Không để doanh nghiệp định giá sách giáo khoa ra sao cũng được

Mỹ Hà

(Dân trí) - "Hiện nay, sách giáo khoa được các nhà xuất bản quy định giá theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, không thể để doanh nghiệp định giá ra sao cũng được mà cần quy định, hành lang pháp lý".

Thông tin này vừa được đưa ra tại tọa đàm "Sách giáo khoa và câu chuyện xã hội hóa giáo dục", do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức ngày 3/11.

Bán "bia kèm lạc" khiến giá sách càng cao

Trước câu hỏi: "Nguyên nhân nào khiến giá SGK mới tăng đáng kể so với SGK cũ? Kịch bản nào sẽ diễn với các doanh nghiệp khi SGK trở thành mặt hàng do Nhà nước định giá", theo bà Nguyễn Thị Kim thúy, nhiều người cho rằng, giá sách giáo khoa cao nhưng thực ra, có hiện tượng "bán bia kèm lạc rang".

"Khi có tình trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo có ngay văn bản cấm các trường vận động học sinh mua sách tham khảo.

Tôi e rằng, quy định này quá cứng vì có những sách tham khảo là đồ dùng học tập thiết yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập.

Theo tôi, Bộ nên điều chỉnh lại quy định này, nếu cấm thì cấm hình thức "bán bia kèm lạc rang", tránh tình trạng học sinh phải mua sách tham khảo không thiết yếu.

Không để doanh nghiệp định giá sách giáo khoa ra sao cũng được - 1

Bộ GD&ĐT nên cấm bán "bia kèm lạc", tránh tình trạng học sinh phải mua sách tham khảo không thiết yếu (Ảnh: T.L).

Tôi có một người bạn ở tỉnh, muốn mua hai bộ sách cho người nhà, một cháu lớp 1, một cháu lớp 6.

Các cháu nói rằng nhà trường thông báo rồi, chỉ nộp tiền rồi nhận sách. Thế nhưng khi nhận về, bộ SGK có giới hạn trong khi sách tham khảo cả một tập. Điều này lý giải tại sao giá sách không cao", bà Kim Thúy nói.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, gần đây, các bộ sách mới ra đời có giá thành cao hơn các bộ sách cũ là điều không tránh khỏi vì khác hoàn toàn về nội dung, chất lượng, hình thức.

"Quan điểm của tôi là Nhà nước nên để thị trường định giá SGK. Xét về nguyên lý, SGK không phải mặt hàng độc quyền, đây là mặt hàng mà các nhà soạn thảo có quyền cạnh tranh, vậy giá phải do các đơn vị cạnh tranh trong thị trường này quyết định.

Chỉ có cạnh tranh chúng ta mới thúc đẩy được chất lượng đi lên cũng như là mức giá để thỏa mãn mọi đối tượng trong xã hội", ông Thỏa cho hay.

Cũng theo chuyên gia này, Bộ GD&ĐT cần ban hành định mức kinh tế kỹ thuật về sản xuất SGK để các nhà biên soạn căn cứ vào đó sản xuất. Ví dụ đơn giản như một cuốn sách sẽ hết bao nhiêu giấy, giấy loại gì..., và các đơn vị xuất bản cần phải tuân thủ.

Không để doanh nghiệp định giá sách giáo khoa ra sao cũng được - 2

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng (Ảnh: T.L).

Thứ hai, Bộ cũng cần ban hành quy chế giá riêng cho SGK ngoài quy định chung do Bộ Tài chính ban hành. Quy chế này cần quy định những chi phí nào nhà sản xuất được phép tính vào giá thành, chi phí nào không được phép…

Nói về giá sách mới cao hơn nhiều lần sách cũ, ông Ngô Trần Ái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam đưa ra 5 nguyên nhân.

Thứ nhất, do các doanh nghiệp tự bỏ vốn để thực hiện toàn bộ các khâu.

Thứ hai, giá nguyên vật liệu, công in, nhuận bút, chi phí tiếp thị, bồi dưỡng tăng lên.

Thứ ba, do khổ sách thay đổi, tăng lên 1,3 lần so với sách cũ. Đồng thời, SGK mới được in 4 màu với chất lượng cao.

Thứ tư, các bộ sách đều có phiên bản điện tử.

Thứ năm, do nhiều đơn vị tham gia xuất bản nên thị trường thu hẹp lại, khiến cho giá thành tăng lên.

Không để doanh nghiệp định giá sách giáo khoa ra sao cũng được - 3

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam (Ảnh: T.L).

Không thể để doanh nghiệp định giá ra sao cũng được

Về câu hỏi, các bộ SGK hiện hành được định giá dựa trên các tiêu chí nào, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết, hiện chúng ta vẫn để cho các nhà xuất bản quy định giá theo cơ chế thị trường nhưng không thể để các doanh nghiệp muốn định giá ra sao cũng được.

Chuyên gia này nói rằng, chúng ta có những quy định, hành lang pháp lý mà các nhà xuất bản phải tuân thủ khi định giá.

Trước hết, các NXB phải tuân theo quy định về chi phí và dựa vào phương pháp định giá chung do Bộ Tài chính ban hành.

Còn nguyên tắc định giá, phải tuân theo các hạng mục cụ thể trong sản xuất mà các nhà xuất bản phải chi ra và có mức lợi nhuận phù hợp để tái đầu tư theo quy định của Điều 20, Luật Giá hiện hành.

Căn cứ định giá là giá thành toàn bộ, chất lượng của SGK và lợi nhuận.

Trên cơ sở đó, nhà nước có hai cách kiểm soát, một là kiểm soát trực tiếp hai là gián tiếp nhưng với sản phẩm xã hội hóa, cần có thêm các cơ chế khác để phù hợp.

Không để doanh nghiệp định giá sách giáo khoa ra sao cũng được - 4

Ông Ngô Trần Ái: "Có 5 lý do khiến SGK mới có giá cao" (Ảnh: T.L).

Trao đổi về điều này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cũng thừa nhận, định giá quan trọng là những nguyên tắc, phương pháp.

"Tôi nghĩ rằng các nhà xuất bản nên yên tâm về chủ trương của Nhà nước. Trong lựa chọn về sách, vấn đề làm sao tránh bất cập, những can thiệp không xuất phát từ cơ sở", Thứ trưởng nói.

Đồng thời, Thứ trưởng cũng cung cấp thêm một số thông tin về giá sách của nước ta so với các nước so với Lào, Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Anh, Pháp, Australia, Nga...

Theo đó, giá sách của các nhà xuất bản Việt Nam thấp hơn 7-12 lần. Về khổ sách ở mức trung bình so với các nước; giấy in sử dụng tiêu chuẩn in có chất lượng sách bảo đảm vệ sinh học đường; trọng lượng sách ở mức trung bình.

Về số màu, tại sao phải chọn bốn màu sách, vì sách phải biên soạn theo chương trình, từ truyền đạt trí thức sang phẩm chất năng lực, và điều kiện kinh tế như hiện nay thì các em phải được quan sát bằng màu, ở đây là bốn màu.

"Nói chung, hiện nay ưu tiên dành cho các em điều kiện tốt nhất trong điều kiện kinh tế có thể", Thứ trưởng khẳng định.

Dự án Luật Giá (sửa đổi) được thảo luận tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XV chiều thứ tư vừa qua. Theo Tờ trình của Chính phủ, việc định giá SGK sẽ giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá tối đa, các nhà xuất bản quyết định giá cụ thể. 

Thực tế, giá SGK có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Vì vậy, cần bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng.

Thế nhưng hiện nay có nhiều đơn vị được phép phát hành sách, thị trường có tính cạnh tranh.

Nên chăng chỉ quy định giá tối đa để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán cụ thể nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần giảm giá bán.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm