Kì thi THPT quốc gia và bí quyết “độc” của trường vùng cao

(Dân trí) - Giáo viên nghiên cứu thông tin trên báo chí về kì thi THPT quốc gia để làm công tác tư vấn, giải đáp cho học sinh; tránh học sinh hiểu sai về kì thi trường liên tục mở loa phát thanh tuyên truyền… Những bí quyết “độc” của trường vùng cao dành cho học sinh.

Trong khi dư luận vẫn còn băn khoăn, thắc mắc, thậm chí là chưa hiểu hết kì thi THPT quốc gia là như thế nào thì nhiều học sinh của tỉnh Thái Nguyên đã có những kiến thức khá vững chắc về kì thi này. Mới chỉ nhận được thông tin kì thi THPT quốc gia hơn 10 ngày nhưng giờ thầy trò tự tin bước vào việc học tập và ôn luyện kiến thức hàng ngày để chuẩn bị một hành trang tốt nhất trước “bước ngoặt” về thi cử.


Giải đáp thắc mắc để ổn định tâm lý học sinh

Ông Trần Văn Hưng - Hiệu trưởng Trường THPT Đại Từ cho biết: Với mục tiêu ổn định sớm nhất tâm lý của học sinh để các em không bị dao động trong học tập chúng tôi đã phải nghiên cứu mọi thông tin về kì thi THPT quốc gia trên báo chí, trên website của Bộ. Sau khi nắm chắc thông tin thì một mặt nhà trường tư vấn, giải đáp cho các em. Mặt khác thì in các bài viết về kì thi này, đặc biệt là các bài lãnh đạo Bộ trả lời gửi đến học sinh để các em biết đầy đủ thông tin nhất.

“Sau một thời gian ngắn nhà trường triển khai biện pháp này thì phần lớn học sinh không còn boăn khoăn gì nữa và giờ đây ổn định tâm lý học tập và định hướng ôn tập hàng ngày. Quan điểm của chúng tôi là giải quyết triệt để việc thiếu thông tin kì thi làm ảnh hưởng tới tư tưởng của giáo viên, học sinh và cả phụ huynh. Bởi nếu hoang mang sẽ ảnh hưởng chất lượng dạy học” - ông Hưng chia sẻ.

Ông Trần Văn Hưng - Hiệu trưởng Trường THPT Đại Từ chia 
Ông Trần Văn Hưng - Hiệu trưởng Trường THPT Đại Từ chia sẻ "bí quyết" ổn định tâm lý học sinh.

Thầy Cao Tiến, hiệu trưởng Trường THPT Gang Thép tiết lộ thêm: Khi nắm bắt đầy đủ thông tin về kì thi này thì nhà trường nhanh chóng cho học sinh đăng ký các môn thi tự chọn để xây dựng kế hoạch học tập theo các nhóm đối tượng. Hàng ngày trường sẽ tiến hành giảng dạy bình thường với kế hoạch đặt ra, đồng thời sẽ tổ chức các lớp học theo môn tự chọn mà học sinh đăng ký. Bên cạnh đó, Ban giám hiệu sẽ họp với đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, để bàn hướng tư vấn cho học sinh có sự lựa chọn tốt nhất các môn thi theo năng lực, sở trường.

Với số lượng học sinh rất đông nên Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đã tận dụng tối đa hệ thống phát thanh nhà trường. Do học sinh nơi đây đều được ở nội trú nên cứ chiều tan học là thông tin về kì thi THPT quốc gia được phát liên tục trên loa phát thanh. Chính vì thế, khi hỏi về kì thi này cả thầy và trò nhà trường đều “thuộc làu”.

Cô Đinh Thị Kim Phương - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc tâm sự: “Là đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT nên chúng tôi cũng nắm được chủ trương của ngành rất sớm, đây là một lợi thế của trường. Ngay từ khi vào đầu năm học mới nhà trường đã ổn định tâm lý học sinh và khẳng định kì thi sẽ không có nhiều sự đột biến, chủ yếu là thay đổi cách thức thi còn việc học tập thì vẫn như các năm trước đây”.

Ôn luyện ngay từ đầu năm học

Nắm được chủ trương sớm nên Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đã lên kế hoạch ôn luyện bổ sung, kiến thức cho học sinh ngay từ đầu năm học.

Em Thu Hiền - học sinh lớp 12 của trường cho biết: Trước đây em học theo khối thi nên khi nghe thông tin thi bắt buộc 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ nên cũng hơi lo lắng. Tuy nhiên với sự hướng dẫn của thầy cô thì em cũng yên tâm hơn, nhất là lại được tham gia các lớp bổ sung kiến thức.

Theo thống kê của trường thì có 100% học sinh tự nguyện tham gia lớp Toán, Văn, Anh. Nhóm lớp học Lý, Hoá, Sinh có 160 học sinh đăng ký, nhóm lớp Sử, Địa có 110 học sinh đăng ký. Một lớp định hướng thi khối D có khoảng 30 học sinh. Trong đó, học sinh học Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa được tự chọn thầy cô để học thêm.

Học sinh lớp 12 Trường Vùng cao Việt Bắc chủ động ôn tập sẵn sàng
Học sinh lớp 12 Trường Vùng cao Việt Bắc chủ động ôn tập sẵn sàng cho kì thi THPT quốc gia.

Buổi sáng học chính khoá như bình thường, các lớp học bổ sung diễn ra vào buổi chiều.

“Học phí của các lớp học bổ sung kiến thức này là do học sinh tự nguyện trích từ học bổng 2 tháng hè. Mỗi buổi học chưa tới 10 nghìn đồng” – cô Đinh Thị Kim Phương, hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Một điều khá đặc biệt ở ngôi trường vùng cao này là học sinh khá có ý thức tự học. Ngoài việc theo học chính khóa, phụ đạo thì hàng tuần học sinh vẫn dành thời gian lên thư viện hoặc ở lại ngay lớp để học theo nhóm, giúp đỡ lẫn nhau.

Hiện tại, học sinh ở Thái Nguyên chỉ còn lo lắng về mức độ phân hóa của đề thi năm nay sẽ như thế nào khi mà vừa xét tốt nghiệp lại vừa làm cơ sở căn cứ để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Trong chuyến công tác 19/9 tại địa phương này, PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: Chắc chắn đề thì sẽ đảm bảo những em có học lực trung bình có thể đỗ tốt nghiệp THPT. Học sinh không cần phải lo lắng vì đề thi sẽ có câu hỏi phân hóa theo mức độ từ dễ đến khó, các em không cần phải học thêm nhiều mà chỉ học chắc kiến thức trong SGK là có thể đỗ tốt nghiệp.

Nguyễn Hùng