Kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe tinh thần cần được xem là kỹ năng nghề nghiệp
(Dân trí) - PGS.TS Trần Thành Nam - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, đối với nghề giáo viên, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe tinh thần hết sức quan trọng và cần thiết.
Tại cuộc tọa đàm "Trò "bắt nạt" thầy: Căn nguyên ở đâu?" do báo Dân trí tổ chức, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, để giải quyết vấn nạn bạo lực học đường, ngoài những giải pháp cụ thể trong từng tình huống cụ thể, cần có những biện pháp mang tính tổng thể, lâu dài.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, những vụ việc bạo lực học đường xảy ra thời gian qua cho thấy, người giáo viên cần nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn, đầu tiên chính là hỗ trợ về mặt tâm lý.
"Ngành giáo dục đã có vị trí tư vấn học đường, tuy nhiên theo tôi ngoài việc chỉ hỗ trợ học sinh thì thầy cô, phụ huynh cũng cần được hỗ trợ về tâm lý, làm sao để thầy cô cảm nhận được bản thân mình nhận được nhiều sự hỗ trợ và bảo vệ", PGS.TS Trần Thành Nam bày tỏ.
Về vấn đề an toàn học đường, theo chuyên gia tâm lý, nhà trường cần rà soát toàn bộ quy trình an toàn một cách tổng thể, ngay kể cả việc ra vào trường.
Cần có một quy trình trong đó có những phương thức thuận lợi để mọi người có thể khiếu nại về những hành vi thiếu thân thiện hoặc bạo lực ở trong nhà trường. Sau khi tiếp nhận thông tin về bạo lực thì sẽ xử lý thế nào.
Phải có chương trình phòng ngừa nói chung, trong đó, giáo dục các em về giá trị sống tích cực, có kỹ năng quản lý cảm xúc, giải quyết vấn đề. Cùng với đó, phải có chương trình giáo dục cho cha mẹ, giáo viên về cách quản lý lớp tích cực và ứng xử với con theo kỷ luật tích cực để không tạo ra hình mẫu bạo lực cho con cái.
PGS.TS Trần Thành Nam lấy ví dụ, để con đường từ nhà đến trường an toàn thì phải có người giám sát. Hoặc trong nhà trường có những góc rất khuất, có thể xảy ra hành vi bắt nạt thì phải có camera…
"Các chương trình ở trong nhà trường mang tính chất phòng ngừa để nói chuyện về các dạng hành vi bạo lực hay không bạo lực, những người chứng kiến phải có trách nhiệm gì, chứ không phải chứng kiến xong sợ phiền, không phải việc của mình rồi không hành xử.
Các vụ việc đã xảy ra cho thấy các bạn học sinh đang thiếu kỹ năng nhận thức pháp luật, thiếu kỹ năng ứng xử trên không gian mạng. Thậm chí, nhà trường thiếu kỹ năng quản lý và xử lý khủng hoảng truyền thông, giáo viên và học sinh dường như quá căng thẳng với nhau mà không được ở trong một không gian nào đó để hỗ trợ, kết nối lại với nhau một cách thân tình", PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.
Theo ông Nam, các phương pháp kỷ luật tích cực cần tiếp tục bổ sung để thầy cô không chỉ nắm được về mặt nhận thức mà phải áp dụng một cách linh hoạt trong từng tình huống cụ thể. Giáo viên biết rồi thì cha mẹ ở nhà cũng cần phải biết để áp dụng trong việc dạy dỗ con cái.
Về lâu dài, theo ông Nam trường học an toàn sẽ là nền tảng của một trường học hạnh phúc, mỗi cá nhân đều phải có trách nhiệm tạo dựng nên môi trường an toàn như vậy. Trước hết, nhà trường phải tạo được một môi trường an toàn, giao tiếp thân thiện. Các nguyên tắc ứng xử khi đưa vào trong trường học sẽ giúp học sinh tiếp cận với kỹ năng kiểm soát cảm xúc, giải quyết vấn đề một cách thân thiện.
"Nhiều mâu thuẫn xảy đến do các em thiếu các kỹ năng, hành vi sai xuất phát từ việc thiếu kỹ năng. Đôi lúc các em có những hành động không đúng, ẩn đằng sau đó là cảm xúc tức giận do không biết cách cân bằng và giải quyết nó thế nào.
Trong lớp học, đôi khi không nhất thiết phải là thầy cô đứng ra giải quyết mà chỉ cần những nhóm hòa giải ngang hàng, các anh chị ở lớp trên đứng ra giải quyết những mâu thuẫn nhỏ", ông Nam nói.
Về phía giáo viên, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, những người làm nghề này cần phải có kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe tinh thần bản thân mình. Về cơ bản, người giáo viên đều nắm được cách thức ứng xử trong các tình huống sư phạm nhưng nếu không có sức khỏe tinh thần tốt thì khi đang rơi vào điểm sôi cảm xúc có thể khiến cách giải quyết vấn đề không còn giống một nhà giáo dục.
"Nghề giáo viên bây giờ, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe bản thân mình cũng hết sức quan trọng và cần thiết. Nếu như người giáo viên không thể tự cân bằng được cảm xúc của mình thì khi bước vào lớp chắc chắn tiết học đó không đạt được hiệu quả cao, học sinh có thể chịu những cảm xúc tiêu cực đó", chuyên gia nhìn nhận.