"Không nên kỳ thị những em có hành vi bạo lực học đường"

Huỳnh Hải

(Dân trí) - "Bản chất bạo lực học đường chỉ là bộc phát. Do đó, khi xảy ra cũng không nên kỳ thị những em đó, mà cần thái độ tạo điều kiện để các em nhận ra lỗi lầm, sửa sai", Thượng tá Hoàng Ngọc Đạo chia sẻ.

Bạo lực học đường có diễn biến phức tạp

Chia sẻ tại "Diễn đàn trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh" diễn ra ngày 1/6 do Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Bạc Liêu tổ chức, ông Hứa Xương Tín, Phó trưởng Phòng Giáo dục mầm non - Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu) nhìn nhận, thời gian gần đây bạo lực học đường cả nước nói chung, Bạc Liêu nói riêng diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. 

"Có nhiều em đánh một em, hoặc bắt quỳ gối xin lỗi, có nhiều em chỉ đứng nhìn, thậm chí vỗ tay cổ vũ, dùng điện thoại quay lại rồi đăng lên mạng xã hội. Có thể nói bạo lực học đường làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục, thể chất, tinh thần của các em và gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội", ông Tín khái quát.

Không nên kỳ thị những em có hành vi bạo lực học đường - 1

Ông Hứa Xương Tín, Phó trưởng Phòng Giáo dục mầm non - Giáo dục tiểu học thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu (bìa trái) chia sẻ nhiều vấn đề về bạo lực học đường (Ảnh: Huỳnh Hải).

Theo ông Tín, bạo lực học đường xảy ra có nhiều nguyên nhân. Về mặt chủ quan, liên quan đến tâm lý lứa tuổi dậy thì, hiếu thắng, mâu thuẫn trong quá trình đi học của các em học sinh. Về mặt khách quan, các em bị bạn bè lôi kéo, xúi giục, tiếp xúc quá sớm với mạng xã hội như game online bạo lực.

Bên cạnh đó, việc xử lý đối với các em học sinh vi phạm bạo lực học đường chưa đủ tính răn đe.

Để ngăn chặn bạo lực học đường, theo ông Hứa Xương Tín, phải có sự tham gia vào cuộc của toàn xã hội, trọng tâm là ngành giáo dục. Các em học sinh là chủ thể gây ra bạo lực học đường, do đó cần tích cực rèn luyện kỹ năng sống, quý trọng tình cảm, thân thiện, đoàn kết với bạn bè.

"Đoàn kết có từ xưa đối với dân tộc ta. Tinh thần đoàn kết cũng đã được gửi gắm qua câu ca dao: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng". Cho nên, tinh thần đoàn kết với bạn bè trong trường, lớp là cực kỳ quan trọng", ông Tín chia sẻ.

Bên cạnh đó, các em học sinh phải chấp hành tốt quy định nội quy của trường, lớp. Các em phải có trách nhiệm trong việc ngăn chặn, tố giác kịp thời đối với hành vi bạo lực học đường xảy ra đối với cá nhân và bạn bè.

"Trong thời gian qua, có những vụ bạo lực học đường xảy ra có rất nhiều em chỉ đứng nhìn mà không can ngăn, cũng không báo thầy, cô vì ngoài giờ nên thầy, cô không biết. Do đó, các em phải mạnh dạn trong việc này", ông Tín đề nghị.

Với các trường học, theo ông Tín, cần dạy tốt môn đạo đức, xây dựng môi trường an toàn, thân thiện, nói không với bạo lực học đường. Nhà trường cần thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý, kịp thời theo dõi diễn biến tình cảm của các em, cũng như các mối quan hệ gia đình, xã hội, bạn bè để kịp thời có hỗ trợ, can thiệp, giúp các em giải quyết những mâu thuẫn, giảm thiểu các tiêu cực xảy ra.

Đối với cha mẹ học sinh, ông Tín đề nghị cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường để quản lý các em trong thời gian đi học. Ngoài ra, phụ huynh cần quản lý hoạt động của các em ở nhà và cộng đồng. Với mỗi gia đình, cần xây dựng gia đình hạnh phúc để giáo dục con cái tốt hơn.

"Việc xử lý kỷ luật đối với học sinh vi phạm bạo lực học đường vừa qua chưa đủ sức răn đe. Trong thời gian tới, việc vi phạm này đề nghị xử lý công khai, nghiêm túc, đúng quy định. Những vụ có tính chất nghiêm trọng, đề nghị công an kiểm tra, xác minh xử lý theo pháp luật", ông Tín nêu giải pháp.

Không nên kỳ thị những em có hành vi bạo lực học đường

Thượng tá Hoàng Ngọc Đạo, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Bạc Liêu) cho biết, cơ quan công an thông qua biện pháp nghiệp vụ nắm được những học sinh cá biệt, xu hướng của những em có hành vi bạo lực. Bên cạnh đó, công an cũng nắm những đối tượng xấu ngoài xã hội lôi kéo, dụ dỗ, kích động các em tham gia bạo lực.

"Lực lượng công an luôn luôn bảo vệ các em, ngăn ngừa không cho đối tượng xấu câu móc, kích động các em. Khi xảy ra bạo lực học đường, các em thay vì quay lại đăng lên mạng xã hội thì nên can ngăn để chấm dứt tình trạng đó", Thượng tá Đạo nhắn nhủ.

Không nên kỳ thị những em có hành vi bạo lực học đường - 2

Thượng tá Hoàng Ngọc Đạo, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Bạc Liêu) cho rằng bản chất của bạo lực học đường chỉ là bộc phát chứ không như bản chất tội phạm ngoài xã hội (Ảnh: Huỳnh Hải).

Theo Thượng tá Hoàng Ngọc Đạo, bản chất của bạo lực học đường chỉ là bộc phát, không giống bản chất tội phạm ngoài xã hội. Do đó, khi xảy ra tình trạng này cũng không nên kỳ thị những em đó, mà cần có thái độ tạo điều kiện để cho các em nhận ra lỗi lầm, sửa sai.

"Ngành công an có hướng dẫn công an các địa phương xây dựng mô hình trường học an toàn, an ninh trật tự. Trong đó, nhà trường, thầy cô giáo là thành viên tích cực chủ động phát hiện ngăn chặn hành vi bạo lực học đường", Thượng tá Đạo nêu giải pháp.

Chia sẻ thêm vấn đề này, bà Phan Phương Thảo, Trưởng phòng phổ biến pháp luật (Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu) cho rằng, bạo lực học đường không chỉ học sinh với học sinh mà có trường hợp giữa giáo viên với học sinh.

"Nếu là giáo viên khi thực hiện hành vi bạo lực học đường thì tùy theo tính chất mức độ có thể xử lý hành chính hoặc hình sự", bà Thảo khuyến cáo.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm