Lễ Kỷ niệm 70 năm nền giáo dục Việt Nam (1945 - 2015), Đại hội thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ 6
Kiên quyết khắc phục hạn chế, đẩy lùi yếu kém trong giáo dục
(Dân trí) - Sáng nay 29/9, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm nền giáo dục VN (1945 - 2015) và Đại hội thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ 6. Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị ngành GD cần kiên quyết khắc phục hạn chế, đẩy lùi yếu kém trong giáo dục.
Tới dự buổi lễ có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Các Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và hơn 400 thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
Các đại biểu tham dự Lễ Kỷ niệm 70 năm nền giáo dục Việt Nam và Đại hội thi đua yêu nước ngành Giáo dục
Trong bài diễn văn chào mừng 70 năm nền giáo dục Việt Nam (1945 – 2015) và Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ 6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, giáo dục –đào tạo Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Cụ thể, trong thời kỳ 9 năm kháng chiến (1945-1954), giáo dục từ phổ thông đến đại học có sự phát triển, thay đổi về chất, tất cả đều được dạy bằng tiếng Việt.
Công tác xóa mù chữ với phong trào bình dân học vụ là một “kỳ tích” của Giáo dục. Một lớp cán bộ giáo dục và trí thức khán chiến đã trở thành niềm tự hào của dân tộc. Phong trào thi đua như: “nghìn việc tốt”, thi đua làm theo lời Bác “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt” được đẩy mạnh. Hàng vạn nhà giáo, học sinh, sinh viên đã lên đường nhập ngũ, bảo vệ đất nước.
Sau năm 1975 đến nay, cả nước mỗi ngày có hơn 23 triệu người đến trường học tập, hơn 1 triệu thầy cô giáo đến trường giảng dạy, mạng lưới cơ sở giáo dục được phát triển mạnh, không còn “xã trắng” về giáo dục mầm non, chất lượng giáo dục được nâng lên. Các phong trào thi đua phát triển theo chiều sâu, với nhiều phong trào như “dạy tốt”, “học tốt”, “xây dựng trường học thân thiện, phụ huynh tích cực”... đã trở thành hoạt động thiết thực, thường xuyên trong ngành...
Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận, trong hình hình mới, giáo dục Việt Nam nói chung và công tác thi đua khen thưởng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, cần được toàn ngành tập trung khắc phục trong thời gian tới.
Bộ trưởng Luận cho biết, trong giai đoạn 2015-2020 và những năm tiếp theo, toàn ngành quyết tâm tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện, sâu sắc và hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục- đào tạo, thi đua, khen thưởng; tổ chức thực hiện có chiều sâu và hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, tạo chuyển biến căn bản, thực chất và chất lượng toàn ngành.
Ngành Giáo dục- Đào tạo đã vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất
Những tấm gương sáng của ngành giáo dục
Trong ngày hội vinh danh, các đại biểu đã được nghe chia sẻ về khó khăn vất vả, về niềm tự hào, về niềm vui của các thầy cô giáo khi đưa chữ đến với những học sinh nghèo.
Cô giáo Lò Thị Dinh - giáo viên Trường Mầm non Hoa Lan, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang tâm sự: "Trẻ em như một chồi non mới nhú “như búp trên cành” còn rất non nớt, nhạy cảm với các tác động của môi trường xunh quanh, đa phần là con em dân tộc thiểu số, còn hạn chế về nhận thức, bất đồng về ngôn ngữ, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, đường đến trường xa xôi, cách trở… Khó khăn là thế nhưng giáo viên mầm non chúng tôi vẫn luôn vượt khó đi lên, luôn tự coi mình là người mẹ hiền thứ hai, người bạn của trẻ, luôn tạo cho trẻ sự gần gũi, thân thiết, sự ấm áp an toàn để các em hòa nhập được với môi trường lớp học”.
Cô giáo Lò Thị Dinh - giáo viên Trường Mầm non Hoa Lan, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang
Còn cô giáo Phan Lệ Hằng - giáo viên Trường Tiểu học Tập Ngãi B (huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) chia sẻ: “Trong nhiều năm làm chủ nhiệm lớp, tôi nhớ nhất là nhiều học sinh vào học nhưng chưa có giấy khai sinh. Tôi đã trực tiếp liên hệ gia đình, địa phương để làm giấy khai sinh cho các em để các em đủ điều kiện vào học. Tôi phối hợp với các cá nhân và tổ chức trong và ngoài nhà trường vận động toàn bộ trẻ em khuyết tật tại địa phương đến trường học tập hòa nhập”.
Cũng với tấm lòng yêu trẻ, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, Thiếu úy Nguyễn Sỹ Tiến - nhân viên vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Tén Tần (huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) cho biết: “Sau mỗi giờ lên lớp, tôi thường xuyên đến từng hộ gia đình, nhất là gia đình có học viên đang theo học để hướng dẫn thêm cho chị em biết đọc, biết viết và làm những phép tính đơn giản...Hàng ngày thấy bà con đã biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đời sống; các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội dần được xóa bỏ; kinh tế, văn hóa, xã hội có bước phát triển; đời sống bà con được cải thiện… anh em ở Đồn Biên phòng Tén Tần chúng tôi luôn trào dâng niềm vui, niềm hạnh phúc...”.
Ngành Giáo dục cần thực hiện tốt hơn nữa các phong trào thi đua
Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, năm học 2015-2016 là năm thứ ba triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Trong 2 năm qua, ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả bước đầu, tạo đà cho việc đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân
Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, trong những năm tiếp theo ngành giáo dục tiếp tục tổ chức thực hiện tốt hơn nữa các phong trào thi đua làm theo lời dạy của Bác Hồ: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, phát huy những ưu điểm, khắc phục những hạn chế trong công tác thi đua, khen thưởng của ngành.
Cần tiếp tục phát huy và nhân rộng nhiều hơn nữa những mô hình mới, cách làm hay của các điển hình tiên tiến, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tấm gương tiêu biểu có đóng góp xuất sắc cho sự phát triển của giáo dục nước nhà…Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, mở rộng hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo một cách hiệu quả, kiên quyết khắc phục hạn chế, đẩy lùi yếu kém trong giáo dục.
“Cấp ủy, chính quyền các cấp từ Trung ương tới địa phương, tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Bộ giáo dục và Đào tạo, coi giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu, cùng ngành giáo dục hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân và sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Với những thành tích đã đạt được, Bộ GD&ĐT vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Độc Lập hạng Nhất.
Hồng Hạnh
(Email: vuhonghanh@dantri.com.vn)