Không nên bỏ điểm sàn

(Dân trí) - “Không nên bỏ điểm sàn vì phải tuyển sinh cho đủ số lượng mà bất chấp chất lượng đầu vào. Bỏ điểm sàn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đại học”…

Đó là ý kiến của ông Bùi Đức Hiền - trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Điện lực góp ý về việc xây dựng điểm sàn mới năm nay.

Ông Bùi Đức Hiền khẳng định: “Không nên bỏ điểm sàn. Điểm sàn là điểm thí sinh phải đạt đươc để bảo đảm rằng họ đủ trình độ tối thiểu để học một cấp học nào đó bậc cao đẳng hay đại học. Các trường có uy tín thường lấy điểm chuẩn cao hơn nhiều so với điểm sàn, vì vậy điểm sàn chỉ liên quan đến các trường khó tuyển sinh. Không nên vì phải tuyển sinh cho đủ số lượng mà bất chấp chất lượng đầu vào. Bỏ điểm sàn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đại học. Bởi vậy chỉ nên quan tâm đến việc phải xác định điểm sàn thế nào cho hợp lý. Điều này phụ thuộc nhiều vào kết cấu đề thi. Đề thi phải phân loại được trình độ của người dự thi.

Ông Hiền phân tích: Mấy năm vừa qua đề thi đại học phân loại khá tốt thí sinh dự thi. Tuy nhiên theo tôi đề thi hơi khó so với mặt bằng kiến thức phổ thông hiện nay. Kiến thức của các em thu nạp trong 3 năm học đã có, kỳ thi chỉ đánh giá chứ không thay đổi được nó. Bởi vậy đề thi nên ra thế nào để điểm sàn là 15 (trung bình mỗi môn thi 5 điểm) và với mức này thì đủ số lượng chỉ tiêu tuyển sinh của tất cả các trường trên toàn quốc.
 
Thí sinh rời điểm thi sau khi kết thúc buổi thi môn Hóa.
Thí sinh dự thi đại học năm 2012.

Ông Hiền cho hay, về việc năm 2012 Bộ GD-ĐT cho thí sinh sử dụng Phiếu đăng kí nguyện vọng sau bằng bản sao công chứng đã gây phức tạp thêm cho các trường trong việc xác định đúng số lượng thí sinh đến nhập học vì hồ sơ ảo nhiều. Dụng ý của Bộ là tạo thuận lợi cho thí sinh trong việc chọn trường, tuy nhiên chính điều này đã làm khó cho câc trường ngoài công lập. Bản chất vấn đề nằm ở chỗ số lượng thí sinh đạt điểm sàn là một số đã xác định, nếu các em có nhiều lựa chọn thì các em chọn vào trường công lập, nơi mà nhà nước có nhiều ưu đãi hơn ngay với sinh viên. Với việc cho nộp đăng kí một lúc nhiều trường thì xác suất của các em đậu vào trường công lập là rất cao. Năm nay Bộ cho dùng 3 phiếu, theo tôi cũng vẫn là nhiều. Chỉ nên dùng 2 phiếu như trước đây - ông Hiền đề nghị.

Đồng quan điểm, ông Lê Trọng Thắng - trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Mỏ Địa chất cho rằng: “Việc xây dựng điểm sàn cho kỳ thi đại học cao đẳng hàng năm là việc làm cần thiết, nhằm bảo đảm yêu cầu chất lượng đầu vào tương thích với chỉ tiêu tuyển sinh và phù hợp với mức độ khó dễ của đề thi đại học hàng năm. Cách xây dựng điểm sàn phù hợp nhất phải đáp ứng được các mục tiêu đặt ra cũng như phù hợp với các chính sách xét tuyển hiện nay của Nhà nước đối với các đối tượng ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo tuyển đủ các chỉ tiêu  đã dự kiến, nhất là các cở sở đào tạo hiện còn gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh”.

 Trên cơ  sở mục tiêu và yêu cầu của việc xây dựng điểm sàn, ông Thắng kiến nghị phương án xây dựng điểm sàn như: “Xác định danh sách thí sinh có tổng điểm thi đại học của các môn  theo khối thi đã được quy cả điểm ưu tiên và xếp theo thứ tự từ cao đến thấp. Dựa vào chỉ tiêu dự kiến của các khối thi đã được xác định từng năm để làm cơ sở xác định giới hạn điểm sàn. Chỉ tiêu tuyển sinh này có thể được xem xét để nhân với hệ số dự phòng nhằm bảo đảm cho việc xử lý các tình huống phát sinh. Hệ số này (nếu có), được xác định cụ thể theo số liệu thống kê tuyển sinh hàng năm trước đây và có thể được điều chỉnh theo thực tế hàng năm cho phù hợp”.

Hồng Hạnh (ghi)