm số thi cử của học sinh để đánh giá, xếp loại thi đua khen thưởng giáo viên. Đây là cách đánh giá phiến diện, không chính xác và ít mang tính tích cực.

 

TS Nguyễn Cam

Giám đốc Trung tâm Công nghệ dạy học

Viện Nghiên cứu giáo dục

 ĐH Sư phạm TPHCM

(Theo Thanh niên)