“Không nên cải tiến chữ Quốc ngữ”
(Dân trí) - Đó là đa số ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo khoa học “100 năm chữ Quốc ngữ” do Hội Ngôn ngữ học TPHCM tổ chức ngày 21/12. Hội thảo thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu, giảng viên về ngôn ngữ tham dự.
Phát biểu tại hội thảo này, GS.TS Đinh Văn Đức - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội đã có báo cáo “Vài tiểu khúc về chữ quốc ngữ nhìn lại 100 năm nay”. Ông Đức phân tích chữ Quốc ngữ ghi âm theo âm vị học là một phát minh kỹ thuật, một âm vị có thể được ghi bằng một con chữ hoặc hơn thế. Độ vênh này là tất yếu và bình thường bởi các hệ ngôn ngữ Roman, German hay Slavian đều có chuyện tương tự.
“Sửa chữ viết là động đến văn hóa. Mà văn hóa thì bền vững và có bộ lọc cực kỳ tinh tế”, GS Đức khẳng định.
GS.TS Trần Ngọc Thêm - ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cũng tán đồng với GS Đinh Văn Đức ở điểm “không thích cải tiến chữ Quốc ngữ”. Ở góc độ nghiên cứu văn hóa, ông Thêm khẳng định những dân tộc nào có văn hóa ổn định trong thời gian dài thì sẽ rất linh hoạt trong thời gian ngắn. Ông lấy bài học ở Trung Quốc, đó là từ chữ Phồn thể cải tiến một bước tạo ra thêm chữ Giản thể theo mục tiêu có lợi cho người dân học chữ nhanh hơn. Nhưng cái giá phải trả là một người muốn học chữ Trung Quốc phải vừa biết chữ Phồn thể và Giản thể, vất vả sẽ tăng thêm gấp đôi. Do đó ông Thêm nhấn mạnh “với chữ Quốc ngữ không nên thỉnh thoảng lại hô hào cải tiến”.
Còn GS Nguyễn Văn Hiệp - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học thì bổ sung, quá trình xây dựng chữ quốc ngữ ghi âm bằng các con chữ châu Âu là một quá trình rất lâu dài, với sự góp sức của nhiều người, trong đó có người Việt. Các tài liệu cho thấy vào thế kỷ 17, chữ quốc ngữ bắt đầu có diện mạo bước đầu ổn định, nhất là khi xuất bản cuốn Từ điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes.
“Trong tình hình chữ Quốc ngữ đang vận hành hiệu quả như hiện nay, Viện Ngôn ngữ học cho rằng hoàn toàn không nên và không cần thiết có bất kỳ cải tiến nào đối với chữ Quốc ngữ”, ông Hiệp chia sẻ.
Phát biểu mang tính tổng kết hội thảo, nhà giáo Trần Chút, Chủ tịch danh dự Hội Ngôn ngữ học TP.HCM, cho rằng không nên thực hiện cải cách chữ Quốc ngữ.
“Chữ Quốc ngữ là thành quả được khởi tạo từ công lao của các giáo sĩ phương Tây đầu thế kỷ 17 như Francisco de Pina, Gaspar de Amaral, Antonia Barbosa... Bằng việc hợp, chỉnh lý, bổ sung thành quả của lớp người đi trước qua các tác phẩm Từ điển Việt - Bồ Đào Nha - Latinh và Phép giảng tám ngày năm 1651, Alexandre de Rhodes là người có công tổng kết giai đoạn hình thành của chữ tiếng Việt bằng hệ thống chữ cái Latinh”, ông Trần Chút khẳng định.
Theo ông Chút, thực tế cho thấy từ tiến trình lịch sử, dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã tự nguyện lựa chọn chữ Quốc ngữ làm chữ viết tiếng Việt. Giá trị của chữ Quốc ngữ càng được nâng cao khi được dùng làm cơ sở để xây dựng hệ thống chữ viết cho nhiều ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở nước ta. Có thể khẳng định chữ Quốc ngữ là chữ viết quốc gia của Việt Nam.
“Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 xác định tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia. Chữ Quốc ngữ là chữ viết tiếng Việt. Điều đó có nghĩa là Hiến pháp cũng đã công nhận chữ Quốc ngữ là chữ viết quốc gia”, ông Chút nhấn mạnh.
Chủ tịch danh dự Hội Ngôn ngữ học TP.HCM cũng chia sẻ, mọi người đã biết Quốc hội có chủ trương xây dựng luật Ngôn ngữ. Có thể nghĩ rằng liên quan đến chữ Quốc ngữ, luật Ngôn ngữ tối thiểu có mấy nội dung chủ yếu như khẳng định chữ Quốc ngữ là chữ viết quốc gia, ghi rõ ràng chữ cái, các dấu thanh và tên gọi của chúng trong hệ thống chữ Quốc ngữ. Đồng thời xác định quy tắc cơ bản của chính tả tiếng Việt theo chữ Quốc ngữ.
Lê Phương