Dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi):
Không phân biệt diện tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên ĐH, CĐ
(Dân trí) - Không nên phân biệt đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục để bảo đảm công bằng trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.
Đó là một trong những nội dung trong báo cáo Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ.
Thanh niên lên đường nhập ngũ.
Giải quyết công bằng trong thực hiện nghĩa vụ quân sự
Theo tờ trình, Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành quy định đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh, sinh viên đang học tập tại trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học trong thời bình quá rộng.
Do yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhu cầu học tập của công dân, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân phát triển rất đa dạng; với nhiều loại hình đào tạo, nhiều ngành nghề đào tạo chỉ thực hiện xét tuyển (không thi tuyển) nên số lượng công dân tham gia học tập ngày càng tăng.
Do đó, công dân được tạm hoãn gọi nhập ngũ hàng năm chiếm tỷ lệ lớn so với tổng số công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ, gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình xét duyệt gọi nhập ngũ; việc gọi công dân tốt nghiệp trung học phổ thông, cao đẳng, đại học vào phục vụ tại ngũ trong Quân đội không nhiều; một số công dân đã lợi dụng chính sách tạm hoãn gọi nhập ngũ để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ phục vụ tại ngũ, gây bất bình trong nhân dân và ảnh hưởng đến chất lượng tuyển quân.
Vì vậy, sửa đổi quy định về đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình nhằm tuyển chọn được nhiều công dân tốt nghiệp trung học phổ thông, cao đẳng, đại học vào phục vụ tại ngũ để nâng cao chất lượng xây dựng Quân đội, góp phần giải quyết công bằng trong thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS).
Về vấn đề này kiến nghị sửa đổi trên, Chính phủ đề nghị giữ nguyên như dự thảo và cho rằng: Dự thảo Luật NVQS (sửa đổi) chỉ quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh đang học phổ thông, sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học hệ chính quy trong hệ thống giáo dục quốc dân để nâng cao chất lượng gọi nhập ngũ và góp phần bảo đảm công bằng xã hội về thực hiện NVQS.
Đối với công dân đang học chương trình đào tạo đại học được ưu tiên tạm hoãn gọi nhập ngũ nhằm tạo nguồn lực phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sau khi tốt nghiệp sẽ gọi nhập ngũ.
Đối với công dân đang học tập tại các nhà trường hoặc trúng tuyển vào các nhà trường thuộc các cơ sở giáo dục không thuộc đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ được gọi nhập ngũ và bảo lưu kết quả để sau khi hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ sẽ được các nhà trường thuộc các cơ sở giáo dục tiếp nhận lại để tiếp tục học tập.
Theo báo cáo Thẩm tra sơ bộ dự án Luật NVQS (sửa đổi) của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ, một số ý kiến đồng ý với dự thảo Luật thu hẹp diện đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Một số ý kiến đề nghị cần rà soát, nghiên cứu để mở rộng hơn nữa đối tượng được tạm hoãn gọi nhập ngũ, một mặt thể hiện chính sách của nhà nước, nhưng đồng thời để bảo đảm kết hợp giữa nhiệm vụ bảo vệ với nhiệm vụ xây dựng Tổ quốc.
Theo đó, bổ sung diện hoãn gọi nhập ngũ là anh em ruột của công dân phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân, những người lao động giữ vị trí chủ chốt trong hoạt động sản xuất ở các lĩnh vực dầu khí, năng lượng nguyên tử, trong các dự án trọng điểm quốc gia để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều ý kiến cho rằng, không nên phân biệt đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục để bảo đảm công bằng trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc; ý kiến khác đề nghị kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ để tạo điều kiện cho sinh viên tốt nghiệp thực hiện NVQS tại ngũ.
Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban cho rằng việc thu hẹp đối tượng tạm hoãn là hợp lý để bảo đảm công bằng xã hội, tuy nhiên đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ.
Đề nghị không phân biệt diện tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên đại học, cao đẳng đang học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân để bảo đảm sự bình đẳng về cơ hội học tập trong giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục.
Đồng thời nghiên cứu quy định độ tuổi gọi nhập ngũ để có thể gọi số thanh niên đã hoàn thành chương trình các bậc học cao tham gia thực hiện NVQS tại ngũ, khắc phục tình trạng như thời gian qua; gọi nhập ngũ chủ yếu chỉ tập trung vào con em nông dân tỷ lệ gọi số thanh niên tốt nghiệp đại học, cao đẳng rất thấp, tránh các biểu hiện trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.
Bởi hiện nay, một bộ phận công dân đã có việc làm, có trình độ học vấn cao, có chuyên môn kỹ thuật và con em cán bộ, công chức, các gia đình có điều kiện kinh tế thực hiện NVQS tại ngũ chưa nhiều (chỉ chiếm 4,94%) và có xu hướng giảm; con em nông dân, người chưa có việc làm chiếm số đông (trên 80%) và có xu hướng tăng. Trong điều kiện số công dân nhập ngũ hàng năm chỉ chiếm 0,12% tổng dân số và 5,87% tổng số công dân nam trong độ tuổi 18-25 nhưng vẫn có địa phương cho phép điều chuyển từ nơi này sang nơi khác để bù cho đủ chỉ tiêu được giao… tỷ lệ công dân có trình độ cao đẳng, đại học chỉ chiếm khoảng 0,64% tổng số thanh niên nhập ngũ hàng năm trong khi tổng số sinh viên trung bình trong các năm gần đây luôn ở khoảng trên 1,5 triệu người (chiếm 50% tổng số công dân trong độ tuổi NVQS.
Sáng 14/8, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Luật NVQS sửa đổi. Trong đó, nhiều ý kiến Ủy ban thường vụ đồng ý với dự thảo Luật thu hẹp diện đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ.
Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng không nên phân biệt đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục để bảo đảm công bằng trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.
Đề nghị không phân biệt diện tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên đại học, cao đẳng đang học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân để bảo đảm sự bình đẳng về cơ hội học tập trong giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục.
Hồng Hạnh