Không được quy định mức đóng góp tự nguyện
(Dân trí) - Bộ GD-ĐT vừa ban hành thông tư quy định tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, các cơ sở giáo dục không quy định mức tài trợ cụ thể đối với các nhà tài trợ.
Bên cạnh đó các cơ sở giáo dục cũng không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục. Theo quan điểm của Bộ GD-ĐT, tài trợ cho giáo dục để tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, hỗ trợ hoạt động dạy - học, hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục, thực hiện tốt chủ trương xã hội hoá giáo dục.
Các khoản tài trợ cần được tiếp nhận, quản lý và thực hiện một cách hiệu quả, tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành. Các nhà tài trợ không gắn điều kiện ràng buộc việc tài trợ với việc thụ hưởng dịch vụ giáo dục hoặc quyền khai thác lợi ích kinh tế phát sinh từ các khoản tài trợ cho cơ sở giáo dục. Việc quản lý và sử dụng các khoản tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch
Khuyến khích các nhà tài trợ tự tổ chức thực hiện việc đầu tư xây dựng, mua sắm, lắp đặt thiết bị dạy - học với sự thỏa thuận và hướng dẫn của cơ sở giáo dục. Đối với việc tiếp nhận tài trợ, thông tư này quy định rõ: giá trị khoản tài trợ hoặc hiện vật tài trợ phải được theo dõi và ghi chép trong sổ sách kế toán của cơ sở giáo dục theo quy định hiện hành.
Cơ sở giáo dục tiếp nhận tài trợ bằng hiện vật, cụ thể: sách, vở, quần áo, lương thực, thực phẩm, vật liệu, thiết bị, đồ dùng dạy học và các hiện vật khác có giá trị sử dụng và đáp ứng được nhu cầu thiết thực của người học và cơ sở giáo dục. Không tiếp nhận hiện vật không cần dùng trong cơ sở giáo dục, hiện vật độc hại, nguy hiểm đối với sức khoẻ của người dạy và người học.
Quản lý và sử dụng các khoản tài trợmột cách minh bạch
Cũng theo thông tư này thì cơ sở giáo dục lập Kế hoạch sử dụng khoản tài trợ, trong đó xác định rõ mục đích, đối tượng hưởng lợi; cách thức tổ chức thực hiện, tiến độ thực hiện; chất lượng hoạt động, chất lượng sản phẩm, công trình kèm dự toán kinh phí chi tiết phù hợp với các quy định về tiêu chuẩn, định mức hiện hành.
Kế hoạch sử dụng khoản tài trợ phải được công bố và niêm yết công khai trước khi tổ chức thực hiện ít nhất 15 ngày làm việc để lấy ý kiến đóng góp của giáo viên, cán bộ, nhân viên, học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh và nhà tài trợ.
Quá trình thực hiện Kế hoạch phải tuân thủ đúng mục đích đã đề ra, đảm bảo tiến độ thời gian, chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn, định mức quy định, tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng và mua sắm đấu thầu. Cơ sở giáo dục phải lập báo cáo quyết toán công việc hoàn thành và niêm yết công khai để người học và xã hội giám sát, đánh giá.
Các sản phẩm, công trình hình thành từ các nguồn tài trợ phải được sử dụng đúng mục đích và được bố trí kinh phí duy tu, bảo dưỡng thường xuyên để phát huy hiệu quả sử dụng, không để thất thoát, lãng phí.
Trong trường hợp nhà tài trợ tự tổ chức thực hiện việc nâng cấp, sửa chữa hoặc xây mới, mua sắm mới tài sản cho cơ sở giáo dục hoặc tổ chức các hoạt động hỗ trợ dạy - học, các hoạt động ngoại khoá thì cơ sở giáo dục có trách nhiệm hướng dẫn và giúp nhà tài trợ sử dụng khoản tài trợ đáp ứng đúng nhu cầu và phù hợp với kế hoạch phát triển của cơ sở giáo dục; Phối hợp với nhà tài trợ thực hiện các biện pháp kỹ thuật, quy trình, thủ tục trong quá trình thực hiện để đảm bảo chất lượng, mỹ quan của sản phẩm, công trình; Nghiệm thu, tiếp nhận sản phẩm, công trình do nhà tài trợ tự thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và có trách nhiệm quản lý, duy tu, bảo dưỡng để đảm bảo sản phẩm, công trình được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích.
Thông tư này cũng nhấn mạnh: Thủ trưởng cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý và sử dụng các khoản tài trợ cho cơ sở giáo dục, cụ thể: Tổ chức thực hiện các quy định tại Thông tư này; thực hiện tổng kết, đánh giá nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các khoản tài trợ. Lập báo cáo thu chi các khoản tài trợ và kết quả thực hiện, gửi cấp trên quản lý trực tiếp và gửi các nhà tài trợ.
Thành lập bộ phận tiếp nhận các khoản tài trợ của cơ sở giáo dục, bao gồm: Đại diện lãnh đạo cơ sở giáo dục, đại diện các bộ phận chức năng và Ban đại diện cha mẹ học sinh (đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên) hoặc đại diện Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội sinh viên (đối với trường trung cấp chuyên nghiệp và cơ sở giáo dục đại học).
Phối hợp với nhà tài trợ tổ chức triển khai có hiệu quả các khoản tài trợ cho cơ sở giáo dục. Chủ động đề xuất với nhà tài trợ về thứ tự nhiệm vụ ưu tiên trong việc sử dụng các khoản tài trợ để tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, hỗ trợ hoạt động dạy - học, hoạt động giáo dục phù hợp với kế hoạch phát triển của cơ sở giáo dục.
Chịu trách nhiệm báo cáo, giải trình các đơn vị có chức năng giám sát, kiểm tra, thanh tra việc quản lý và sử dụng các khoản tài trợ tại cơ sở giáo dục nếu được yêu cầu. Chịu trách nhiệm giải trình, trả lời các ý kiến thắc mắc (nếu có) của của giáo viên, cán bộ, nhân viên, học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh và nhà tài trợ trong việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ.
Được biết thông tư này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục đại học và trường trung cấp chuyên nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, các tổ chức và cá nhân có liên quan. Thông tư chính thức có hiệu lực từ ngày 25/10/2012.
Nguyễn Hùng