Kỳ tích của thí sinh viết bài thi bằng chân
(Dân trí) - “Số phận đã lấy đi của em đôi bàn tay nhưng lại tặng cho em một đôi bàn chân kỳ diệu và cái đầu biết tư duy. Chỉ với chừng đó thôi em sẽ cố gắng để vững tiến bước trên đường đời...”, đó là lời tâm sự đầy chí khí của Nguyễn Minh Phú.
Bất hạnh đầu đời
Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, nhưng bất hạnh do di chứng của chiến tranh vẫn còn để lại biết bao đau thương cho nhiều người. Và gia đình ông Nguyễn Quỳnh Lộc (SN 1954) và bà Nguyễn Thị Bình (SN 1956) đã phải chịu nỗi đau da cam khi lần lượt 4 đứa con chào đời thì 3 đứa mắc bệnh này.
Năm 1972, chàng thanh niên trai trẻ Nguyễn Quỳnh Lộc lên đường tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Đến năm 1975, anh nhận nhiệm vụ quốc tế cao cả tại chiến trường K. Năm 1985, anh trở về quê hương với nhiều thương tật trên mình. Năm 1987, anh lấy vợ chị Nguyễn Thị Bình. Năm 1988-1990 vợ chồng anh vui mừng khôn xiết khi sinh được hai người con kháu khỉnh (một trai, một gái) chào đời trong sự sung sướng của anh em, họ hàng và láng giềng.
Niềm vui chưa trọn vẹn thì anh phát hiện trong mình mang di chứng của chất độc da cam những năm tháng ở chiến trường đã ngấm vào thân thể. Lúc đầu anh cũng không dám tin điều đó là sự thật và vẫn nuôi hy vọng trong sự thấp thỏm, lo âu. Nhưng rồi hy vọng bao nhiêu thì thất vọng hiện lên trong anh bấy nhiêu khi đứa con thứ ba Nguyễn Minh Phú chào đời với thân hình dị dạng. Anh lo lắng và tuyệt vọng. Năm 1993, cậu bé Nguyễn Minh Phú chào đời chỉ nặng 1,5kg và oái oăm hơn cháu không có ... hai tay như bao đứa trẻ khác.
Anh nhìn con thân thể “thiếu thốn” mà lòng quặn thắt, trái tim như rỉ máu rồi tự hỏi: Mình sống có nên nỗi đâu mà ông trời lại nỡ bắt đứa con mang dị tật thế này? Biết cái khốn, cái khổ và thất vọng của gia đình anh, nhân viên y tế khuyên gia đình anh không nên để lại cháu bé trong hoàn cảnh như vậy. Anh tâm sự: “Ngày đưa vợ đến trạm y tế sinh, khi các bác sỹ đỡ đẻ phát hiện Phú bị dị tật (không có hai tay) và khuyên tôi bỏ cháu đi. Nhưng tôi đã gạt đi tất cả mọi lời đám tiếu vì dù cháu có sao đi nữa thì cũng là một phần thân thể, máu ruột của mình. Cháu không lành lặn nhưng cháu có quyền được sống...”. Nước mắt người cha lại trào ra khi anh nhớ lại rồi chợt nước mắt rơi.
Và từ đây cũng là giai đoạn anh chị bắt đầu bước vào một “cuộc chiến” mới không kém phần khốc liệt - cuộc chiến đói nghèo, bệnh tật của bản thân và của các con. Rồi thời gian trôi qua, hình như ông trời cũng đã thấu hiểu nỗi khổ của anh chị phải chịu đựng. Cậu bé Phú với hình hài không trọn vẹn ấy cứ lớn dần lên trong vòng tay yêu thương của bố mẹ, anh chị và bà con lối xóm...
Chuyện "cổ tích" viết từ đôi chân
Trời không cho Nguyễn Minh Phú đôi cánh tay nhưng cho em nghị lực và ý chí để rồi ngày hôm nay chiến thắng số phận và làm nên những điều kỳ tích.
Tâm sự với PV Dân trí, ông Nguyễn Quỳnh Lộc bảo: “Thời trẻ thơ của Phú đầy cơ hàn, sinh ra đã khuyết tật gia đình chạy đôn chạy đáo, làm bất cứ việc gì để mong sao cháu được bình an. Năm lên 4 tuổi nhìn những đứa trẻ hàng xóm bi ba, bi bô tập hát những bài hát trẻ thơ Phú đứng nhìn và đòi bố mẹ đưa đi học. Nhưng nghĩ đến số phận của con, tôi không dám đem cháu đến lớp, nhưng cứ hễ lúc nào vắng bóng bố mẹ là Phú lại đi đến nhà mẫu giáo xem các bạn cùng trang lứa học hát học múa. Những lúc thấy con đứng nhìn bọn trẻ hát trong trường mẫu giáo người làm cha, làm mẹ như chúng tôi chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Thương con mà không thể làm thế nào khác được”.
Người ta vẫn thường nói “giàu đôi con mắt, khó đôi bàn tay” nhưng với Phú thì khác. Sinh ra với hai cánh tay cụt ngủn đến tận bả vai nhưng với đôi bàn chân nhỏ bé của mình Phú đã viết nên một câu chuyện cổ tích. Đôi chân em với những ngón dài dài khẳng khiu, khéo léo nhưng ẩn chứa sức mạnh - sức mạnh từ khát vọng khẳng định bản thân của một chàng trai tật nguyền. Từ đánh răng, rửa mặt, ăn uống cho đến xâu kim, may vá quần áo, gõ bàn phím máy tính, nhắn tin trên điện thoại di động... đều được đôi bàn chân của Phú thao tác rất thành thục.
Chân trái “cầm” kim, chân phải “cầm” chỉ, với động tác cúi người, hai bàn chân tiến lại gần nhau, trong chốc lát sợi chỉ đã được xâu vào chiếc kim bé tẹo. Giữ chặt kim, kéo sợi chỉ cho cân, ghé miệng cắn đứt chỉ thừa, hai ngón phải vê vê đầu chỉ và gút lại rồi khâu những đường chỉ ngay hàng thẳng lối. Cũng hai ngón chân ấy xoay xoay cái nắp hộp kem đánh răng, lấy kem ra bàn chải, chân phải gác lên chân trái và đánh răng một cách thuần thục. “Mọi sinh hoạt cá nhân em đều có thể làm được, trừ việc mặc quần áo thôi. Không thể dùng chân mà mặc quần được, mẹ vẫn phải làm giúp đấy. Em phải chuốt móng chân thế này để có thể “nhặt” và giữ được những vật nhỏ nhất” - Phú tâm sự.
Một bức tranh về từ chân của Phú