Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024: "Không có chuyện lộ lọt đề thi ngữ văn"
(Dân trí) - Tại buổi họp báo kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 chiều 28/7, trước câu hỏi về nghi vấn lộ lọt đề ngữ văn, đại diện Bộ GD&ĐT một lần nữa khẳng định không có chuyện này.
Chiều 28/7, Bộ GD&ĐT đã tổ chức buổi họp báo về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.
"Nghiêm túc, đúng quy chế, rất chu đáo và an toàn"
Ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - tổng kết lại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024: "Nghiêm túc, đúng quy chế, rất chu đáo và an toàn".
Trước khi kỳ thi diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành 1 công điện và 1 chỉ thị cho thấy Chính phủ rất quan tâm tới kỳ thi THPT 2024.
12 đoàn của bộ đi kiểm tra tất cả các vùng miền trong cả nước cùng các đoàn kiểm tra chuyên sâu cũng đã tiến hành kiểm tra trước và trong kỳ thi.
Trong kỳ thi, môn ngữ văn có nhiều thí sinh đăng ký nhất, tiếp đó là môn toán. Tỷ lệ thực thi so với tỷ lệ đăng ký dự thi ở phần lớn các môn đều đạt hơn 99%. Riêng bài thi tổ hợp khoa học xã hội đạt trên 95%.
Số thí sinh vi phạm quy chế là 30, gồm 1 thí sinh bị cảnh cáo và 29 thí sinh bị đình chỉ. Năm 2023 con số này là 41.
Số cán bộ vi phạm là 0 trong số 200.000 cán bộ và đối tượng tham gia tổ chức kỳ thi.
"Không có chuyện lộ lọt đề thi ngữ văn"
Trước câu hỏi về nghi vấn lộ đề thi, Bộ đã báo cáo nhanh nhưng chỉ là báo cáo từ Hội đồng đề, Bộ có phối hợp với Bộ Công an để xác minh cụ thể hơn không, ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT - khẳng định: "Đề thi môn văn không có lộ lọt. Nếu lộ lọt phải trùng cả đoạn nhưng ở đây không có".
Liên quan về vấn đề này, Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an, cho biết về thông tin thất thiệt lộ đề thi văn vào tối 26/6, trên cơ sở báo cáo của Bộ GD&ĐT, Bộ Công an đã rà soát tìm ra đối tượng tung tin thất thiệt đề thi lộ và nam sinh này đã thừa nhận mình tự dựng clip, đồng thời cam kết không tái phạm.
"Trong thời gian tới, nếu tiếp tục phát hiện thêm thông tin gì, Bộ Công an sẽ tiếp tục điều tra, rà soát", Thiếu tướng Trần Đình Chung nói.
Ngoài ra, Thiếu tướng Trần Đình Chung thông tin về công tác chỉ đạo, theo quy chế phối hợp của Bộ Công an và Bộ GD&ĐT, Bộ đã xử lý các trường hợp vi phạm quy chế thi chủ yếu mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi.
Mặc dù năm nay Bộ Công an đã tập huấn để các cán bộ làm thi nhận biết các thiết bị gian lận thi cử nhưng qua những ngày thi, chưa phát hiện thấy thí sinh gian lận thi bằng thiết bị công nghệ cao.
Liên quan tới mã đề thi 119 môn toán bị hàng chục lỗi ở Đắk Đắk, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, ban chỉ đạo đã nắm được thông tin và đã giao cho ban chỉ đạo thi tỉnh rà soát cụ thể, hướng xử lý theo nguyên tắc đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
Nếu câu in lỗi khiến thí sinh không đọc được đề, không làm được thì sẽ báo cáo hướng xử lý cụ thể.
Hướng dẫn chấm môn ngữ văn có phần mở, không bó buộc
Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc, hội đồng chấm thi của các địa phương bắt tay ngay vào làm việc.
Các điều kiện về máy móc thiết bị phục vụ công tác chấm thi trên máy được đảm bảo cho các các hội đồng chấm thi trắc nghiệm.
Còn chấm thi tự luận, trước khi bắt đầu chấm, các hội đồng sẽ họp để thống nhất về hướng dẫn chấm thi.
Theo kế hoạch trước đó, dự kiến 8h ngày 17/7, điểm thi của thí sinh cả nước sẽ được công bố.
Việc xét tốt nghiệp THPT của các thí sinh sẽ do các Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm.
Thí sinh xét tuyển đại học sẽ đăng ký nguyện vọng trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT, bao gồm cả nguyện vọng xét tuyển sớm và nguyện vọng xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Trước lo lắng của thí sinh, phụ huynh về việc chấm thi môn ngữ văn có đủ linh hoạt để chấp nhận quan điểm trái chiều của thí sinh, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định đề thi môn văn gần đây có tính mở, do đó trong hướng dẫn chấm luôn có phần mở để xem xét. Do vậy có thể khẳng định, việc chấm thi hoàn toàn không bó buộc.
Vai trò của kỳ thi tốt nghiệp THPT trong thời gian tới
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 là kỳ thi cuối cùng theo chương trình giáo dục phổ thông 2006. Từ năm sau, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trước câu hỏi về việc từ kỳ thi năm sau, Bộ GD&ĐT có sử dụng tác phẩm bên ngoài không hay vẫn chỉ sử dụng tác phẩm trong SGK cũng như vai trò của kỳ thi tốt nghiệp THPT trong thời gian tới, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ về ngữ liệu môn văn trong thời gian tới có thể lấy từ nhiều sách giáo khoa hoặc ngoài sách giáo khoa để tránh học tủ, học lệch hoặc dự đoán được đề.
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT và toàn ngành giáo dục đang nỗ lực đổi mới kỳ thi, đảm bảo giảm áp lực, giảm tốn kém nhưng vẫn đảm bảo độ tin cậy để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng.
Hiện nay, các đại học được tự chủ trong phương thức tuyển sinh, tuy nhiên thống kê, 65% các trường đại học vẫn lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, vì thế giảm tốn kém cho học sinh, đặc biệt là những học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn không có cơ hội thi nhiều, có thể xét tuyển vào nhiều trường đại học.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký, tăng hơn 45.000 so với năm 2023. Trong đó, thí sinh tự do có 46.978, chiếm 4,38%.
Toàn quốc bố trí 2.323 điểm thi, tăng 51 điểm so với năm ngoái.
Hà Nội tiếp tục là địa phương có số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đông nhất với 109.078 thí sinh, gấp 34 lần Bắc Kạn.
4 vị trí tiếp theo là TPHCM (90.062), Thanh Hóa (38.775), Nghệ An (37.044 ) và Đồng Nai (34.088).
Tính đến 17h15 chiều 26/6, hơn 1 triệu thí sinh đến làm thủ tục dự thi, đạt tỷ lệ 98,96%.
Tổng số thí sinh không đến làm thủ tục dự thi chiều 26/6 hơn 11.000 em. Một số thí sinh chưa kịp đến, sẽ tiếp tục làm thủ tục vào đầu buổi sáng nay.
Liên quan đến đề thi ngữ văn có phần giống "đề tin đồn" trên mạng trước đó khiến hàng loạt thí sinh trúng tủ, chiều nay 27/6, Bộ GD&ĐT đã có phản hồi.
Theo khẳng định của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, đề thi môn ngữ văn đã được bảo mật tuyệt đối.
Về ngữ liệu của đề thi chính thức môn ngữ văn giống với "đề thi tin đồn" lan truyền trên mạng vào tối 26/6, Hội đồng ra đề thi của Bộ GD&ĐT cho rằng, đề thi môn ngữ văn được ra đúng với cấu trúc, định dạng đã được Bộ GD&ĐT công bố, có sự phân phối hợp lý giữa phần thơ và phần văn xuôi.
Phần đọc hiểu của đề thi bàn về sự sáng tạo và trách nhiệm của người nghệ sĩ, những yếu tố tạo nên lịch sử nghệ thuật của nhân loại; không trùng với những suy đoán trước đó.