Khuyến khích vận dụng phương pháp giáo dục mới ở bậc Mầm non
(Dân trí) - 300 cán bộ quản lý, giáo viên đến từ các Sở GD&ĐT, trường mầm non của 37 tỉnh thành trên cả nước vừa tham dự hội thảo giới thiệu phương pháp giáo dục Reggio Emilia đối với giáo dục mầm non.
Chương trình do Bộ GD&ĐT phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Italy, Tổ chức Reggio Children và Global Embassy thực hiện chiều 6/11 tại TPHCM.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD&ĐT cho biết, hiện phương pháp giáo dục Reggio Emilia đã được triển khai thực hiện ở 140 quốc gia trên thế giới.
Phương pháp này là hướng tiếp cận tiến bộ, sáng tạo, phù hợp với điều kiện giáo dục Việt Nam. Đặc biệt phù hợp với quan điểm “xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” đang được triển khai trong các cơ sở giáo dục Việt Nam
Nhất là những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non tiếp cận các mô hình tiên tiến trên thế giới, phù hợp với điều kiện nhà trường và khả năng, nhu cầu của trẻ. Qua đó, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non và tăng cường hội nhập quốc tế
Hội thảo nhấn mạnh đến yếu tố sáng tạo trong giáo dục ngay từ bậc mầm non. Trước cuộc cách mạng công nghệ và giờ đây là đại dịch Covid-19 khiến tất cả phải xem xét lại phương pháp tốt nhất để giáo dục học sinh, đòi hỏi con người phải có những kỹ năng khác nhau để thành công, nhất là sự sáng tạo.
Ông Dante Brandi, Tổng lãnh sự quán Italy tại TPHCM cho biết, đối với lĩnh vực giáo dục, khái niệm “giáo dục sáng tạo” ngày càng được đề cao, xem trọng.
Đây là phương pháp phục vụ cho một triết lý giáo dục dựa trên hình ảnh những đứa trẻ với những tiềm năng vô tận, cơ hội phát triển cùng những mối quan hệ đa dạng với cộng đồng xung quanh.
Trong đó, môi trường học tập đóng vai trò là người thầy thứ ba, sau giáo viên và phụ huynh, mở ra cơ hội cho trẻ trải nghiệm và phát huy năng lực sáng tạo.
Nếu phương pháp giảng dạy theo hình thức lớp học truyền thống giáo viên giảng - học sinh thụ động tiếp kiến thức theo cách thức giống nhau thì phương pháp giáo dục Reggio Emilia tạo không gian để trẻ tiếp thu kiến thức bằng nhiều hình thức khác nhau thông qua trải nghiệm, trao đổi, vận động và hợp tác.
Giáo viên từ vai trò người truyền thụ kiến thức trở thành người có vai trò gợi mở, kích thích trẻ vận động trí não, rèn luyện thói quen suy nghĩ và áp dụng kiến thức thu nhận được vào thực tế cuộc sống.
Thông qua hình thức học tập chủ động này, học sinh được phát triển tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, khả năng hợp tác, giao tiếp và tư duy sáng tạo, qua đó hình thành trách nhiệm xã hội và nhận thức công dân toàn cầu.