Chấm thi tốt nghiệp THPT 2013:

Không cho điểm bài văn có suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực

(Dân trí) - Trong hướng dẫn chấm thi câu nghị luận môn Văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013, Bộ GD-ĐT lưu ý cán bộ chấm thi: “Không cho điểm những bài làm có suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực".

Hướng dẫn chung của Bộ GD-ĐT về chấm bài thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013 nêu rõ: Giám khảo đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách chấm điểm đếm ý cho điểm. Do đặc trưng của bộ môn nên giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm, khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo.

Hướng dẫn chấm thi của Bộ GD-ĐT như sau: Nêu vấn đề nghị luận: Giới thiệu hiện tượng Nguyễn Văn Nam (0,5 điểm); Phân tích: Cảm phục trước hành động quên mình cứu người của Nguyễn Văn Nam. Đây là tấm gương sáng cho thanh niên cả nước học tập (0,5 điểm).

Hành động này thể hiện tấm lòng nhân ái của một nhân cách đặc biệt; một phẩm chất đạo đức cao đẹp đã được tu dưỡng, học tập, rèn luyện từ môi trường giáo dục tốt của gia đình, nhà trường và truyền thống quê hương… (0,5 điểm); Bình luận: Việc làm của Nguyễn Văn Nam là một nghĩa cử cao đẹp, dũng cảm phi thường, song không phải là cá biệt. Hành động này còn giàu ý nghĩa tích cực trong bối cảnh cuộc sống hiện tại (0,5 điểm). Phê phán lối sống ích kỉ, vô cảm; đề cao ý thức nuôi dưỡng điều thiện và tính thiện (0,5 điểm); Liên hệ bản thân: học tập theo tấm gương Nguyễn Văn Nam… (0,5 điểm).

Hướng dẫn chấm thi cũng nhấn mạnh: “Nếu thí sinh có những suy nghĩ, kiến giải riêng mà vẫn hợp lí thì vẫn được chấp nhận. Nếu thí sinh có kĩ năng làm bài tốt nhưng chỉ đi sâu bàn luận vào một vài khía cạnh cơ bản thì vẫn đạt điểm tối đa”.
 
Thí sinh Quảng Trị kết thúc buổi thi Văn. (Ảnh: Nguyễn Tuấn)
Thí sinh ra về sau buổi thi Văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013. (Ảnh: Nguyễn Tuấn)

Về câu hỏi nghị luận trong đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013, cô Đỗ Thị Thu Hằng - giáo viên môn Văn Trường THPT Đào Duy Từ (Hà Nội) chia sẻ: “Đối với học sinh, nghị luận xã hội là dạng bài vừa dễ vừa khó. Dễ vì các em có thể trình bày những suy nghĩ riêng của chính bản thân. Khó vì không phải em nào cũng có thể nhìn nhận vấn đề một cách sâu sắc để viết đúng và hay. Câu Nghị luận xã hội trong đề thi tốt nghiệp năm nay đăng tải một thông tin cập nhật trên báo chí thời gian qua về hành động dũng cảm đáng khâm phục của học sinh Nguyễn Văn Nam (Nghệ An). Vấn đề này cũng được học sinh quan tâm và chia sẻ nhiều trên mạng nên các em sẽ có được bài viết chân thực, xúc động”.

Cũng theo cô Hằng, cái hay của đề nghị luận xã hội là vừa mang tính thời sự vừa mang tính giáo dục, nhân văn. Những suy nghĩ về hành động dũng cảm của học sinh trong bài viết sẽ giúp các em trưởng thành trên con đường hoàn thiện nhân cách.

S.H