Khuyến nghị điều chỉnh chương trình SGK Tiếng Việt đầu cấp
(Dân trí) - Bộ GD&ĐT đang xây dựng phương pháp kỹ năng đọc cho trẻ từ bậc tiểu học và tiến dần về các cấp học cao hơn để nâng cao văn hóa đọc.
Theo đó, bộ áp dụng phương pháp EGRA là cách đánh giá mới, liên quan đến SGK tiếng Việt và cụ thể là xây dựng kĩ năng đọc và phù hợp với văn hóa mà hiện nay. Vấn đề này đã được chia sẻ tại Hội thảo “Đánh giá kĩ năng đọc của học sinh đầu cấp” (EGRA) do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 11-12/1.
Lợi ích từ kĩ năng tiền học đường
TS Trần Đình Thuận- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT), Giám đốc chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học cho biết, qua 2 đợt đánh giá kỹ năng đọc của học sinh đầu cấp trong năm 2013, 2014 với tổng số trên 3.357 học sinh các lớp 1, 2, 3 của 112 trường tiểu học thuộc 6 tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Trị, Gia Lai, Vĩnh Long cho thấy, so với kết quả đánh giá EGRA của các nước khác trên thế giới, học sinh Việt Nam có tỷ lệ phải “dừng sớm” (đồng nghĩa với việc chưa có kỹ năng đọc) rất thấp. Đặc biệt, việc “đọc từ quen thuộc” và “đọc thành tiếng” của học sinh cao hơn so với chuẩn của Bộ GD&ĐT đưa ra.
Tại Hội thảo, một giáo viên ở Hà Nội băn khoăn, nếu áp dụng phương pháp dạy đọc từ quá sớm từ gia đình như khuyến cáo của EGRA, liệu có đi ngược lại chủ trương hạn chế dạy “tiền lớp 1” khiến học sinh rơi vào thế khập khiễng so với chương trình ở lớp 1 mà giáo viên đang truyền đạt?
PGS.TS Vũ Thị Thanh Hương (Viện Ngôn ngữ học) cho biết: “Chúng tôi không nắm được các ví dụ cụ thể khi cha mẹ dạy con ở nhà sẽ khác với giáo viên như thế nào. Nhưng tôi nghĩ, đấy là cha mẹ đã dạy cho con đánh vần hoặc viết chữ. Những phần này đúng là nên để giáo viên dạy cho trẻ khi đã vào lớp 1.
Còn dạy đọc hiểu ở nhà theo phương pháp mà EGRA đưa ra là dạy các con yêu thích môn đọc, muốn học môn đọc … Nói tóm lại, phương pháp chúng tôi đưa ra là tập trung phát triển các kĩ năng bộ phận để đọc tốt hơn như: Nhận diện âm, kết nối giữa các âm để kết nối thành tiếng, kĩ năng đọc trơn, đọc trôi chảy trong đoạn văn, kĩ năng đọc hiểu”...
Bà Hương phân tích thêm, cần phản đối việc dạy học tiền lớp 1 ở các bài học phức tạp đã được chỉ ra trên đây, còn việc phát triển kĩ năng đọc là một kĩ năng tốt và cần phải được hướng dẫn cho trẻ sớm thì càng tốt.
“Tóm lại, giai đoạn tiền học đường, trẻ được dạy các kĩ năng để nhận biết con chữ từ ban đầu chứ không phải học viết, làm toán hoặc đánh vần phức tạp. Thậm chí có nhưng trẻ từ 1-2 tuổi đã được bố mẹ đọc cho nghe những câu chuyện. Trẻ đã biết cầm cuốn sách và đọc từ trên xuống dưới, từ trái sang phải nhưng không biết cụ thể từng chữ. Đó thực chất là các kĩ năng đọc sớm, rất quan trọng và các chuyên gia cho rằng, các bậc cha mẹ cần tăng cường đọc với con, phát triển cho các con các kĩ năng ban đầu như vậy”, PGS Hương chia sẻ.
Cơ sở để điều chỉnh môn tiếng Việt
Đánh giá khách quan về bộ công cụ đánh giá kĩ năng đọc của học sinh EGRA, ông Thuận cho rằng, bộ công cụ đánh giá này mang tính khách quan nên rất phù hợp với cả giáo viên và học sinh.
Nếu giáo viên thường xuyên sử dụng phương pháp đánh giá này một cách sáng tạo trên lớp học, sẽ theo dõi được cụ thể và kịp thời sự phát triển các kĩ năng đọc bộ phận của từng cá nhân học sinh, từ đó có những can thiệp kịp thời nhằm nâng cao năng lực đọc cho HS các lớp đầu cấp tiểu học.
Từ những kết quả này, Chương trình khuyến nghị, có thể đổi mới chương trình và SGK tiếng Việt đầu cấp: “Qua vài năm thực hiện dự án này, chúng tôi đã rút ra nhiều kinh nghiệm cần trao đổi hơn về SGK của Bộ GD&ĐT. Trên cơ sở đó, có thể giúp cho Ban đổi mới chương trình & SGK xây dựng chương trình cho phù hợp với học sinh. Đặc biệt là học sinh vùng sâu vùng xa vùng khó khăn”, ông Thuận cho hay.
Ngoài ra, theo ông Thuận, việc triển khai dự án cũng giúp nhìn nhận lại chuẩn kĩ năng xem đã thích hợp với học sinh tiểu học chưa, đặc biệt là trong vấn đề đọc hiểu, để giúp cho các nhà hoạch định chính sách điều chỉnh lại việc học môn Tiếng Việt- nhất là môn đọc hiểu. Đặc biệt, theo đúng định hướng của Bộ GD&ĐT là lấy đánh giá làm đột phá nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng dạy học.
Trả lời câu hỏi, liệu việc áp dụng dự án này có phải cơ sở để thay đổi chương trình và SGK tiểu học trong thời gian tới? ông Thuận cho biết, đây chỉ là cách đánh giá mới, không phải để nhìn lại toàn bộ những gì mà ngành giáo dục đã làm. Bộ công cụ đánh giá EGRA chỉ liên quan đến SGK tiếng Việt và cụ thể là xây dựng kĩ năng đọc phù hợp với văn hóa mà hiện nay Bộ GD&ĐT đang mong muốn xây dựng từ cấp tiểu học, tiến dần về các cấp học cao hơn để nâng cao văn hóa đọc.
Việc tổ chức khảo sát “Đánh giá kĩ năng đọc của học sinh đầu cấp” được thực hiện ở học sinh các khối lớp 1, lớp 2, lớp 3 dưới hình thức phỏng vấn trực tiếp giữa 1 khảo sát viên và 1 học sinh tiểu học được lựa chọn ngẫu nhiên. Mỗi HS sẽ cần khoảng từ 10-15 phút để thực hiện bài đánh giá EGRA.
Mỹ Hà