Kiến nghị điều chỉnh một số điều trong Luật giáo dục nghề nghiệp

(Dân trí) - Hiệp hội các trường CĐ, trung cấp kinh tế, kỹ thuật Việt Nam vừa công văn kiến nghị một số vấn đề khi triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Hiệp hội các trường CĐ, trung cấp kinh tế- kỹ thuật đã gửi công văn kiến nghị tới Ban Bí thư, Ủy Ban thường vụ Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, UBVH, GD, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội... về một số nội dung chưa được làm rõ và thiếu khả thi trong Luật Giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 8.

Hiệp hội đã chỉ ra những vấn đề không khả thi của Luật Giáo dục nghề nghiệp là chưa phân biệt rõ ràng vị trí việc làm của người tốt nghiệp trung cấp và CĐ trong thị trường lao động ở rất nhiều ngành nghề để làm cơ sở xây dựng các cấp trình độ mang tính tiêu chuẩn đảm bảo cho sự hội nhập quốc tế. Các quy định về điều kiện tuyển sinh, về thời gian đào tạo ở Luật Giáo dục nghề nghiệp chỉ phù hợp với đào tạo kỹ năng nghề....

Hiệp hội đã đưa ra ba kiến nghị cụ thể như sau:

Một là: Quản lý nhà nước về Giáo dục nghề nghiệp (Điều 71)

Thống nhất với điểm 1: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về Giáo dục nghề nghiệp. Quản lý nhà nước về Giáo dục nghề nghiệp phải xuất phát từ lợi ích của người học và vì sự phát triển giáo dục đào tạo nước nhà với dân số khoảng 100 triệu dân vào năm 2020.

Cần cụ thể cơ quan quản lý nhà nước là bộ nào.

- Ở cấp trung ương: Chính phủ giao cho Bộ GD-ĐT quản lý nhà nước về Giáo dục nghề nghiệp là hợp lý vì các lý do: Đối tượng quản lý của Bộ GD-ĐT là đội ngũ học sinh, sinh viên và nhà giáo cùng cán bộ quản lý giáo dục - do vậy nó cần thuộc chức năng của Bộ GD-ĐT. Đối tượng của lý của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) chủ yếu là người lao động đã được đào tạo hoặc chưa đào tạo và chính sách việc làm. Đó là một trong các cơ sở khoa học thiết kế bộ máy quản lý nhà nước và phù hợp với tinh thần cải cách hành chính của Đảng và Chính phủ.

Khắc phục được sự phân tán nguồn lực, đảm bảo tính tiêu chuẩn của hệ thống, giảm đầu mối quản lý ở cả trung ương và địa phương, không phình biên chế, tạo điều kiện cho hội nhập sâu hơn vào khu vực và thế giới về giáo dục và đào tạo.

Đảm bảo hệ thống giáo dục sẽ liên thông được từ Giáo dục phổ thông, Giáo dục nghề nghiệp đến Giáo dục đại học.

Bộ GD-ĐT chỉ xây dựng chương trình đào tạo liên thông, ban hành các quy định về kiểm định chất lượng giáo dục, thống nhất được các chương trình đào tạo giữa các trình độ CĐ với CĐ nghề, TCCN với TC nghề....

Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm trước Chính phủ về xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển giáo dục đào tạo cho quốc gia.

- Ở cấp tỉnh (thành phố), huyện thị: UBND cấp tỉnh, thành phố giao cho sở GD-ĐT quản lý nhà nước về GDNN do các sở GD-ĐT vốn là những cán bộ trong ngành giáo dục, được đào tạo bài bản về sư phạm và giáo dục học. Trong khi, Sở LĐTB&XH nếu làm nhiệm vụ quản lý giáo dục cả trung cấp, CĐ thì không phù hợp với năng lực và sở trường của đội ngũ này và sẽ dẫn đến những hệ quả khôn lường.

Hai là: Cần đánh giá tác động của chính sách pháp luật đối với giáo dục TCCN và CĐ để làm cơ sở cho các quy định trở nên khả thi đối với hai loại đối tượng này. Bộ LĐTB&XH được Thủ tướng giao nhiệm vụ soạn thảo các văn bản dưới luật cần cụ thể hơn nữa các quy định về: Quy hoạch mạng lưới về GDNN trên địa bàn, về tiêu chuẩn giáo viên, về đào tạo liên thông, thời gian đào tạo đối với trình độ trung cấp, quy định kiểm định chất lượng giáo dục, thiết kế chương trình đào tạo giữa các bậc học, thống nhất các trình độ CĐ, trung cấp.

Ba là: Khẩn trương đưa vào chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoa XIII việc xem xét và điều chỉnh lại một số nội dung không khả thi của Luật GDNN trước thời điểm 1/7/2015 - Luật có hiệu lực thi hành (các vấn đề chứng chỉ kỹ năng nghề của giáo viên GDNN, đào tạo trung cấp 1 năm, vấn đề bậc thợ quy đổi sang trình độ sẽ thực hiện thế nào...).


Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm