Cậu học trò mang cái tên "quá đau thương" trở thành thủ khoa đại học

Hoài Nam

(Dân trí) - Không chỉ gia cảnh nghèo khó, cái tên ít nhiều đã nói lên cuộc đời đau thương của nam thủ khoa đầu vào Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TPHCM.

Cậu học trò ấy một trong 90 thủ khoa trong cả nước (gồm 30 sinh viên khu vực phía Bắc và 60 sinh viên khu vực phía Nam) nhận học bổng Nâng bước thủ khoa năm 2024 của Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và báo Tiền Phong tổ chức.

5 sinh viên từng nhận học bổng những năm trước và duy trì thành tích học tập tốt cũng tiếp tục được nhận học bổng trong dịp này. Tổng giá trị học bổng năm nay gần 1 tỷ đồng cùng nhiều hiện vật khác.

Cậu học trò mang cái tên quá đau thương trở thành thủ khoa đại học - 1

Các thủ khoa nhận học bổng giao lưu chia sẻ về hành trình học tập và trưởng thành (Ảnh: T.P).

Lê Hoài Hận, sinh năm 2006 là thủ khoa đầu vào Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TPHCM.

Có lẽ cái tên không chỉ ít nhiều nói về tuổi thơ, cuộc đời đau thương của cậu mà còn cho thấy cả những đau đớn và cay đắng chất chứa ở bậc sinh thành. Tất cả những đớn đau đó hiện hữu trên người Hận, đâu chỉ ở mỗi cái tên…

Hoài Hận quê ở Bến Tre, bố bỏ đi từ lúc em còn trong bụng mẹ. Mẹ của Hận mang số phận "bánh mỳ kẹp" (nói về những người gánh hai áp lực cùng lúc là hỗ trợ cha mẹ già và con cái) khi một mình vừa đóng hai vai trò làm bố làm mẹ và còn gồng gánh nuôi cả ông bà ngoại lớn tuổi.

Cuộc sống quá khó khăn, đến năm Hận lên lớp 9 thì mẹ gửi em lại cho ông bà và dì rồi đi tìm việc ở Kiên Giang, hàng tháng gửi tiền về chu cấp lo cho cả nhà. Theo năm tháng lớn lên, Hận dần dần hiểu được nỗi vất vả và hiểu cho cả những đau thương mẹ mình trải qua…

Tự nhận bản thân không may mắn như nhiều bạn bè, Hận sớm xác định chỉ có con đường học mới giúp em vượt qua số phận. Hơn nữa, Hận nhắc mình nỗ lực học tập không chỉ cho bản thân mà ý nghĩa không kém là để mang thêm chút niềm vui, bù đắp phần nào cho cuộc đời của mẹ.

Đứa trẻ thiếu may mắn ấy 12 năm liền đều đạt học sinh giỏi, giải nhì học sinh giỏi toán cấp huyện năm lớp 8 và 9; giải ba học sinh giỏi toán cấp tỉnh năm lớp 9; giải ba học sinh giỏi địa lý cấp tỉnh lớp 11… Và đặc biệt là danh hiệu thủ khoa đầu vào Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TPHCM năm 2024.

Cậu học trò mang cái tên quá đau thương trở thành thủ khoa đại học - 2

Sinh viên Lê Hoài Hận, thủ khoa Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TPHCM (Ảnh: T.L).

Những kết quả học tập mà với Hậu: "Là những món quà tinh thần em phấn đấu dành tặng mẹ".

Hoài Hận chia sẻ, ngày chính thức trở thành sinh viên, em thấy mình đã trưởng thành, mang nhiều hoài bão của tuổi trẻ nên nhắc mình phải tự lập hơn nữa.

Biết mẹ còn phải gồng gánh nuôi cả gia đình, chi phí tốn kém nên ngay sau khi lên TPHCM, ổn định chỗ ở và việc học, Hận đã lập thức xin làm thu ngân ở siêu thị kiếm tiền trang trải sinh hoạt phí cho bản thân.

Không chỉ Hoài Hận, hồ sơ xét học bổng của nhiều em thủ khoa làm ban tổ chức phải rớt nước mắt. Ở đó, có rất nhiều sinh viên sinh ra trong nghịch cảnh mồ côi hoặc bị chính người sinh thành bỏ rơi.

Đó là câu chuyện của em Lê Văn Lộc, thủ khoa Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng bị chính bố mẹ bỏ rơi khi vừa chào đời. Là một đứa trẻ mắc dị tật sứt môi, hở hàm ếch, Lộc được một đôi vợ chồng thợ hồ tìm thấy ở gầm cầu trong hình hài đỏ hỏn rồi được đưa vào cô nhi viện ở Quảng Ngãi.

Tuổi thơ của Lộc vắng cha thiếu mẹ nhưng thừa cảnh sự trêu ghẹo, cười cợt của bạn bè xung quanh. Hành trình lớn lên cậu phải trải qua nhiều lần phẫu thuật, tái tạo khuôn mặt…

Hoàn cảnh đó, Lộc từng chìm trong tự ti về mọi thứ. Câu hỏi "Tại sao ba mẹ mình sinh ra lại bỏ rơi mình và tại sao mình lại mang hình hài không may mắn?" bám riết và giày vò đứa trẻ.

Theo thời gian lớn lên, khi bản thân có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc, giao lưu với thế giới xung quanh, tinh thần của Lộc dần cởi mở hơn.

Cậu học trò mang cái tên quá đau thương trở thành thủ khoa đại học - 3

Sinh viên Lê Văn Lộc lớn lên với câu hỏi "Tại sao ba mẹ mình sinh ra lại bỏ rơi mình?" (Ảnh: T.P).

Khi nhận ra mặc cảm, tự ti thì sẽ không thể thay đổi cuộc đời, không phát triển, Lộc đã từng bước, từng bước học cách bước ra khỏi thế giới "vỏ ốc" của mình.

Ngoài nỗ lực học tập để thay đổi cuộc đời, Lộc chia sẻ em đang học cách biết ơn những điều xung quanh mình. Ở đó, đặc biệt với cậu là học cách biết ơn cha mẹ đã tạo ra bản thân dù không chăm sóc…

Hay trường hợp của Trần Ngọc Anh Thy, sinh viên năm nhất Trường Đại học Thủ Dầu Một bố mất vì mắc bệnh hiểm nghèo khi em chỉ mới được 17 tháng tuổi. Chỉ mình mẹ chống đỡ, Thy luôn nghĩ đến mẹ để cố gắng học nhiều hơn, học tốt hơn…