GS Trần Hồng Quân, nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT:

Không thể kiếm lời từ xuất bản sách giáo khoa

Nếu việc xuất bản sách giáo khoa lỗ thật thì Nhà Xuất bản Giáo dục cần phải bù trừ lỗ lãi, lấy chỗ này đắp chỗ kia (từ việc xuất bản các loại sách khác), phải cố gắng chịu để vượt qua thời điểm này.

Phóng viên: Nhà Xuất bản (NXB) Giáo dục vừa cho biết sẽ tăng giá bán sách giáo khoa (SGK) lên gần 10% vì chi phí in tăng. Quan điểm của ông thế nào?

GS Trần Hồng Quân: Đầu tiên phải thừa nhận giá SGK rẻ hơn sách khác có số trang in bằng nhau. Trong tình hình lạm phát hiện nay, chi phí in ấn tăng là có thật. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng số lượng in SGK phổ thông quá lớn, do vậy chi phí bình quân sẽ rẻ hơn rất nhiều so với nhiều loại sách khác, trừ các loại sách được bao cấp. Tính toán chi li lỗ hay lãi thì tôi chưa nắm được nhưng in và phát hành SGK không phải là bài toán kinh doanh thông thường.

Vậy cần phải hiểu việc in và phát hành SGK hiện nay như thế nào, thưa ông?

Như tôi vừa khẳng định, việc in và phát hành SGK không phải là bài toán kinh doanh thông thường mà trước hết là bài toán xã hội vì nó đụng đến hầu như mọi gia đình. Ở góc độ đó, có thể coi SGK là nhu cầu thiết yếu của xã hội như điện, nước... vì giáo dục không thể thiếu SGK. Mặt khác, giáo dục là quốc sách hàng đầu của ta. Thành ra, khi Chính phủ quy định kiềm chế giá các mặt hàng thiết yếu thì SGK phải được đưa vào danh mục đó. Ngoài ra, cũng cần nhận thức rằng, trong tình hình lạm phát cao như hiện nay, việc tăng giá bán SGK sẽ ảnh hưởng lớn đến những gia đình khó khăn. Nếu vì mục đích tăng giá bán SGK mà ảnh hưởng đến việc học khiến thêm nhiều học sinh phải bỏ học thì không nên.

NXB Giáo dục nên coi mình là doanh nghiệp lấy mục tiêu phục vụ xã hội là chính, không nên trông chờ lấy lãi từ việc xuất bản SGK. Bản thân tôi không tán thành việc lấy lãi từ xuất bản SGK.

Nhiều ý kiến cho rằng cần xóa độc quyền trong xuất bản SGK, ý kiến ông ra sao?

Tôi cho rằng độc quyền tuyệt đối thì không nên nhưng NXB Giáo dục với vai trò của đơn vị quốc doanh là rất cần thiết vì có những loại sách xuất bản không có lãi và có những vùng phát hành rất khó khăn, nếu thuần túy vì lợi nhuận thì người ta không in những loại sách đó và không phát hành đến những vùng khó khăn đó.
 
Đứng về mặt quản lý, hiệu quả trong hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước không bằng các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Doanh nghiệp Nhà nước đầu tư 8 đồng lãi 1 đồng, trong khi đó doanh nghiệp tư nhân chỉ cần đầu tư 3,5 đồng; doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đầu tư 2,7 đồng. Nhưng doanh nghiệp Nhà nước vẫn có nhu cầu để tồn tại vì mỗi khi hàng hóa leo thang như lúc này, doanh nghiệp Nhà nước sẽ phát huy tác dụng với vai trò điều tiết thị trường, đặc biệt với những mặt hàng thiết yếu. Nếu không phát huy vai trò mà bản thân nó đã được quy định thì doanh nghiệp Nhà nước không có lý do nào để tồn tại.

Vậy giải pháp cho vấn đề này theo ông là gì?

Ngoài việc in SGK, NXB Giáo dục còn in nhiều loại sách khác. Nếu như việc in và phát hành SGK là lỗ thật thì NXB Giáo dục cần phải bù trừ lỗ lãi, lấy chỗ này đắp chỗ kia. Nếu thật sự lỗ thì cũng phải cố gắng chịu lỗ để vượt qua thời điểm này. Trong trường hợp không bù lỗ được thì Nhà nước phải bù lỗ.

Theo Huy Lân
Người lao động