Hà Nội: Học sinh lớp 5 bị bạn bắt quỳ gối, cởi áo xin lỗi vẫn hoảng loạn

H.H

(Dân trí) - Vụ việc xảy ra tại huyện Chương Mỹ với cả "thủ phạm" và "nạn nhân" đều là nữ, cùng học lớp 5 tại một trường Tiểu học trên địa bàn.

Gia đình chưa tìm hiểu được vụ việc vì nạn nhân cứ hỏi là khóc

Theo tường thuật trong đơn kiến nghị của gia đình, học sinh K. nhiều lần bị các bạn cùng lớp bắt nạt, đánh. K. có báo với giáo viên chủ nhiệm nhưng giáo viên không báo lại với gia đình. Ngày 29/4, K. và ba bạn nữ cùng lớp là P.T.H, N.T.N và N.P.T. hẹn nhau ở nhà văn hóa thôn. Tại đây, K. bị các bạn đánh, bắt tự cởi áo, quỳ gối xin lỗi từng người và bị quay clip lại.

Sau khi biết về sự việc, thầy giáo chủ nhiệm đã mời phụ huynh lên trao đổi. Phụ huynh của ba học sinh bắt nạt bạn đã tới gặp gia đình học sinh K. xin lỗi và được gia đình K. đồng ý tha lỗi.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của chị Kiều Thị Thanh - chị gái của học sinh K., tại thời điểm các gia đình đến xin lỗi, bố mẹ chị hoàn toàn không biết gì về mức độ nghiêm trọng của sự việc. "Bố mẹ tôi chỉ nghĩ các con mâu thuẫn và có đánh em tôi nhưng không biết việc em tôi bị bắt cởi áo, quỳ gối, bị quay clip và bị tung clip lên mạng xã hội", chị Thanh cho biết.

Cũng theo lời chị Thanh, clip đã có trên mạng trước thời điểm ngày 15/5. Hàng xóm đã xem được và báo với gia đình chị. "Không có việc tới ngày 15/5 mới xuất hiện clip như một số thông tin đã đưa", chị Thanh khẳng định.

Chị Kiều Thị Thanh cho hay, gia đình đã gọi cho thầy giáo chủ nhiệm bày tỏ mong muốn có một cuộc trao đổi giữa các bên. Cuộc gặp trao đổi này diễn ra vào hôm qua, 17/5. Chị Thanh cho biết không hài lòng với kết quả cuộc họp và cách giải quyết của nhà trường.

"Cho đến thời điểm hiện tại, thầy chủ nhiệm vẫn chưa gọi điện hỏi thăm K. hay xin lỗi gia đình tôi", chị Thanh chia sẻ.

Chị Thanh cũng phủ nhận thông tin cả 4 học sinh trong vụ việc đều đang ổn định tâm lý. Chị nói: "Em gái tôi, nạn nhân của vụ việc, vẫn đang rất hoảng loạn, sợ hãi và nhạy cảm. Thú thực cả nhà vẫn chưa biết chuyện đã xảy ra như thế nào vì cứ hỏi là em sẽ khóc. Em sợ gặp người lạ, sợ nghe ai nhắc đến chuyện đó, sợ đi học sẽ bị các bạn trêu chọc. Sở dĩ em tôi đi học sau khi vụ việc xảy ra là vì em phải thi học kỳ, chứ không phải đã ổn định tâm lý".

Phóng viên Dân trí đã liên hệ với ông Nguyễn Hữu Thìn - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ để tìm hiểu vụ việc, song ông Thìn từ chối cung cấp thông tin và đề nghị phóng viên làm việc với văn phòng UBND huyện. Phóng viên liên hệ với ông Hoàng Minh Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ song ông báo bận họp.

Chuyên gia xã hội học đánh giá tính phức tạp của vụ việc

Đánh giá về vụ việc, TS xã hội học Phạm Thị Thúy khẳng định đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng và xử lý không đơn giản bởi cả "nạn nhân" và "thủ phạm" đều là trẻ em.

"Nạn nhân cần được bảo vệ, nhưng những đứa trẻ gây ra bạo lực cũng cần được bảo vệ. Xử phạt không giải quyết triệt để được vấn nạn bắt nạt. Chúng ta cần thấu hiểu trẻ để giáo dục và phòng ngừa vấn đề tương tự trong tương lai. Và quan trọng hơn cách chúng ta giải quyết vấn đề có thể giúp chữa lành hay thậm chí làm sâu hơn tổn thương của nạn nhân", TS Phạm Thị Thúy cho hay.

TS Phạm Thị Thúy cho rằng nhà trường và hai nhóm gia đình rất cần sự hỗ trợ của một chuyên viên tâm lý đóng vai trò kết nối, tham vấn tâm lý cho cả nạn nhân và những đứa trẻ bạo hành, lắng nghe sâu để tìm hiểu cặn kẽ gốc rễ vấn đề.

"Cần biết nguyên nhân vấn đề nằm ở đâu, có thể có nhiều nguyên nhân phức tạp phía sau một vụ việc bạo lực học đường. Không thể xử lý vấn đề hay xử phạt trẻ bắt nạt nếu không rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân gốc rễ. Phần đa nguyên nhân khiến trẻ bạo lực đến từ hoàn cảnh sống, gia đình và nhà trường. Mâu thuẫn giữa trẻ với nhau chỉ là nguyên nhân bề mặt. Kết luận trẻ bắt nạt, bạo lực bạn là hư có thể là vội vàng, chưa đúng bản chất sự việc.

Đằng sau hành động bạo lực có thể là những vấn đề trong gia đình của đứa trẻ đánh bạn như trẻ từng bị đánh, bị coi thường, bị bỏ rơi, thiếu sự quan tâm yêu thương... Hoặc cũng có thể đến từ môi trường học đường như áp lực học hành, thi cử, cách ứng xử giữa thầy và trò vẫn còn mang tính bạo lực, cách giảng dạy của thầy cô chưa đủ hấp dẫn, hành động thái độ nào đó của giáo viên làm cho trẻ cảm thấy không công bằng… Những điều này làm cho đứa trẻ ngột ngạt, bế tắc. Trẻ đang tuổi dậy thì như nồi áp suất bị xì ra dẫn tới những hành động mất kiểm soát.

Có nguyên nhân nằm ở chính mối quan hệ giữa trẻ và cần giải quyết ngay như yêu cầu trẻ xin lỗi bạn, áp dụng các hình thức kỷ luật tích cực như đọc sách và viết cảm nhận về bài học như một số trường đang áp dụng. Nhưng có nguyên nhân nằm ở gia đình hoặc nhà trường, cha mẹ, thầy cô liệu có sẵn sàng chịu trách nhiệm và xin lỗi các con hay không?

Việc yêu cầu trẻ có hành vi bạo lực xin lỗi, gia đình trẻ xin lỗi hay chuyển trường chuyển lớp cho trẻ bị bắt nạt đều không phải giải pháp. Đó chỉ là những biện pháp bề mặt, không ngăn chặn được hành vi bạo lực trong tương lai và không chữa lành tổn thương cho những đứa trẻ bị bạo lực", TS Phạm Thị Thúy khẳng định.

TS Phạm Thị Thúy cũng nhận định: "Vụ việc xảy ra tại Chương Mỹ Hà Nội với nhóm học sinh lớp 5 cho thấy tuổi bạo lực học đường càng ngày càng nhỏ với mức độ phức tạp càng ngày càng gia tăng. Bạo lực học đường không bao giờ hết nếu gia đình, nhà trường và xã hội không nhìn thẳng vào sự thật rằng nguyên nhân gốc của vấn nạn nằm ở cách người lớn cư xử với nhau và với trẻ nhỏ".

"Khi nào còn người lớn có hành vi bạo lực thì còn những trẻ có hành vi bạo lực. Trước khi đổ lỗi cho trẻ (thật buồn khi có trường giáo viên đổ lỗi cho chính nạn nhân vì quậy quá, cá tính quá, chậm quá… nên các bạn bắt nạt), thì chúng ta - những người lớn cần quay về nêu gương cho trẻ, ngay cả cách chúng ta xử phạt hành vi bạo lực của trẻ cũng cần xem chúng ta có đang hành xử một cách bạo lực để phạt trẻ không", TS Phạm Thị Thúy - Chuyên viên tâm lý Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM, Phó Trưởng khoa Quản lý Kinh tế xã hội, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TPHCM nói.