Không để học sinh trở thành “nô lệ” của chương trình học

(Dân trí) - Trong buổi làm việc với Sở GD-ĐT TPHCM sáng 23/2, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đặt câu hỏi: Vì sao học sinh đã học hai buổi/ngày sao vẫn còn phải đi học thêm? Các em học nhiều không có thời gian luyện tập thể dục dẫn đến nhiều học sinh béo phì.

Theo báo cáo của lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM, hiện toàn thành phố có 80% học sinh học 2 buổi/ngày, bậc mầm non gần 100%, còn hai bậc học THCS và THPT thì tỷ lệ học 2 buổi còn rất thấp.

Thành phố tiếp tục ưu tiên bố trí vốn nâng cấp, mở rộng và duy tu các phòng học, đảm bảo đến năm 2020 đạt 300 phòng học/10.000 người dân thành phố trong độ tuổi đi học.

Bí thư Đinh La Thăng đặt vấn đề ngành giáo dục cần phải xem lại tại sao học sinh đã học hai buổi/ngày mà vẫn phải đi học thêm buổi tối?

Ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TPHCM trong chương trình gặp gỡ đối thoại với học sinh TPHCM
Ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TPHCM trong chương trình gặp gỡ đối thoại với học sinh TPHCM

Khi xuống các trường, ông Thăng nhìn thấy số học sinh béo phì rất nhiều mà theo ông một trong những lý do là các em còn phải học quá nhiều thì thời gian đâu mà luyện tập thể dục thể thao.

Bí thư Đinh La Thăng đề nghị ngành giáo dục phải làm sao để học sinh được tập luyện thể dục thể thao. Nhất là bơi lội phải phải có kế hoạch để đảm bảo 100% học sinh biết bơi, kể cả giáo viên cũng phải biết bơi.

“Chúng ta phải có lộ trình giảm tải, xây dựng điều kiện để học sinh được vui chơi, giải trí và rèn luyện thể lực, không để các em trở thành “nô lệ” của chương trình học”, ông Đinh La Thăng nói và nhắc ngành giáo dục thành phố tiến tới đến năm 2020 phải chấm dứt dạy thêm học thêm tràn lan gây tiêu cực và trái quy định. Việc phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi là trách nhiệm của trường học.

Ông Thăng cũng yêu cầu ngành giáo dục nghiên cứu đề xuất ông đã đề cập vào dịp đầu năm học mới về chính sách trả lương cho giáo viên không cào bằng, cơ chế đãi ngộ xứng đáng để thu hút người giỏi.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, thành phố đã có sự thay đổi, giảng dạy không chỉ cung cấp kiến thức mà tập trung vào rèn luyện kỹ năng, hướng dẫn tự học. Sở yêu cầu các trường phải đổi mới phương pháp, chủ động xây dựng giáo án phù hợp với học sinh. Tuy nhiên thực tế nhiều giáo viên vẫn còn ngại thay đổi, lo học sinh không nắm được kiến thức, ảnh hưởng đến việc thi cử.

Mục tiêu chung của ngành giáo dục thành phố là học sinh được học tập và hoạt động cả ngày trong trường; được giảng dạy và học tập bằng những phương pháp tiên tiến, hiện đại của thế giới, chú trọng phát triển tư duy khoa học, sáng tạo, tìm tòi, nghiên cứu, có nền tảng tiếng Anh, Tin học đạt chuẩn để có thể tiếp tục học tập, làm việc trong môi trường quốc tế sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Và đặc biệt, học sinh có thể chơi được ít nhất 01 môn thể thao; có kiến thức về âm nhạc, mỹ thuật và có kỹ năng thực hành xã hội để có thể thích ứng cuộc sống.

Với giáo viên ngành cần xây dựng đội ngũ tận tâm, yêu nghề, mến trẻ; giỏi chuyên môn; hiểu biết xã hội; bản lĩnh chính trị.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm