“Không được tầm thường luận án Tiến sĩ”
(Dân trí) - Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân tỏ quan điểm rất “mạnh” với vấn đề chất lượng Tiến sĩ trong phiên chất vấn về giáo dục chiều 16/11. Theo ông, với những người có ý định làm luận văn Tiến sĩ, nếu thấy vấn đề mình định làm không có gì mới thì “đừng” nên làm.
2 tiếng cho lĩnh vực giáo dục đã không thể làm cho người chất vấn và người được chất vấn có cảm giác... “thoả thê”.
“Các nước đã làm từ lâu rồi”
Đại biểu Đặng Văn Khanh đặt vấn đề, đa số cử tri cho rằng SGK phổ thông hiện nay là không phù hợp kể cả về từ ngữ, ngữ nghĩa... nhưng tại sao Bộ trưởng lại nói rằng “phù hợp”.
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đáp lại, những người tham gia xây dựng chương trình, SGK đều là những người có uy tín trong ngành, nhưng 80% trong số này khi đó không giảng dạy ở bậc phổ thông nên cũng có thể có “nguy cơ” không phù hợp. Tuy nhiên phải qua triển khai thực tiễn thì mới đánh giá được và Bộ chủ trương hàng năm sẽ có những đánh giá.
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng “bắt” tiếp đề tài này: Bộ trưởng từng cho rằng, chương trình SGK đã tốt và có thể ổn định nhiều năm, nhưng nhiều người cho rằng, chương trình nặng mà thấp, không phù hợp với thế giới, vậy có nên tổ chức một cuộc đối thoại với Quốc hội về việc tại sao chúng ta không sử dụng một chương trình giống như thế giới.
Ông Nhân tiếp thu tinh thần của đại biểu Dũng và cho biết, tới đây có thể mời các nhà khoa học, nhà giáo để đánh giá độc lập với Bộ GD- ĐT.
“Việc thi tốt nghiệp lần 2 là quyết định mới và được coi là đổi mới thì tại sao đến 2009 lại chấm dứt thi tốt nghiệp lần 2?”, đại biểu Ngô Văn Minh nêu câu hỏi. Ông Nhân lí giải, vấn đề này không làm “dài dài” mà chỉ mang tính tình thế. Sau khi tổ chức “thi thật”, mốt số học sinh kém đã bị trượt và có nguy cơ không có việc làm nên phải tổ chức kì thi thứ 2. Việc làm như vậy thêm tốn kém và khiến giáo viên không được nghỉ hè, nhưng xác định vẫn còn học sinh yếu kém nên kì thi lần 2 vẫn phải thực hiện thêm một lần nữa.
Đại biểu Đặng Văn Khanh (Hà Nội) lo ngại về chất lượng đào tạo tiến sĩ: “Bộ trưởng cho biết, đến năm 2006 có bao nhiêu luận án tiến sĩ có thể áp dụng vào thực tế”. Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân không đáp lại trực tiếp câu hỏi, nhưng đã “xuôi” với vấn đề đặt ra: “Tôi là nhà giáo, tôi từng ngồi trong hội đồng bảo vệ và rất buồn vì những luận án không có gì mới về khoa học”. Ông Nhân cho biết, một hiệu trưởng từng khoe với ông là trường của ông ta có nhiều người làm luận án tiến sĩ, nhưng khi được hỏi có gì mới thì vị hiệu trưởng thừa nhận “các nước đã làm từ lâu rồi”.
Theo ông Nhân tới đây, cần có qui định là trong luận văn phải dành một trang ghi những cái mới về khoa học. Với những ai có ý định làm luận án tiến sĩ, nếu không có cái mới hãy “đừng” đăng kí làm! Cũng theo Bộ trưởng Nhân, việc cử 1 vạn TS trong chương trình hai vạn TS ra nước ngoài học là nhằm giải quyết vấn đề này. “Không được tầm thường luận án TS”, ông Nhân nhấn mạnh.
Trẻ không muốn học “bà giáo già”
Bắt vào vấn đề chất lượng giáo viên, đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) tấn công ngay vào chủ đề nhạy cảm: đạo đức người thầy. Ông Châu rất bức xúc khi điểm lại trong năm qua, báo chí liên tiếp phản ánh những vụ việc thầy giáo có cách hành xử lệch chuẩn với học trò.
Đáp lại câu hỏi, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân tự bạch rất nhiều trăn trở: “Thống kê có khoảng 10 vụ việc đã được phản ánh. 10 trường hợp so với hơn 1 triệu thầy cô trong cả nước, tỷ lệ không nhiều nhưng chúng tôi cũng rất đau lòng và cũng có thể hiểu ở đâu đó vẫn còn nhiều chuyện như vậy nhưng không được báo chí nêu”. Người trả lời chất vấn cũng khẳng định, Bộ đã ban hành tiêu chuẩn giáo viên tiểu học, đang tiếp tục xây dựng tiêu chuẩn giáo viên trung học và thời gian tới là giáo viên bậc đại học.
Chưa xuôi, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) dẫn ngay vụ việc vừa xảy ra vài ngày qua, thầy hiệu phó trường THCS Trần Phú (quận 10, TPHCM) giao 4 học sinh lớp 9 của mình cho Ban chỉ huy quân sự “tra tấn” để làm rõ một nghi án đánh nhau. Ông Xuân vặn: “Ngành giáo dục đã có quy chế quản lý giáo viên vì đây không phải là trường hợp đầu tiên?”.
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đáp ngay, trường nào cũng đã có quy chế trường học. Vậy nên, không thể nói trường hợp đó là quy chế không rõ ràng mà vấn đề là do người quản lý, điều hành làm không đúng.
Chuyển sang vấn đề cơ chế đối với giáo viên ở miền núi, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đề cập thực trạng, nhiều giáo viên điều động lên vùng núi không phải 3 năm, mà tới 15 - 20 năm “bám trụ”, công tác vẫn không về được miền xuôi. Nguyên nhân có phải xuất phát từ chính sách mỗi huyện tự cân đối giáo viên, sở không can thiệp được?
Người đứng đầu ngành giáo dục gật đầu xác nhận: “Việc giáo viên điều động lên miền núi nhiều năm mà không được về là lỗi của ngành”. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng phân tích thêm một phần lỗi của chính quyền địa phương trong khi Bộ GD-ĐT cũng chưa có bộ phận chuyên trách để theo dõi hết các vấn đề của cán bộ trong ngành.
Một câu hỏi khá “hóm” khác được đại biểu Bùi Văn Duôi (Hòa Bình) đặt ra về việc học sinh mầm non chỉ thích học các cô giáo trẻ. Ông Duôi đưa ra đề nghị Bộ trưởng xem xét “linh động” độ tuổi về hưu của giáo viên mầm non chỉ trong khoảng giới hạn 45-50 là cùng vì không học trò nào muốn học ở lớp một “bà giáo già”. Đáng tiếc, câu hỏi này chưa được ông Nguyễn Thiện Nhân trả lời.
Phương Thảo - Cấn Cường