Đắk Nông:
Không có giáo viên, hàng chục học sinh sẽ ở nhà ngày khai giảng
(Dân trí) - Hàng trăm đứa trẻ không có cơ hội đến trường từng vui sướng khi một điểm trường được xây dựng tại chính nơi chúng ở. Thế nhưng, trường xây xong đã lâu nhưng không có giáo viên về dạy, thành ra ngày đầu năm học mới, hàng chục đứa trẻ ở xã Quảng Hòa (huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) vẫn phải ở nhà, chỉ một số ít được bố mẹ đưa qua xã khác học nhờ.
Suối Phèn bao năm nay vẫn được coi là cụm dân cư không được thừa nhận của xã Quảng Hòa (huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông). Phải đến khi những thông tin đầu tiên về cuộc sống của gần 100 hộ dân ở đây được báo chí phản ánh, cụm dân cư này mới được đưa vào quy hoạch, thành lập thôn.
Hàng trăm đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở đây, đến nay cũng chỉ có một số ít được đến trường. Do cụm dân cư này nằm sâu trong rừng nên học sinh phải đi gần 25km mới đến được trường của thôn 12 (xã Quảng Hòa). Hoàn toàn là đường đất đá, trơn trượt và lầy lội nên gần 100 đứa trẻ khác vẫn chưa có cơ hội đến trường.
Đầu năm 2019, một điểm trường mẫu giáo được xây dựng tại chính cụm dân cư này. Điểm trường được xây kiên cố nhất cụm, sẽ là nơi theo học của trẻ từ 3-5 tuổi, đảm bảo việc phổ cập giáo dục mầm non ở Suối Phèn.
Thế nhưng, ngày khai giảng, hàng chục đứa trẻ trong độ tuổi đến trường vẫn sẽ phải ở nhà, hoặc theo bố mẹ đi rừng. Một số khác, mới được bố mẹ gửi vội ra xã khác để học nhờ.
Anh Giàng Seo Sèng (trú cụm Suối Phèn) giọng bùi ngùi khi nhắc đến việc học của cô con gái 4 tuổi Tráng Thị Chi. Đây là ngày đầu tiên Chi được bố mẹ cho đi học, cũng là ngày đầu tiên cô bé bắt đầu đi trọ học, bắt đầu cuộc sống xa bố mẹ.
Anh Sèng nghẹn ngào: “Chờ mãi mà lớp học ở đây chưa mở cửa nên sáng nay mình đưa con ra ngoài xã Quảng Sơn để đăng ký cho cháu học nhờ. Con còn nhỏ nên không chịu ở lại phòng trọ, cứ đòi mình chở về nhà. Sáng mai nhà trường khai giảng, 5h sáng mai mình mới chở con ra trường lại”.
Cạnh nhà Sèng, tiếng khóc của trẻ con lẫn với tiếng khóc của người lớn. Vợ của Giàng Seo Phỏng khóc ngặt vì nhớ con. Năm học này, bé Cư Thị Vê (4 tuổi) được vợ chồng anh Phỏng gửi ra nhà người quen, thuận tiện cho việc đi học.
Cũng giống hàng chục hộ dân trong cụm, anh Phỏng cũng đinh ninh năm nay con mình được đi học ngay tại cụm. Thế nhưng đợi lâu quá mà không có cô giáo đến. Trong khi đó, chỉ còn chưa đầy 1 ngày nữa là khai giảng nên anh Phỏng vội vã chở con ra xã Quảng Sơn, xin cho vào Trường mầm non Hoa Pơ Lang để học nhờ.
“Đường đi thì khó khăn nên không dám đưa cháu đi về trong ngày. Mẹ nó khóc quá, không muốn cho nó đi học. Thế nhưng vợ chồng mình bận đi làm, đưa cháu đi theo còn khổ hơn nên phải cho cháu ra đó để đi học. Nó ở nhà em gái mình, thứ hai mình chở đến, cuối tuần lại ra đón về”, anh Phỏng cho hay.
Không có điều kiện như nhà anh Phỏng, nên Giàng A Páo (trú cụm Suối Phèn) phải để cô con gái năm nay gần 5 tuổi ở nhà. Hai đứa trẻ nhà anh Páo mặt mũi lấm lem, thập thò trong góc bếp khi có người lạ.
Anh Páo giải thích, vì nhà không có xe máy, lại không có tiền cho cháu ở trọ nên phải để cháu ở nhà. “Khi nào lớp học ở đây mở cửa thì mình cho con đến học. Nếu không được học mẫu giáo thì cho đi học tiểu học luôn. Ba đứa con trước của mình cũng vậy, không đi học mẫu giáo ngày nào”
Theo cụm trưởng cụm Suối Phèn anh Giàng Seo Dín, hiện có khoảng 60 trẻ trong độ tuổi đến trường phải ở nhà do trường chưa có giáo viên. Những năm trước, học sinh phải đi xa hàng chục km mới đi học được nên khi có trường ở đây, bà con ai cũng phấn khởi, vui mừng.
“Trường thì xây xong từ hồi tháng 6 mà cứ đóng cửa để đấy, cũng không có bàn ghế, sách vở gì. Bà con trong cụm cứ mong ngóng ngày lớp học mở cửa, nhưng đã hơn 2 tháng rồi chưa thấy gì. Nhiều gia đình sợ con không được đi học nên đưa qua xã khác học nhờ. Ba đứa con nhà mình cũng cho đi ở trọ ngoài xã Quảng Hòa rồi, học ngoài đó xa nhưng được trợ cấp hàng tháng”, anh Dín cho biết thêm.
Cô Nguyễn Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Pơ Lang chia sẻ, năm học mới trường có hơn 240 học sinh, thế nhưng chỉ có 3 giáo viên. Nhiều phụ huynh đến năn nỉ nhận con nhưng chúng tôi phải từ chối vì không có giáo viên. Khai giảng năm nào cũng vậy, nhiều cháu đứng ngoài cổng trường khóc lóc xin vào học thế nhưng không thể nhận được.
“Chúng tôi cũng mới nghe nói sẽ giao điểm trường khu Suối Phèn cho trường quản lý. Nhưng chưa có văn bản gửi cho trường. Thế nhưng nếu có nhận điểm trường đó thì cũng chưa thể nhận học sinh được. Điểm trường chính còn không đủ giáo viên thì làm sao chúng tôi vào đó nhận học sinh được”, cô Oanh khẳng định.
Cũng theo nữ hiệu trường, việc trường không thể tiếp nhận học sinh cũng như không thể mở lớp trong điểm trường Suối Phèn xuất phát từ việc phân bổ chỉ tiêu biên chế. Dù ngày khai giảng năm học mới đã cận kề nhưng huyện vẫn chưa thể tuyển giáo viên và phân bổ về cho các trường.
“Năm học này có ba cô, một cô dẫn các cháu, một cô làm MC, còn một cô tiếp đại biểu. Chúng tôi sợ hết học kỳ 1 mới có giáo viên, lúc đó các cháu mới được đi học”, nữ hiệu trưởng than thở.
Ông Đoàn Văn Phương, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đắk G’Long cho biết, trước đó tháng 6/2019, Bộ Nội vụ giao cho tỉnh Đắk Nông hơn 630 biên chế giáo viên mần non. Tuy nhiên, phải cuối tháng 8/2019, số chỉ tiêu này mới được chia về cho các địa phương, trong khi đó huyện lại không được phép hợp đồng giáo viên thành ra thiếu giáo viên trầm trọng.
“Nhanh nhất thì phải tháng 11, không thì phải hết học kỳ 1 mới có giáo viên phân bổ về các trường. Còn Suối Phèn thì chịu, khai giảng này các cháu vẫn phải ở nhà”, ông Phương nói.
Dương Phong