Hà Tĩnh:
Khuyến học, khuyến tài tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội
(Dân trí) - Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là một bộ phận không thể thiếu được trong việc chấn hưng giáo dục nước nhà, trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đặc biệt là trong việc phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước…
Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Doan, Nguyên UVBCHTW Đảng, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” vừa được tỉnh Hà Tĩnh tổ chức chiều ngày 11/1/2019.
Theo bản báo cáo của Hội Khuyến học tỉnh Hà Tĩnh, sau 3 năm thực hiện Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020", các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng tham gia và đạt hiệu quả thiết thực. Qua đó thúc đẩy tinh thần tự học, tự bồi dưỡng của người dân, đóng góp thiết thực vào công tác an sinh các hội, xóa đói giảm nghèo, góp phần vào sự phát triển KT - XH ở địa phương.
Tính đến năm 2018, toàn tỉnh có trên 282.000 gia đình đạt danh hiệu gia đình học tập, đạt tỷ lệ 78%; có trên 3.500 dòng họ đạt danh hiệu dòng họ học tập, đạt tỷ lệ 65,6%; cộng đồng học tập thôn, TDP có hơn 1.600 đơn vị đạt danh hiệu, đạt tỷ lệ 79,5%....
Trong đó, nhiều cơ sở có các cách làm sáng tạo hiệu quả như ở xã Xuân Viên, Xuân Mỹ, Xuân Phổ của huyện Nghi Xuân; Đức Long, Tùng Ảnh của huyện Đức Thọ…; các dòng họ tiêu biểu như Dương Huy (huyện Cẩm Xuyên), Nguyễn Tiên Sỹ (huyện Nghi Xuân)….
Trong 3 năm (2016 – 2018) các Trung tâm học tập cộng đồng đã mở được hơn 8.300 lớp với hơn 810.000 lượt người học.
Phát huy những thành tích đã đạt được, trong thời gian tới, các cấp Hội Khuyến học tiếp tục tuyên truyền, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời. Tăng cường các biện pháp quản lý, đa dạng hóa nội dung, hình thức hoạt động.
Bà Nguyễn Thị Doan, Nguyên UVBCHTW Đảng, Nguyên phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh: Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là một bộ phận không thể thiếu được trong việc chấn hưng giáo dục nước nhà...
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Doan, Nguyên UVBCHTW Đảng, Nguyên phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh: Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là một bộ phận không thể thiếu được trong việc chấn hưng giáo dục nước nhà, trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong việc phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.
Xây dựng nền văn hóa dân tộc tiên tiến đậm đà bản sắc phải xuất phát từ cội nguồn gia đình, dòng họ. Cho nên trong phương hướng phát triển đất nước của các nghị quyết đại hội đảng toàn quốc đều nêu xây dựng văn hóa, phát triển văn hóa dân tộc kết hợp với phát triển nền kinh tế xã hội luôn luôn là nhiệm vụ trọng tâm của cách mạng Việt Nam trong suốt cả thập kỷ xây dựng và phát triển đất nước.
“Gia đình là một đơn vị được tính đến trong phát triển kinh tế xã hội, là vấn đề cốt lõi vì gia đình là tế bào của xã hội. Nếu như từng con người trong gia đình và dòng họ không cố gắng thì gia pháp, gia phong của gia đình dòng họ bị lung lay đầu tiên”.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định đề án 281 có sức sống mãnh liệt đối với gia đình, dòng họ.
“Trong những năm tới (2019 -2020), là kết thúc dự án thì chúng ta phải đi vào chiều sâu, trong thực hiện các tiêu chí kết quả phải thực chất, phải đánh giá tác động kết quả của đề án 281 đến sự giàu có lên của các gia đình, đến sự phát triển bền vững của gia đình, dòng họ”, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan đề nghị đối với Hà Tĩnh.
“Hà Tĩnh là quê hương cách mạng, cả nước, cả thế giới đều thấy Hà Tĩnh là lò lửa cách mạng trong suốt tất cả các thời kỳ. Gia đình, dòng họ của Hà Tĩnh có những cơ cấu hết sức chặt chẽ, một truyền thống gia đình, dòng họ hết sức tốt đẹp. Hà Tĩnh cần tiếp tục phát huy, tiếp tục học tập, cho con cháu học tập, mình học tập để làm sáng mãi bản chất anh hùng cách mạng, sáng mãi truyền thống gia đình, dòng họ” Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan mong muốn.
Ông Đặng Quốc Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị, ông Đặng Quốc Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cảm ơn những tình cảm, chỉ đạo, chia sẻ của Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, Hội Khuyến học tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến mọi tầng lớp nhân dân; tăng cường công tác phối hợp giữa Hội Khuyến học với Sở GD&ĐT, các ban ngành liên quan; tiếp tục nâng cao chất lượng các trung tâm học tập cộng đồng; đổi mới hình thức hoạt động, nâng cao chất lượng của các tổ chức hội… Xây dựng nhân rộng các mô hình cá nhân điển hình trong công tác khuyến học.
Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã trao 100 triệu đồng ủng hộ các em học sinh bị ảnh hưởng do thiên tai lũ lụt tại huyện Hương Sơn
và tặng cờ thi đua xuất sắc cho 3 đơn vị; tặng bằng khen cho 2 tập thể, 9 cá nhân trong phong trào học tập và thực hiện đề án 281
Tại hội nghị lần này, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã trao 100 triệu đồng ủng hộ các em học sinh bị ảnh hưởng do thiên tai lũ lụt tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cũng đã tặng cờ thi đua xuất sắc cho 3 đơn vị và tặng bằng khen cho 2 tập thể, 9 cá nhân trong phong trào học tập và thực hiện đề án 281.
Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã tặng bằng khen cho 6 tập thể, 5 cá nhân đã giành nhiều thành tích trong phong trào gia đình học tập, xã hội học tập.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã tặng bằng khen cho 6 tập thể, 5 cá nhân đã giành nhiều thành tích trong phong trào gia đình học tập, xã hội học tập.
Xuân Sinh